Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Long An: Chính quyền “giúp” chủ đầu tư đòi dân tiền tạm ứng đền bù
Đăng Nguyên - 20/12/2018 08:24
 
Thay đổi chủ trương đầu tư là chuyện hoàn toàn bình thường, nhưng việc chính quyền địa phương tại Long An lại “thay mặt” chủ đầu tư để đòi tiền đã tạm ứng cho người dân khi thay đổi chủ trương đầu tư lại là chuyện không bình thường.

Thay đổi chủ trương đầu tư sau 15 năm “treo” dự án

Năm 2003, UBND tỉnh Long An có chủ trương lấy gần 300 ha đất tại ấp Hòa Thuận 1 và Hòa Thuận 2 của xã Trường Bình (huyện Cần Giuộc) để xây dựng Dự án Cụm công nghiệp và Khu tái định cư Nam Hoa. Dự án do Công ty cổ phần Đầu tư Khu công nghiệp Nam Hoa làm chủ đầu tư.

Đất trong vùng Dự án bị bỏ hoang do quy hoạch treo suốt 15 năm qua.
Đất trong vùng Dự án bị bỏ hoang do quy hoạch treo suốt 15 năm qua.

Để làm dự án này, 572 hộ dân trong vùng quy hoạch đã nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương của tỉnh thực hiện việc di dời để nhường mặt bằng cho Dự án. Thực hiện việc giải tỏa, di dời, tất cả công việc sản xuất, xây dựng sửa chữa nhà cửa được triệt thoái để cơ quan chức năng tiến hành kê biên, áp giá đền bù…

Thế nhưng, phải gần 5 năm sau, tới tháng 3/2008, UBND huyện Cần Giuộc mới ban hành quyết định thu hồi đất của các hộ dân để giao cho chủ đầu tư làm dự án, sau đó là đưa ra phương án giá đền bù và chi tạm ứng tiền cho các hộ dân bị giải tỏa. Theo quy định đền bù, mỗi ha đất bị thu hồi, người dân được chi tạm ứng tiền bồi thường thiệt hại là 250 triệu đồng. Tuy nhiên, theo thống kê, có 486 hộ nhận tạm ứng, với số tiền hơn 60,5 tỷ đồng, còn lại 86 hộ quyết không nhận tiền tạm ứng.

Và sau hơn 10 năm dự án “trùm mền”, ngày 30/6/2018, mọi người sững sờ khi UBND huyện Cần Giuộc tổ chức họp dân trong vùng Dự án công bố “hủy quyết định thu hồi đất của dân để làm dự án Cụm công nghiệp”.

Thế nhưng sự việc không dừng tại đó, sau khi công bố hủy quyết định thực hiện Dự án Cụm công nghiệp không lâu, dự án này lại được tách ra giao cho 3 chủ đầu tư khác nhau để thực hiện 3 dự án.

Cụ thể, Dự án Dân cư, Tái định cư, Thương mại dịch vụ được giao cho Công ty cổ phần Phát triển Đông Sài Gòn (diện tích 92,6 ha); Dự án Dân cư, Thương mại, Dịch vụ giao cho Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Ánh Sáng - Đô thị làm chủ đầu tư (diện tích 90,7 ha) và Dự án Dân cư, Thương mại, Dịch vụ còn lại thì giao cho Công ty cổ phần Kinh doanh bất động sản Ánh Sáng - Đô thị làm chủ đầu tư (diện tích 97,8 ha).

Dân băn khoăn, chính quyền huyện làm theo lệnh

Vấn đề đáng nói ở đây là, sau khi UBND tỉnh Long An ra quyết định xóa Dự án Cụm công nghiệp và Khu tái định cư Nam Hoa, trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, nhưng UBND huyện Cần Giuộc lại yêu cầu người dân phải trả lại tiền tạm ứng cho chủ đầu tư, nếu không sẽ không được trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Trước yêu cầu này, người dân rất bất bình và cho rằng huyện “ép” dân. Bởi theo họ, thời gian từ khi quy hoạch đến lúc xóa dự án kéo dài 15 năm. Trong khoảng thời gian đó, nhà cửa cũ nát cũng không được sửa chữa, xây mới; đất đai, ruộng vườn không được sản xuất hay mua bán… “Tất cả những khó khăn, thiếu thốn mà người dân trong vùng dự án phải chịu đựng suốt 15 năm qua thì ai sẽ chịu trách nhiệm?”, ông Trương Hữu Trí, một người dân trong vùng dự án bức xúc nói.

Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc cho biết: “Chủ trương đòi lại tiền tạm ứng của dân để trả lại cho chủ đầu tư là chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện chỉ thực hiện theo lệnh của cấp trên”. Cũng theo ông Thanh, chính quyền tỉnh chỉ đạo đòi tiền tạm ứng cho dân là “để giữ gìn môi trường đầu tư của tỉnh”.

Khi được hỏi, chủ đầu tư có yêu cầu tỉnh, huyện đòi lại số tiền chi tạm ứng này không, ông Thanh cho biết: “Trước đây chủ đầu tư có yêu cầu quy đổi số tiền chi tạm ứng (trị giá trên 66 tỷ đồng) ra tương ứng với giá trị diện tích đất tại dự án này, nhưng tỉnh không đồng ý. Còn gần đây, chủ đầu tư không có yêu cầu gì về chuyện đòi lại số tiền này”.

Cũng theo ông Thanh, hiện huyện đã trả lại cho 120 hộ dân với 113 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong đó, đã thu hồi được tiền tạm ứng của 64 hộ dân với số tiền trên 5,1 tỷ đồng. Do có nhiều hộ không chịu trả tiền tạm ứng, nên tỉnh chỉ đạo hộ nào cam kết trả lại tiền tạm ứng thì sẽ được trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hộ nào không cam kết thì sẽ không được trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. 

Vấn đề đặt ra là, cách hành xử của chính quyền địa phương như vậy có tính đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân hay chưa, khi cuộc sống của họ bị “treo” trong một thời gian dài do Dự án không triển khai.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư