Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 15 tháng 09 năm 2024,
Luật Dược "mở van" cho thị trường dược phẩm
Hải Bằng - 27/02/2017 13:02
 
Luật Dược sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2017, cùng với sự kiểm soát thị trường tốt hơn của cơ quan quản lý, đang “mở van” cho hoạt động kinh doanh dược.
Tại cơ sở sản xuất của Công ty Dược Hậu Giang - “đại gia”  của ngành tân dược trong nước. Ảnh: Đức Thanh
Tại cơ sở sản xuất của Công ty Dược Hậu Giang - “đại gia” của ngành tân dược trong nước. Ảnh: Đức Thanh

“Dọn dẹp” thị trường dược

Năm 2016, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Dược (sửa đổi) gồm 14 chương, 116 điều quy định chính sách của Nhà nước về ngành dược. Nội dung Luật Dược 2016 được giới chuyên môn đánh giá là thông thoáng hơn và bổ sung nhiều điểm so với Luật Dược năm 2005.

Một số quy định mới trong Luật Dược 2016 gồm quy định cụ thể vỏ nang là nguyên liệu làm thuốc; bổ sung yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề đối với các vị trí người đảm bảo chất lượng của cơ sở sản xuất dược, người phụ trách dược lâm sàng của cơ sở khám chữa bệnh…

Theo Luật Dược 2016, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh không bị quy định thời hạn hiệu lực, nguyên liệu làm thuốc để sản xuất thuốc đã có giấy đăng ký lưu hành không cần đăng ký và không cần giấy phép nhâp khẩu. Dược liệu cũng đã được quy định cụ thể hơn về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ…

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, trong thời gian vừa qua, để triển khai các quy định của Luật Dược, Liên bộ Y tế - Tài chính - Công thương đã thực hiện việc quản lý chặt chẽ thị trường thuốc chữa bệnh. Riêng Bộ Y tế đã tập trung quản lý giá thuốc đối với các khu vực bệnh viện công lập với cơ chế đấu thầu cạnh tranh, công khai, minh bạch, giúp tiết giảm chi phí tại cơ sở y tế và giá thuốc tại nhà thuốc bệnh viện được quản lý thông qua thặng số bán lẻ. Giá thuốc lưu hành trên thị trường được giám sát thông qua quy định về kê khai, kê khai lại và công bố công khai giá từ khâu đăng ký lưu hành, nhập khẩu và đấu thầu cung ứng thuốc cho các bệnh viện.

Theo Bộ Y tế, để giám sát chất lượng thuốc, hàng năm, hệ thống kiểm nghiệm đã lấy hơn 30.000 mẫu thuốc trên thị trường để kiểm tra chất lượng. Kết quả cho thấy, tỷ lệ thuốc kém chất lượng được phát hiện tiếp tục có xu hướng giảm so với các năm trước. Trong năm 2016, Cục Quản lý Dược đã có văn bản thu hồi 30 lô thuốc (so với 38 lô năm 2015). Tỷ lệ thuốc sản xuất trong nước kém chất lượng có xu hướng thấp hơn so với tỷ lệ thuốc nhập khẩu kém chất lượng.

Sự thay đổi khá cơ bản về cơ chế chính sách và cơ chế quản lý đã định hướng được thị trường dược phẩm và là tín hiệu lạc quan trên mảng dược phẩm trong giai đoạn 2016.

Kinh doanh dược thuận đà tăng tốc

Sự kiểm soát chặt chẽ hơn về chất lượng thuốc đã giúp thị trường thuốc dần “trong lành” hơn, tạo ra môi trường tốt hơn cho các doanh nghiệp dược chân chính lớn mạnh. Năm 2016, “đại gia” số 1 ngành đông dược là Công ty cổ phần Traphaco đã ghi nhận sự tăng trưởng khá tốt, với lợi nhuận sau thuế đạt hơn 208 tỷ đồng, tăng gần 15% so với năm 2015. Điều đáng chú ý, biên lợi nhuận của công ty này cũng tăng từ mức 10,8% năm 2015 lên gần 12% năm 2016, cho thấy Công ty có xu hướng kiểm soát chi phí ngày càng hiệu quả hơn.

Mục tiêu phát triển của ngành dược tới năm 2020:

Đảm bảo 100% nhu cầu thuốc cho chăm sóc sức khỏe nhân dân
Công nghiệp dược trong nước đáp ứng 80% nhu cầu thuốc thành phẩm.

40% thuốc generic đăng ký được thử sinh khả dụng (BA) và tương đương sinh học (BE).

Phát triển hóa dược, đảm bảo 50% nguyên liệu dược.

Đầu tư các nhà máy kỹ thuật cao, sản xuất thuốc chất lượng cao.

Bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Traphaco cho biết, trong đông dược, một trong những yếu tố quan trọng nhất là doanh nghiệp phải làm chủ được nguồn nguyên liệu nhằm duy trì nguồn sản xuất ổn định. Hiện tại, Traphaco đã có chứng nhận trồng và khai thác dược liệu đạt chuẩn GACP-WTO, với 5 cây dược liệu gồm: atiso, bìm bìm, đinh lăng (trồng) và chè dây, rau đắng đất (khai thác tự nhiên). Tiếp đà này, năng lực của Traphaco có thể sẽ còn gia tăng khi trong năm nay, “đại gia” này dự kiến đưa vào vận hành nhà máy tân dược tại Hưng Yên.

Nhằm tận dụng tối ưu các thuận lợi từ thị trường, “đại gia” số 1 ngành tân dược trong nước là Công ty cổ phần Dược Hậu Giang cũng đã có bước tiến dài. Năm 2016, Dược Hậu Giang đạt lợi nhuận sau thuế tới 713 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với mức lợi nhuận gần 593 tỷ đồng trong năm trước đó. Đặc biệt, biên lợi nhuận của Công ty Dược Hậu Giang cũng tăng mạnh từ mức 14,3% năm 2015 lên hơn 17% trong năm 2016.

Tương tự, nhiều “đại gia” ngành dược khác cũng đang thuận đà tăng tốc. Năm 2016, Công ty cổ phần Dược phẩm OPC đạt lợi nhuận sau thuế gần 76,7 tỷ đồng, tăng 9,1% so với năm 2015; Dược Cửu Long đạt hơn 90 tỷ đồng lợi nhuận, tăng gấp gần 1,5 lần; Công ty cổ phần Dược liệu Pharmedic đạt lợi nhuận hơn 73,9 tỷ đồng, tăng hơn 15,6%; Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương 3 đạt lợi nhuận sau thuế hơn 22,5 tỷ đồng, tăng gần 39%…

Bỏ nhiều quy định không khả thi trong Luật Dược
Sáng 15/6, Bộ Y tế đã tổ chức Hội thảo Luật Dược và Xây dựng chính sách thúc đẩy chính sách kinh doanh dược.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư