Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Lộ trình phủ kín mạng metro Hà Nội và TP.HCM
Anh Minh - 24/10/2024 09:53
 
Cả Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) và UBND TP. Hà Nội, UBND TP.HCM đều đang đặt mục tiêu trình Quốc hội về Nghị quyết cơ chế chính sách đặc thù đầu tư xây dựng đường sắt đô thị 2 địa phương nói trên tại Kỳ họp đầu năm 2025.

Rốt ráo chuẩn bị

Mặc dù trễ hạn so với yêu cầu, nhưng cuối tuần trước, UBND TP. Hà Nội và UBND TP.HCM đều có công văn gửi Bộ GTVT kế hoạch trình cấp có thẩm quyền đối với Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị theo Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trước đó, Bộ GTVT có Công văn số 10988/BGTVT-KHĐT đề nghị UBND TP. Hà Nội và UBND TP.HCM xây dựng kế hoạch trình cấp có thẩm quyền về Đề án, trong đó dự kiến cụ thể về thời gian trình Thường trực Chính phủ, Bộ Chính trị, Quốc hội, gửi Bộ GTVT trước ngày 10/10/2024 để tổng hợp báo cáo Phó thủ tướng Trần Hồng Hà.

Được biết, kế hoạch trình cấp có thẩm quyền về Đề án của 2 thành phố có sự lệch nhau về các mốc tiến độ chính.

Cụ thể, UBND TP. Hà Nội đặt mục tiêu trình Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô lên Thường trực Chính phủ trong tháng 10/2024; trình Văn phòng Trung ương trước ngày 12/12/2024 để Bộ Chính trị họp cho ý kiến vào cuối tháng 12/2024; lập, trình, thẩm định, thẩm tra hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng đường sắt đô thị; đăng ký vào nội dung Chương trình Kỳ họp Quốc hội đầu năm 2025; trình Quốc hội Nghị quyết về cơ chế chính sách đặc thù đầu tư xây dựng đường sắt đô thị tại Kỳ họp đầu năm 2025.

Trong khi đó, UBND TP.HCM phấn đấu trình Đề án Phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM lên Thường trực Chính phủ trước ngày 20/10/2024; trình Văn phòng Trung ương Đảng trong tháng 10/2024 để Bộ Chính trị họp cho ý kiến vào tháng 11/2024; lập, trình, thẩm định, thẩm tra hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng đường sắt đô thị TP.HCM, đăng ký vào nội dung Chương trình của Kỳ họp Quốc hội trong tháng 11/2024; trình Quốc hội Nghị quyết về cơ chế chính sách đặc thù đầu tư xây dựng đường sắt đô thị TP.HCM vào tháng 11/2024.

Cần phải nói thêm rằng, đây đều là kế hoạch dự kiến, thời gian cụ thể sẽ do Bộ GTVT tổng hợp đề xuất trên cơ sở chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Thường trực Chính phủ.

Hiện Bộ GTVT được giao chủ trì, tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền triển khai các bước tiếp theo gồm: trình Thường trực Chính phủ; báo cáo Bộ Chính trị; trình Quốc hội ban hành Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng đường sắt đô thị 2 thành phố.

Tuy nhiên, tiến độ và chất lượng 2 bản đề án nói trên phụ thuộc rất nhiều vào công tác nghiên cứu chuẩn bị của UBND TP. Hà Nội và UBND TP.HCM.

Rõ dần mục tiêu

Trong báo cáo Đề án hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị TP. Hà Nội và TP.HCM đến năm 2035, được Bộ GTVT tổng hợp gửi lãnh đạo Chính phủ vào giữa tháng 9/2024, các mục tiêu phủ kín mạng lưới đường sắt đô thị 2 địa phương nói trên được định hình tương đối rõ.

Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thành khoảng 598,5 km đường sắt đô thị. Trong đó, đến năm 2030, phấn đấu đưa vào khai thác khoảng 96,8 km; đến năm 2035, phấn đấu đưa vào khai thác thêm 301 km, đảm nhận 50-55% thị phần vận tải hành khách công cộng; đến năm 2045, phấn đấu đưa vào khai thác thêm 200,7 km, đảm nhận 65-70% thị phần vận tải hành khách công cộng và hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị theo Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô điều chỉnh.

Còn TP.HCM đặt mục tiêu hoàn thành khoảng 512,72 km đường sắt đô thị. Trong đó, đến năm 2035, phấn đấu đưa vào khai thác khoảng 183 km, đảm nhận 30-40% thị phần vận tải hành khách công cộng; đến năm 2045, phấn đấu đưa vào khai thác thêm khoảng 170,78 km, đảm nhận 40-50% thị phần vận tải hành khách công cộng; đến năm 2050, phấn đấu đưa vào khai thác thêm khoảng 159,22 km, đảm nhận 50-60% thị phần vận tải hành khách công cộng và hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị theo Quy hoạch TP.HCM và Quy hoạch chung xây dựng TP.HCM điều chỉnh.

Để bảo đảm tính đồng bộ trong đầu tư, khai thác, Bộ GTVT đề xuất một số thông số kỹ thuật chung chủ yếu cho hệ thống đường sắt đô thị tại 2 thành phố như: khổ đường, đường đôi; tốc độ thiết kế 80-160 km/h; hệ thống cấp điện trên cao hoặc cấp điện ray thứ 3; vận hành đoàn tàu tự động; phương tiện sử dụng đoàn tàu động lực phân tán EMU.

Về lộ trình thực hiện, Bộ GTVT dự kiến đến năm 2035 sẽ hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch hiện có, tổng chiều dài khoảng 580,8 km; đến năm 2045, hoàn thành khoảng 369,1 km (Hà Nội khoảng 200,7 km; TP.HCM khoảng 168,4 km).

Nhu cầu vốn đầu tư phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại 2 thành phố như sau: đến năm 2035, cần khoảng 72,03 tỷ USD; đến năm 2045, cần khoảng 44,43 tỷ USD; đến năm 2060 cần khoảng 40,61 tỷ USD. Trong đó đến năm 2030, đề xuất ngân sách trung ương hỗ trợ khoảng 11,82 tỷ USD và đến năm 2035, ngân sách trung ương hỗ trợ khoảng 6,29 tỷ USD.

“Các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM sử dụng vốn đầu tư công là chủ đạo. Trong quá trình triển khai, các thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu, kêu gọi các nhà đầu tư tư nhân quan tâm đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đô thị, các nhà ga kết hợp trung tâm thương mại, phương tiện khai thác”, ông Nguyễn Danh Huy, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết.

Thông tin quy mô đầu tư xây dựng 15 tuyến đường sắt đô thị Thủ đô Hà Nội
Đã có thể hình dung bước đầu về quy mô xây dựng 15 tuyến đường sắt đô thị dựa trên Đề án tổng thể đầu tư hệ thống đường sắt đô...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư