Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
MobiFone và VinaPhone: Hồn ai nấy giữ
Hữu Tuấn - 31/05/2013 05:46
 
Bộ Thông tin và Truyền thông vừa chỉ đạo “chốt” Đề án Tái cấu trúc Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông (VNPT) trước tháng 6/2013, trong đó giữ nguyên hai thương hiệu MobiFone, VinaPhone. Trong lộ trình tái cấu trúc VNPT, các vấn đề có nên sáp nhập MobiFone - VinaPhone, có cổ phần hóa MobiFone hay không luôn nóng bỏng và gây nhiều tranh cãi.
TIN LIÊN QUAN

Thời gian tới, nhà mạng MobiFone sẽ được cổ phần hóa. Ảnh: Đức Thanh

Giữa tuần này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản chỉ đạo VNPT nhanh chóng hoàn chỉnh Đề án Tái cấu trúc để trình Bộ trước ngày 30/6/2013.

Điểm đáng chú ý nhất của Đề án là số phận của hai mạng di động.

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo VNPT trong quá trình tái cơ cấu phải giữ vững và phát huy các thương hiệu viễn thông VinaPhone, MobiFone đã có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ không sáp nhập MobiFone và VinaPhone như dư luận đồn thổi.

Riêng đối với MobiFone, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo phải thực hiện cổ phần hóa MobiFone và VNPT phải thoái vốn khỏi MobiFone theo lộ trình phù hợp trên cơ sở kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đồng thời tuân thủ pháp luật về sở hữu trong lĩnh vực viễn thông được quy định tại Luật Viễn thông và Nghị định 25/2011/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Viễn thông.

Theo ông Lê Nam Thắng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, VNPT sẽ phải xây dựng phương án cổ phần hóa MobiFone và thoái vốn khỏi công ty này. VNPT sẽ phải làm đề án riêng về cổ phần hóa MobiFone theo lộ trình phù hợp. Theo quy định tại Nghị định 25/2011/NĐ-CP, thì VNPT sẽ không được sở hữu chéo tại MobiFone quá 20%. Tuy nhiên, các công ty con của VNPT có thể được mua cổ phần của mạng di dộng được cổ phần, nhưng đó phải là các công ty hạch toán độc lập, chứ không phải các công ty hạch toán phụ thuộc.

Ông Lê Ngọc Minh, Chủ tịch MobiFone cũng đã đề nghị, trong Đề án Tái cấu trúc không giải thể MobiFone và để doanh nghiệp này hạch toán độc lập, tiến tới cổ phần hoá theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Việc tái cấu trúc của VNPT và MobiFone phải đảm bảo các yếu tố thị trường, hiệu quả giữa các đơn vị trong Tập đoàn.

Trước đó, giữa năm 2011, VNPT xây dựng Đề án Tái cấu trúc VNPT và đưa ra 3 phương án: sáp nhập VinaPhone và MobiFone; cổ phần hóa một trong hai mạng di động trên; cổ phần hóa toàn bộ Tập đoàn.

Tháng 4/2012, VNPT chính thức đề nghị Chính phủ không cổ phần hóa MobiFone, mà sẽ hợp nhất VinaPhone và MobiFone thành Tổng công ty Thông tin di động (VNPT- Mobile).

Nhưng đề xuất này đã bị rất nhiều chuyên gia kinh tế phản đối, vì như vậy sẽ vi phạm Luật Cạnh tranh và phá vỡ quy hoạch thị trường viễn thông. Đại diện Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cho biết, Điều 18, Luật Cạnh tranh có quy định cấm tập trung kinh tế nếu thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế chiếm trên 50% trên thị trường liên quan. Trong khi đó, nếu VinaPhone và MobiFone sáp nhập sẽ chiếm thị phần trên 50%, nên sẽ vi phạm Luật Cạnh tranh.

Còn theo Nghị định 25/2011/NĐ-CP ban hành vào tháng 4/2011, thì một tổ chức, cá nhân đã sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần trong một doanh nghiệp viễn thông, thì không được sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần của doanh nghiệp viễn thông khác cùng kinh doanh trong một thị trường dịch vụ. Với Nghị định này, VNPT buộc phải lựa chọn: hoặc cổ phần hóa một trong hai mạng viễn thông và được giữ lại 20% vốn điều lệ, hoặc và hai là hợp nhất giữa VinaPhone và MobiFone thành một, trong khi như phân tích ở trên, việc hợp nhất là không thể.

Như vậy, sẽ không có chuyện hợp nhất MobiFone và VinaPhone, mà MobiFone sẽ cổ phần hóa. Trong khi đó, nguồn tin từ VNPT cho biết, VinaPhone sẽ từng bước được cơ cấu lại để tiến tới hạch toán độc lập, nhằm phát huy hiệu quả kinh doanh cao nhất.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư