Thứ Hai, Ngày 05 tháng 05 năm 2025,
Người lớn tuổi và người bệnh nền: Cảnh giác với cúm khi giao mùa
D.Ngân - 05/05/2025 16:15
 
Nhiều người vẫn nghĩ rằng bệnh cúm và các bệnh đường hô hấp chủ yếu xảy ra vào mùa đông. Tuy nhiên, thực tế cho thấy thời điểm giao mùa hay những đợt nắng nóng, oi bức kéo dài cũng làm gia tăng nguy cơ mắc cúm.

Đáng lưu ý, ở người cao tuổi hoặc người có bệnh nền, cúm không chỉ gây mệt mỏi, khó chịu mà còn có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng, đe dọa sức khỏe và tính mạng.

Ảnh minh họa.

Cảm cúm thường khởi phát với các triệu chứng như đau rát họng, chảy nước mũi (ban đầu loãng và trong, sau đó đặc dần và chuyển màu trắng đục), ho, hắt hơi, khàn tiếng. Bên cạnh đó, người bệnh có thể gặp các biểu hiện toàn thân như sốt, ớn lạnh, nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi, hoa mắt, ù tai...

Nhiều người có tâm lý chủ quan, cho rằng cúm chỉ là bệnh "vặt", dễ tự khỏi và chỉ xuất hiện vào mùa đông. Tuy nhiên, cúm thường bùng phát khi thời tiết thay đổi đột ngột, đặc biệt là chuyển từ nóng sang lạnh kèm theo độ ẩm thấp những điều kiện thuận lợi để virus cúm xâm nhập cơ thể. Thực tế, bệnh có thể xảy ra quanh năm, không phân biệt mùa.

Phần lớn các trường hợp cúm có thể tự hồi phục sau vài ngày, nhưng ở một số người, đặc biệt là người cao tuổi, người có bệnh lý nền, bệnh có thể diễn tiến nặng với các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, suy hô hấp, bội nhiễm vi khuẩn, thậm chí suy đa cơ quan dẫn đến tử vong.

Bác sỹ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, cảnh báo, những người từ 65 tuổi trở lên hoặc có bệnh nền như tim mạch, hen suyễn, phổi tắc nghẽn mạn tính, suy thận, đái tháo đường… là nhóm đối tượng có nguy cơ cao trở nặng khi mắc cúm.

Ở giai đoạn bệnh trở nặng, bệnh nhân có thể xuất hiện tình trạng khó thở, thở nhanh, tím tái môi, mệt lả, lơ mơ. Virus cúm cũng có thể gây tổn thương ở các cơ quan khác như xương, tim, hệ thần kinh… Đặc biệt, sự chủ quan và điều trị muộn chính là nguyên nhân khiến cúm trở nên nguy hiểm, nhất là với những người mắc bệnh nền hoặc suy giảm miễn dịch.

Do đó, khi có các dấu hiệu nghi ngờ cúm tiến triển nặng như khó thở, viêm phổi..., người bệnh cần được theo dõi sát và nhập viện kịp thời. Để phòng bệnh, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân nên giữ vệ sinh cá nhân, che miệng khi ho/hắt hơi, rửa tay thường xuyên, súc họng bằng nước muối, giữ ấm cơ thể, đồng thời ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để tăng cường miễn dịch.

Theo bác sỹ Bạch Thị Chính, mỗi năm Việt Nam ghi nhận từ 600.000 đến 1 triệu ca mắc cúm. Thời điểm giao mùa, đặc biệt là khi miền Bắc bước vào giai đoạn chuyển từ xuân sang hè với thời tiết ấm - lạnh thất thường, là lúc các virus cúm hoạt động mạnh.

Vắc-xin cúm không chỉ giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh mà còn giảm đáng kể nguy cơ nhập viện và tử vong. Các nghiên cứu cho thấy, người đã tiêm vắc xin cúm có nguy cơ phải vào ICU thấp hơn 26% và nguy cơ tử vong thấp hơn 31% so với người chưa tiêm.

Ở người cao tuổi hoặc người có bệnh lý nền, việc tiêm phòng cúm giúp giảm từ 70 - 80% tỷ lệ tử vong liên quan đến bệnh.

Thống kê từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho thấy, trong mùa cúm 2019 - 2020, vắc-xin cúm đã giúp ngăn ngừa khoảng 7 triệu ca mắc, 100.000 ca nhập viện và 7.000 ca tử vong.

Với những lợi ích rõ rệt, việc tiêm vắc-xin cúm đang ngày càng được khuyến khích như một giải pháp chủ động, bảo vệ sức khỏe cá nhân và cộng đồng đặc biệt trong bối cảnh thời tiết, dịch bệnh có nhiều diễn biến khó lường như hiện nay.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư