Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 29 tháng 12 năm 2024,
Muốn người dân giảm chi tiền túi cho khám chữa bệnh, ngành y tế tìm kiếm giải pháp
D.Ngân - 14/03/2024 11:43
 
Tỷ lệ chi tiền túi của người dân cho chăm sóc sức khỏe cao, chiếm tới 43%. Vì vậy ngành y tế đang đề xuất nhiều giải pháp để giảm tỷ lệ này.

Trong dự thảo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, Bộ Y tế đề xuất nhiều phương án nhằm giảm tỷ lệ chi tiền túi của người dân cho việc khám, chữa bệnh. Có thể kể đến một số phương án như đề xuất gói bảo hiểm y tế bổ sung, thêm kinh phí cho khám, chữa bệnh từ quỹ bảo hiểm y tế, ưu tiên mở rộng chi trả bảo hiểm y tế sàng lọc một số bệnh.

Tỷ lệ chi tiền túi của người dân cho chăm sóc sức khỏe đang chiếm tới 43%. 

Tại báo cáo đánh giá tác động chính sách của dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế đề xuất ưu tiên mở rộng chi trả BHYT bao gồm các bệnh ung thư cổ tử cung, ung thư vú, tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm gan C và B…

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đề xuất bổ sung quy định người bệnh được chẩn đoán xác định đối với một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao được đến khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám, chữa bệnh có chuyên khoa thuộc cấp chuyên môn kỹ thuật cao hơn, hoặc một số trường hợp cấp dưới không đủ năng lực chuyên môn theo quy định của Bộ Y tế được Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo mức hưởng quy định.

Ngoài ra, Bộ cũng đề xuất quy định mức hưởng bảo hiểm y tế 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với một số trường hợp đặc thù không phải theo trình tự, thủ tục khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, phân cấp chuyên môn kỹ thuật liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Đề xuất này giúp người dân tiết kiệm chi phí khám chữa bệnh, chi phí đi lại và chi phí đồng chi trả trong trường hợp phải tự đi khám, chữa bệnh vượt cấp.

Theo Bộ Y tế, giải pháp mở rộng phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế mang lại giá trị kinh tế lớn, tiết kiệm chi cho Quỹ bảo hiểm y tế.

Người bệnh được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ giúp giảm chi phí điều trị bệnh ở giai đoạn muộn, vì khi bệnh nặng kèm theo các biến chứng sẽ phải sử dụng thuốc phát minh, đặc trị, các kỹ thuật chẩn đoán, cận lâm sàng có chi phí cao.

Việc chẩn đoán và điều trị sớm còn giúp tiết kiệm ngân sách chi cho hoạt động phòng bệnh và chi phí để giải quyết các vấn đề sức khỏe, xã hội.

Đối với người dân, giải pháp mở rộng chẩn đoán và điều trị sớm một số bệnh giúp tăng khả năng bảo đảm tài chính cho người dân nhờ phát hiện và điều trị sớm, giúp tiết kiệm chi phí điều trị, đi lại, tạm trú so với khi bệnh nặng, giảm chi phí đồng chi trả của người bệnh.

Đối với trẻ em dưới 6 tuổi suy dinh dưỡng cấp tính nặng, việc thanh toán BHYT cho chế phẩm dinh dưỡng đặc biệt sẽ giúp giảm bớt gánh nặng về kinh tế, do người bị suy dinh dưỡng nặng cấp tính bị suy giảm khả năng lao động trong tương lai.

Theo thống kê, năm 2023, chi phí điều trị cho 6 nhóm bệnh ung thư thường gặp (ung thư vú, phổi, gan, đại tràng, dạ dày, tiền liệt tuyến) từ Quỹ bảo hiểm y tế là 6.186 tỷ đồng.

Riêng với bệnh đái tháo đường type 2, năm 2023, có hơn 15.500.000 lượt khám, chữa bệnh với chi phí lên đến 6.766 tỷ đồng, chiếm 5,6% tổng chi của Quỹ. Còn với bệnh tăng huyết áp, năm 2023, có gần 23 triệu lượt khám, chữa bệnh với chi phí 6.015 tỷ đồng, chiếm 4,9% tổng chi của quỹ.

Bộ Y tế cho rằng, nếu sàng lọc tiểu đường type 2 sẽ tiết kiệm được cho Quỹ bảo hiểm y tế trung bình 162,3 tỷ đồng/năm trong 10 năm đầu tiên triển khai. Sau 10 năm triển khai, sẽ tiết kiệm được trung bình 162 tỷ đồng/năm.

Với sàng lọc tăng huyết áp, chi phí cần chi trả trung bình là 88 tỷ đồng/năm trong 10 năm đầu tiên triển khai sàng lọc cho người từ 18 tuổi trở lên. Sau 10 năm triển khai, sẽ tiết kiệm được trung bình 1.216 tỷ đồng/năm.

Với sàng lọc ung thư vú, Bộ Y tế cho biết, mức chi trả trung bình 2.100 - 5.000 tỷ đồng/năm tùy thuộc phương pháp sàng lọc. Tuy nhiên, chi phí này sẽ giảm đi đáng kể nếu giới hạn nhóm tuổi phụ nữ được sàng lọc.

Theo Bộ Y tế, hiện phạm vi được hưởng của người có thẻ bảo hiểm y tế hiện khá toàn diện bao gồm các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ, sinh con, sàng lọc, chẩn đoán sớm một số bệnh, vận chuyển người bệnh từ tuyến huyện lên tuyến trên đối với một số đối tượng trong những trường hợp nhất định.

Gói quyền lợi bảo hiểm y tế của Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là khá rộng rãi so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, tuy nhiên vì nhiều lý do khiến chi tiền túi của người dân cho y tế vẫn cao.

Trong báo cáo đánh giá tác động chính sách tại dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế, các dịch vụ phòng ngừa cá nhân như khám bệnh, phát hiện nguy cơ, chẩn đoán, điều trị sớm, ngăn ngừa tiến triển bệnh tật, bệnh mạn tính, phục hồi chức năng, chăm sóc tại nhà, điều trị bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động tại nơi làm việc không thuộc phạm vi chi trả của quỹ bảo hiểm y tế.

Người dân ít có thói quen hoặc không đủ điều kiện thường không đi khám sức khỏe hoặc chẩn đoán sớm mà đến khi có bệnh, bệnh tiến triển mới đến cơ sở y tế nên hiệu quả chăm sóc sức khỏe chưa cao, tỷ lệ mắc bệnh gia tăng, tạo gánh nặng và tốn kém về đầu tư cho hệ thống khám bệnh, chữa bệnh, không bảo đảm nguyên tắc phòng ngừa bệnh tật từ xa, từ sớm.

Đồng thời, Bộ Y tế cũng cho biết một số dịch vụ, sản phẩm cần thiết dùng trong chẩn đoán và điều trị cho người bệnh hiện chưa được thanh toán ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh, không phù hợp với yêu cầu chuyên môn.

Những bất cập nêu trên là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ chi tiền túi của người dân cho chăm sóc sức khỏe cao, chiếm tới 43%.

Cho rằng, trong bối cảnh gánh nặng bệnh tật do bệnh không lây nhiễm gia tăng tại Việt Nam, việc điều chỉnh phạm vi quyền lợi, đưa thêm một số dịch vụ chẩn đoán, phát hiện sớm bệnh tật, bổ sung phạm vi chi trả bảo hiểm y tế đối với một số dịch vụ, sản phẩm dùng trong khám bệnh, chữa bệnh là rất cần thiết.

Bộ Y tế cũng nêu rõ việc điều chỉnh phạm vi quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế cần đáp ứng nhu cầu của người dân nhưng cũng cần phù hợp với mức đóng bảo hiểm y tế nhằm mục đích sử dụng có hiệu quả và bảo đảm tính bền vững quỹ bảo hiểm y tế.

Cũng theo Bộ này, việc tỷ lệ chi từ tiền túi tương đối cao trong cơ cấu tài chính y tế ở Việt Nam có thể gây nguy cơ thiếu sự bền vững trong dài hạn, đặc biệt chúng ta đã bước vào thời kỳ già hóa dân số và trở thành một trong những quốc gia già hóa nhanh nhất thế giới từ năm 2017. 

Vì vậy, việc xây dựng và vận hành cơ chế tài chính nhằm đảm bảo người bệnh được tiếp cận các dịch vụ y tế hiệu quả, đáp ứng nhu cầu chăm sóc y tế ngày càng đa dạng ở cả nhóm đại chúng và nhóm người có thu nhập trung bình khá trở lên đang dần trở thành mối quan tâm lớn.

Được biết, tại Việt Nam có 2 hình thức bảo hiểm y tế, đó là bảo hiểm y tế bắt buộc do Nhà nước thực hiện theo Luật Bảo hiểm y tế mang tính xã hội không vì mục đích lợi nhuận và được Nhà nước tổ chức thực hiện theo Luật.

Mọi người dân phải bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế theo Luật bảo hiểm y tế. Bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm được áp dụng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận, do Nhà nước tổ chức thực hiện và các đối tượng có trách nhiệm tham gia theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế.

Quỹ bảo hiểm y tế chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho đối tượng theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, người sử dụng dịch vụ chi trả cho phần ngoài mức hưởng và phạm vi được hưởng.

Ngoài ra là bảo hiểm sức khỏe của các công ty bảo hiểm (thường được gọi là bảo hiểm y tế thương mại) mang tính kinh doanh, hoạt động có lợi nhuận theo Luật Kinh doanh bảo hiểm được thiết kế phù hợp với mọi mong muốn của người ký hợp đồng bảo hiểm theo từng điều kiện và nhu cầu của người đó, mang tính tự nguyện và không mang tính bắt buộc như bảo hiểm y tế theo Luật Bảo hiểm y tế. 

Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đến nay đã đạt gần 91 triệu người, với khoảng 92% dân số; số lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cũng gia tăng với 150,5 triệu lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2022 và quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế cũng ngày càng được mở rộng;

Mỗi năm quỹ bảo hiểm y tế chi khoảng hơn 110 nghìn tỷ đồng cho khám chữa bệnh. Nguồn kinh phí do quỹ bảo hiểm y tế chi trả cho chi phí khám chữa bệnh đang chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn thu của bệnh viện; chất lượng dịch vụ y tế ngày càng được nâng cao.
Nhiều điểm mới của Luật Khám chữa bệnh sửa đổi
Từ ngày 1/1/2024, Luật Khám bệnh, chữa bệnh và các văn bản hướng dẫn có hiệu lực thi hành, trong đó có một số nội dung mới trên quan điểm lấy...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư