Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Ngành thống kê tiên phong trong hội nhập
Đ.T - 09/12/2015 09:13
 
Ngày 5/6/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 61/SL thành lập Nha Thống kê Việt Nam - đánh dấu sự ra đời của ngành thống kê. So với lịch sử của ngành thống kê thế giới, thống kê Việt Nam còn quá non trẻ so với thế giới.
.
Ngành thống kê là ngành phải đi tiên phong trong việc hội nhập quốc tế

Mặc dù mới trải qua gần 70 năm xây dựng và trưởng thành, nhưng theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (TCTK), ngành thống kê Việt Nam đã và đang khẳng định được vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin thống kê phục vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp nhằm đánh giá, dự báo tình hình, hoạch định chiến lược, chính sách, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. “Những thông tin thống kê do TCTK công bố, cung cấp là nguồn thông tin chính thống, có tính pháp lý, được các cấp, các ngành, tổ chức, nhân trong nước và quốc tế tin cậy, sử dụng”, ông Lâm khẳng định.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, bà Nguyễn Thúy Hoàn đánh giá, trong 70 năm lịch sử của ngành thống kê, đặc biệt là kể từ khi triển khai Luật Thống kê năm 2003 đến nay, hoạt động thống kê nhà nước không chỉ đã có những đóng góp không nhỏ trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, mà còn phát triển mạnh mẽ. Cụ thể, trong khi nhiều lĩnh vực của Việt Nam được cộng đồng quốc tế xếp hạng trung bình hoặc dưới trung bình thì Chỉ số Năng lực thống kê quốc gia của Việt Nam (do Ngân hàng Thế giới - WB - xếp hạng) luôn cao hơn trung bình của thế giới.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh - người phải chịu chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc quản lý nhà nước về thống kê - khẳng định, ở Việt Nam không có bất cứ tổ chức nào có số liệu, dữ liệu thống kê chính xác hơn số liệu, dữ liệu do ngành thống kê công bố. “Trước đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và nhiều tổ chức tài chính - ngân hàng thường xuyên đưa ra số liệu về kinh tế - xã hội của Việt Nam, nhiều số khác với số của TCTK. Nhưng, sau khi các tổ chức này làm việc với TCTK, họ đã thừa nhận số liệu của TCTK là chính xác nhất”, Bộ trưởng Vinh thông tin thêm và khẳng định, có được kết quả này, một phần là do ngành thống kê là một trong những ngành hội nhập quốc tế sớm nhất, sâu rộng nhất.  

Chính vì vậy, khác với hầu hết luật khác, Luật Thống kê sửa đổi (có hiệu lực kể từ 1/7/2016) đã dành hẳn một chương quy định về nghiên cứu, ứng dụng phương pháp thống kê tiên tiến; phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông; và hợp tác quốc tế về thống kê.

Bà Hoàng Thị Tố Nga, Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định đánh giá, ngành thống kê Việt Nam đã từng bước đáp ứng nhu cầu thông tin thống kê của quốc tế, góp phần để Chính phủ hoàn thành tốt nghĩa vụ là thành viên Liên hợp quốc. “Số liệu thống kê của Việt Nam phục vụ giám sát, thực hiện mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc được các tổ chức”, bà Nga đánh giá.

So với nhiều lĩnh vực khác, hợp tác quốc tế là một trong những nét đặc trưng của lĩnh vực thống kê trên phạm vi toàn cầu, nhằm đảm bảo có thể so sánh được với số liệu thống kê giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ. Vì vậy, theo bà Nga, Luật Thống kê sửa đổi quy định hẳn một điều về nội dung này nhằm chuyển giao, trao đổi công nghệ về hoạt động thống kê, xử lý thông tin thống kê và bảo đảm các số liệu thống kê đáp ứng yêu cầu so sánh quốc tế, nâng cao vị thế thống kê Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Bà Nga cho rằng, cùng với Đề án Đổi mới đồng bộ các hệ thống chỉ tiêu thống kê, Chiến lược Phát triển thống kê Việt Nam giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến 2030 và Đề án hội nhập thống kê ASEAN giai đoạn 2016-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, quy định về chia sẻ thông tin thống kê; ứng dụng phương pháp thống kê; đào tạo nhân lực; so sánh quốc tế; thu hút nguồn lực; và ứng dụng khoa học và công nghệ trong Luật thống kê sửa đổi, ngành thống kê Việt Nam đủ sức hội nhập toàn diện, đủ năng lực để đáp ứng cơ bản yêu cầu và có sự hài hòa tương thích giữa hệ thống thống kê cộng đồng ASEAN, đưa thống kê Việt Nam thuộc nhóm các nước có nền thống kê phát triển trong khu vực ASEAN.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh từng nhấn mạnh: “Chúng ta sống trong thế giới ngày càng hội nhập, chúng ta phải so sánh với bạn bè, không phải so sánh với riêng ta. Chúng ta phải tự nhìn thấy Việt Nam đứng ở đâu trong khu vực và quốc tế, chứ không phải chỉ so chúng ta với cách đây 40 năm. Cho nên, ngành thống kê phải đi tiên phong trong việc hội nhập quốc tế”.

Người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư cho biết thêm, Tổng cục Thống kê là cơ quan tham dự hội nghị, tập huấn quốc tế nhiều nhất trong Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

“Tham dự hội  nghị, tập huấn quốc tế là để tiếp cận phương pháp tính toán thống kê mới; áp dụng công nghệ thông tin tiên tiến; nắm bắt, áp dụng thông lệ thống kê và sản xuất thông tin thống kê hiện đại đang được các nước phát triển thực hiện... Tất cả là để chủ động hội nhập, để đáp ứng yêu cầu cung cấp một cách trung thực, khách quan, chính xác, đầy đủ, kịp thời thông tin thống kê phục vụ các cơ quan nhà nước trong việc đánh giá, dự báo tình hình, hoạch định chiến lược, chính sách, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đáp ứng nhu cầu thông tin của các tổ chức, cá nhân khác ở trong nước và nước ngoài”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh chia sẻ.

Chủ tịch nước biểu dương tinh thần thi đua yêu nước Ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước phát biểu chỉ đạo Đại hội thi đua yêu nước Ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê lần thứ III sáng nay...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư