Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 22 tháng 07 năm 2024,
Ngăn dịch bệnh bùng phát bằng vắc-xin
Dương Ngân - 18/07/2024 08:19
 
Bệnh bạch hầu đang lây lan có thể được phòng ngừa bằng vắc-xin. Do vậy, người dân không quá hoang mang hay lo lắng, mà cần biết sử dụng công cụ này để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.
Tiêm vắc-xin phòng bệnh là biện pháp hiệu quả nhất nhằm ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát 	Ảnh: D.N
Tiêm vắc-xin phòng bệnh là biện pháp hiệu quả nhất nhằm ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát  -  Ảnh: D.N

Không chủ quan, song không quá hoang mang

Dịch bạch hầu đang khiến người dân lo lắng. Theo các chuyên gia, dù nguy cơ dịch bạch hầu lây lan ra cộng đồng không lớn, song cũng không được chủ quan, bởi bệnh có tỷ lệ tử vong cao và nhiều biến chứng nặng.

Lý giải về việc dịch tái bùng phát, các chuyên gia cho rằng, bệnh bạch hầu vẫn có mầm bệnh trong cộng đồng. Những năm trước đây, tỷ lệ tiêm chủng phòng bệnh cao, nhưng những năm gần đây, thiếu hụt vắc-xin phòng bệnh và người dân cũng không đi tiêm chủng được trong giai đoạn dịch Covid-19, khiến tỷ lệ tiêm chủng giảm xuống.

Đặc biệt, gần đây, nhiều gia đình lơ là việc tiêm chủng cho trẻ, thậm chí có xu hướng không tiêm chủng cho trẻ. Vì vậy, mầm bệnh dễ bùng phát, dẫn đến những ổ dịch như vừa qua ở một số địa phương.

Việc các ổ dịch bạch hầu gần đây thường xuất hiện ở khu vực miền núi được cho là do khu vực này có tỷ lệ tiêm vắc-xin thấp, nhất là những khu vực vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn. Thậm chí, dây chuyền lạnh bảo quản vắc-xin đưa đến tận nơi cũng khó khăn, trong khi người dân đi làm trên rẫy, trên núi, nên cán bộ y tế cũng khó tiếp cận.

Chỉ trong 3 ngày (9 - 11/7), số ca tiêm vắc-xin bạch hầu tại Hệ thống Tiêm chủng VNVC tăng hơn 1.000% so với thời điểm trước khi phát hiện một số ca bệnh.

Trao đổi với phóng viên về bệnh bạch hầu đang khiến dư luận quan tâm, PGS-TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, nguy cơ lây lan ra cộng đồng là không lớn, bởi các ca bệnh phát hiện mang tính chất lẻ tẻ, trong khi nhiều trẻ đã được tiêm phòng vắc-xin khi còn nhỏ. "Chỉ những trẻ chưa được tiêm phòng vắc-xin hoặc tiêm chưa đầy đủ theo lịch tiêm chủng, thì mới có khả năng mắc bệnh", chuyên gia này khẳng định.

Chia sẻ về bệnh bạch hầu, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho rằng, đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nhất là đối với nhóm người chưa được tiêm chủng đầy đủ hoặc vắc-xin đã mất hiệu lực. Đặc biệt, nguy cơ tử vong ở người mắc bệnh là 10-20%, cao hơn Covid-19, nhất là với những người chưa được tiêm chủng. Tuy nhiên, nguy cơ

lây nhiễm thấp hơn so với Covid-19, nên khả năng gây đại dịch thấp. Do vậy, theo bác sĩ Cấp, người dân không nên hoang mang.

Nêu quan điểm của mình, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu đánh giá, tuy số ca mắc không cao, nhưng cũng không được chủ quan, vì đây là dịch bệnh dễ lây lan. Nguy hiểm hơn, theo ông Phu, người mắc bạch hầu có thể bị các biến chứng, như tắc nghẽn đường hô hấp do giả mạc từ hầu họng lan xuống, viêm cơ tim, rối loạn nhịp tim, suy tim, liệt do tổn thương các dây thần kinh vận động và tử vong.

Ngăn dịch bằng vắc-xin

Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm trùng - nhiễm độc, lây theo đường hô hấp và có khả năng gây dịch, do trực khuẩn corynebacterium diphtheriae gây nên. Bệnh thường gặp ở trẻ em và ở đối tượng chưa có miễn dịch với bệnh bạch hầu do chưa được tiêm vắc-xin đầy đủ. Vi khuẩn khu trú ở đường hô hấp trên tạo giả mạc dai dính, khó bóc tách và sinh ra ngoại độc tố, gây nhiễm độc toàn thân, dẫn đến nguy cơ tử vong do biến chứng tắc đường thở và viêm cơ tim.

Với bệnh bạch hầu, có thể dự phòng bằng vắc-xin, tránh lây nhiễm bằng việc cách ly cá nhân, tăng cường tiêm chủng vắc-xin. Theo thông tin được công bố, chỉ trong 3 ngày (9 - 11/7), số ca tiêm vắc-xin bạch hầu tại Hệ thống Tiêm chủng VNVC tăng hơn 1.000% so với thời điểm trước khi phát hiện một số ca bệnh.

Để phòng chống dịch, trẻ em cần được tiêm chủng đầy đủ vắc-xin phòng bệnh bạch hầu theo chương trình tiêm chủng. Người lớn nên tiêm nhắc lại vắc-xin bạch hầu sau mỗi 10 năm để củng cố khả năng miễn dịch của cơ thể.

Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho hay, tại Việt Nam, nhờ có chiến lược tiêm chủng vắc-xin bạch hầu - ho gà - uốn ván (DPT) trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng từ năm 1981, nên tỷ lệ nhiễm bạch hầu giảm mạnh vào những năm 2010. Vắc-xin phòng bạch hầu được khuyến cáo tiêm chủng cho tất cả trẻ nhỏ, 3 liều lúc trẻ được 2, 3, 4 tháng tuổi và nhắc lại lần 1 khi 18 tháng tuổi. Trẻ 4-6 tuổi có thể nhắc lại vắc-xin 4 trong 1 phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt.

Đối với trẻ nhỏ, người lớn, phụ nữ trước khi mang thai hoặc đang mang thai từ tuần thứ 27 đến trước tuần 35 có thể nhắc lại vắc-xin phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván. Sau đó, có thể tiêm nhắc lại 10 năm/lần để duy trì kháng thể bảo vệ cơ thể chống lại vi khuẩn bạch hầu lâu dài.

Ngoài tiêm chủng, để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân tại nơi có ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc điều trị dự phòng và tiêm vắc-xin phòng bệnh theo chỉ định và khuyến cáo của cơ quan y tế. Trong trường hợp tiếp xúc gần, phải tự theo dõi sức khỏe, khi có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh phải thông báo ngay cho cán bộ y tế.

Người dân không để tâm lý hoang mang, tiếp nhận thông tin sai lệch từ các phương tiện thông tin đại chúng không chính thống, không tự ý tiêm vắc-xin chứa thành phần bạch hầu khi chưa có hướng dẫn, khuyến cáo cụ thể của của cơ quan y tế trong vùng có dịch và theo hướng dẫn của từng loại vắc-xin có chứa thành phần bạch hầu.

Trong trường hợp cần thiết, liên hệ với các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn về các biện pháp phòng bệnh, đảm bảo thực hiện tiêm chủng đúng đối tượng, đúng liều và đúng thời điểm, cũng như an toàn, hiệu quả phòng bệnh.

IIL trao tặng 10.000 liều vắc-xin dại cho Việt Nam
10.000 liều vắc-xin phòng bệnh dại sẽ được phân bổ về các địa phương, tiêm miễn phí cho người nghèo, người ở vùng sâu, trẻ em dưới 6...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư