Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 17 tháng 07 năm 2024,
Tăng đột biến số lượng người tiêm vắc-xin bạch hầu
D.Ngân - 16/07/2024 15:30
 
Thông tin từ một số cơ sở tiêm chủng cho biết, số lượng người dân đi tiêm vắc-xin bạch hầu tăng đột biến những ngày vừa qua.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bác sĩ Bùi Thị Việt Hoa, cán bộ tiêm chủng tại Trung tâm Tiêm chủng Safpo/Potec Xuân Đỉnh, Hà Nội cho hay, những ngày vừa qua, số lượng người đi tiêm vắc-xin bạch hầu tăng gấp 2-3 lần so với những ngày trước đó. Trong số các ca tiêm chủng tại Trung tâm thì số lượng người đến tiêm vắc-xin bạch hầu chiếm tỷ lệ 30-40%.

Người dân đi tiêm chủng tại Trung tâm Tiêm chủng Safpo/Potec Xuân Đỉnh, Hà Nội.

Tại một số cơ sở tiêm chủng khác, lượng người đi tiêm cũng tăng đột biến khiến đôi khi việc cung ứng vắc-xin gặp đôi chút khó khăn song về cơ bản hiện vắc-xin vẫn đang đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Hiện dịch bạch hầu đang khiến người dân lo lắng. Theo một số chuyên gia dù nguy cơ dịch bạch hầu lây lan ra cộng đồng không lớn, song cũng tuyệt đối không được chủ quan bởi bệnh có tỷ lệ tử vong cao và nhiều biến chứng nặng.

Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm trùng - nhiễm độc, lây theo đường hô hấp và có khả năng gây dịch, do trực khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây nên.

Bệnh thường gặp ở trẻ em và ở đối tượng chưa có miễn dịch với bệnh bạch hầu do chưa được tiêm vắc-xin đầy đủ. Vi khuẩn khu trú ở đường hô hấp trên tạo giả mạc dai dính, khó bóc tách và sinh ra ngoại độc tố gây nhiễm độc toàn thân, nguy cơ tử vong do biến chứng tắc đường thở và viêm cơ tim.

Để phòng chống dịch, trẻ em cần được tiêm chủng đầy đủ vắc - xin phòng bệnh bạch hầu theo chương trình tiêm chủng. Người lớn nên tiêm nhắc lại vắc-xin bạch hầu mỗi 10 năm để củng cố khả năng miễn dịch của cơ thể.

Thông tin từ Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, tại Việt Nam, nhờ có chiến lược tiêm chủng vắc-xin bạch hầu - ho gà - uốn ván (DPT) trong chương trình Tiêm chủng mở rộng từ năm 1981 mà tỷ lệ nhiễm bạch hầu giảm mạnh vào những năm 2010.

Bác sĩ Bùi Thị Việt Hoa cho hay, vắc-xin phòng bạch hầu được khuyến cáo tiêm ngừa cho tất cả trẻ nhỏ, 3 liều lúc trẻ được 2, 3, 4 tháng tuổi và nhắc lại lần 1 vào lúc 18 tháng tuổi. Trẻ từ 4-6 tuổi có thể nhắc lại vắc-xin 4 trong 1 phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt.

Đối với trẻ nhỏ, người lớn, phụ nữ trước khi mang thai hoặc đang mang thai ở tuần thứ 27 đến dưới đến dưới 35 tuần thai có thể nhắc lại vắc-xin phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, sau đó có thể nhắc mỗi 10 năm/lần để duy trì kháng thể bảo vệ cơ thể chống lại vi khuẩn bạch hầu lâu dài.

Trẻ em cũng như người lớn được tiêm vắc-xin đầy đủ theo đúng liệu trình tiêm chủng khuyến cáo có thể bảo vệ cơ thể khỏi bệnh bạch hầu. 

Trẻ em cũng như người lớn được tiêm vắc-xin đầy đủ theo đúng liệu trình tiêm chủng khuyến cáo có thể bảo vệ cơ thể khỏi bệnh bạch hầu. 

Nghĩa là người đã tiêm vắc-xin bạch hầu sẽ khó có có nguy cơ mắc bệnh này. Người lớn chỉ cần tiêm một mũi, nếu có điều kiện thì tiêm nhắc lại, để tăng miễn dịch kháng thể.

Ngoài tiêm chủng vắc-xin, theo khuyến cáo của Bộ Y tế, người dân tại nơi có ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc điều trị dự phòng và tiêm vắc-xin phòng bệnh theo chỉ định và khuyến cáo của cơ quan y tế. Trong trường hợp tiếp xúc gần tự theo dõi sức khỏe, khi có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh phải thông báo ngay cho cán bộ y tế.

Trong trường hợp cần thiết, liên hệ với các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn về các biện pháp phòng bệnh, đảm bảo thực hiện tiêm chủng đúng đối tượng, đúng liều và đúng thời điểm cũng như an toàn, hiệu quả phòng bệnh.

Tin mới y tế ngày 15/7: Tỷ lệ tiêm vắc-xin bạch hầu tăng cao
Trước diễn biến phức tạp của bệnh bạch hầu, nhu cầu tiêm vắc-xin phòng bệnh của người dân tăng cao.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư