Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 15 tháng 01 năm 2025,
Người phụ nữ Việt trong tập đoàn lớn thứ 6 của Mỹ
Anh Hoàng - 20/10/2014 15:07
 
Là một trong không nhiều người Việt Nam giữ chức trách quan trọng trong tập đoàn hàng đầu thế giới, bà Nguyễn My Lan, CEO của Tập đoàn General Electric - GE của Mỹ tại thị trường Việt Nam và Campuchia đang góp phần xây dựng hình ảnh của doanh nhân Việt trong nền kinh tế thế giới.
TIN LIÊN QUAN

1.

Trên trang thông tin chính thức của GE Việt Nam, những dòng về bà My Lan thật sự súc tích: “My Lan là người đã gây dựng và phát triển sự hiện diện của GE tại Việt Nam và Campuchia; phát triển các chiến lược quan hệ của GE với quốc gia, thúc đẩy các sáng kiến tăng trưởng thương mại của GE và nâng cao hình ảnh của GE tại thị trường Việt Nam và Campuchia bằng việc phối hợp chặt chẽ với các nhà lãnh đạo kinh doanh của GE, với Chính phủ Việt Nam và Campuchia và với các khách hàng”.

  Người phụ nữ Việt trong tập đoàn lớn thứ 6 của Mỹ  
  Doanh nhân Nguyễn My Lan  

Nói theo đúng thuật ngữ của giới lãnh đạo, CEO GE Việt Nam My Lan đang chịu trách nhiệm về sự hiện diện của GE tại thị trường Việt Nam và Campuchia.

Nhưng nhiều người Việt Nam đang gọi người phụ nữ có tầm ảnh hưởng nhất của GE tại thị trường này là sứ giả của người Việt nói chung và doanh nhân Việt Nam nói riêng trong lòng kinh tế thế giới.

Có thể sự lựa chọn của GE với CEO My Lan không giống như cách người Việt nghĩ. Bà vốn là người của GE, gia nhập cộng đồng GE từ năm 2003. Trước khi được bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch GE tại Việt Nam tháng 10/2007, bà My Lan từng giữ chức Giám đốc phát triển thị trường của GE tại Việt Nam và Phó tổng giám đốc Công ty TNHH GE Việt Nam.

Công ty TNHH GE Việt Nam với 100% vốn đầu tư của GE chuyên sản xuất, lắp ráp phụ kiện và linh kiện cho các máy móc thiết bị điện, đồng thời cung cấp các dịch vụ kỹ thuật về thiết bị y tế và các dịch vụ hỗ trợ khác. Dự án xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện cho tua-bin gió của GE tại Hải Phòng cũng trực thuộc công ty này.

Lãnh đạo Tập đoàn GE đã nhìn thấy năng lực và kinh nghiệm người phụ nữ Việt Nam mảnh dẻ này trong kế hoạch phát triển thị trường tại khu vực Đông Nam Á của mình. Lúc đó, GE tại Việt Nam vẫn là hình ảnh một thương hiệu quốc tế, hơn là dấu ấn của một doanh nghiệp lớn - với những đóng góp cụ thể vào nền kinh tế Việt Nam. Cho tới nay, Hải Phòng - Việt Nam đã có tên trong địa chỉ xuất xưởng những chiếc máy phát điện, một bộ phận quan trọng trong những chiếc tua-bin điện gió tiêu chuẩn số một thế giới của Tập đoàn GE.

Với Nhà máy GE Hải Phòng có vốn đầu tư lên tới 110 triệu USD mà bà My Lan là thành viên trong nhóm dự án xây dựng và vận hành, Việt Nam đã trở thành một mắt xích quan trọng của GE trong dây chuyền sản xuất toàn cầu.

Hơn 600 lao động người Việt Nam đang làm việc trong doanh nghiệp này, với cơ hội được đào tạo theo tiêu chuẩn của GE.

Hơn thế, Trung tâm Thiết kế kỹ thuật của GE tại Việt Nam đã được thành lập tại TP.HCM cách đây hơn 1 năm, nhằm tập trung thiết kế sản phẩm, ứng dụng và các dịch vụ dành cho ngành dầu khí. Theo kế hoạch, khoảng 200 kỹ sư nhằm phục vụ nhu cầu của ngành dầu khí Việt Nam và khu vực sẽ được đào tạo tại đây.

Và còn nhiều kế hoạch lớn khác đang được GE triển khại tại Việt Nam thông qua nữ CEO của mình tại đây.

2.

Nhưng với người Việt, sự có mặt của bà My Lan trong chiếc ghế cao nhất tại thị trường Đông Dương của một tập đoàn lớn thứ 6 của Mỹ và thứ 14 của thế giới thực sự là một thành công.

Trong sự hiện diện ngày càng rõ nét hơn của GE trong nền kinh tế Việt Nam, nhất là luôn theo định hướng bền vững, chắc chắn có vai trò của CEO My Lan - sứ giả đưa những sức mạnh còn tiềm ẩn của nền kinh tế Việt Nam, con người Việt Nam đến với những tập đoàn lớn nhất thế giới.

Nói về điều này, bà My Lan thẳng thắn cho rằng, đó là trách nhiệm của bà. Với vai trò là CEO của GE tại Việt Nam, bà có nhiệm vụ đưa Tập đoàn tiếp cận gần hơn với thị trường, hiểu hơn về những tiềm năng của thị trường. Và ngược lại, là đại sứ hình ảnh của GE tại Việt Nam, bà cũng phải đảm bảo trách nhiệm làm sao để Việt Nam có thể nhìn nhận GE đúng với giá trị thực và những lợi ích mà tập đoàn này có thể mang lại.

Nhưng ở thị trường Việt Nam, trong bối cảnh một nền kinh tế chuyển đổi, các chuẩn mực kinh doanh đang trong giai đoạn hoàn thiện, thì những hiểu biết về hoạt động thương mại trong nước, bên cạnh kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình làm việc với các công ty và tổ chức nước ngoài là tính chuyên nghiệp của môi trường kinh doanh quốc tế, đã làm nền tảng vô cùng quan trọng để nữ CEO của GE tại Việt Nam tạo nên những dấu ấn đặc biệt lớn của GE tại Việt Nam theo đúng nhu cầu của nền kinh tế.

Hiện tại, bà đang nỗ lực thúc đẩy hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng cho GE tại Việt Nam. Con số hiện tại còn rất nhỏ, chỉ khoảng 15-20% sản phẩm của GE tại Việt Nam do các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp.

“Nếu tăng được tỷ lệ này, sức hấp dẫn của địa điểm đầu tư Việt Nam với nhà đầu tư thế giới sẽ tăng hơn. Nếu không, chúng ta sẽ vẫn là địa điểm lắp ráp, gia công. Là người Việt, chúng tôi không muốn nhìn thấy điều đó…”, bà My Lan chia sẻ.

Còn nhớ, bà đã từng nói về sự có mặt mang nhiều nét “tình cờ” của bà tại GE, khi Stuart Dean, hiện là Chủ tịch và CEO của GE khu vực ASEAN, chỉ trong một cuộc nói chuyện tại buổi tiệc của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam đã mời bà My Lan làm việc tại GE. Bà cũng từng nói, lời mời của GE luôn khó từ chối với nhiều người trên thế giới, chứ không chỉ là với một người Việt Nam cách đây hơn 10 năm.

Nhưng ngay khi đó, bà đã có một ước mơ là GE sẽ phát triển tại thị trường Việt Nam tương xứng với uy tín của họ trên toàn cầu. Có thể đó chính là động lực tạo nên một CEO My Lan của GE Việt Nam hôm nay.

3.

Một điểm đặc biệt mà bà My Lan chia sẻ khi nói về cơ hội làm việc trong các tập đoàn đa quốc gia, tập đoàn lớn của thế giới, đó là ai cũng có khả năng làm lãnh đạo. Tại GE, đào tạo và phát triển tài năng để nâng cao chất lượng đội ngũ nhân sự luôn được chú trọng. GE toàn cầu thường dành hơn 1 tỷ USD mỗi năm vào các chương trình đào tạo nhằm phát triển toàn diện các kỹ năng của nhân viên.

“Đây là cơ hội để những người ưu tú trong Tập đoàn tiếp cận kiến thức chuyên môn và nâng cao các kỹ năng cần thiết để trở thành một nhà lãnh đạo GE trong tương lai. Tại Việt Nam, chúng tôi cũng có chiến lược rất quan trọng để thu hút các tài năng trẻ. GE hợp tác chặt chẽ với các trường đại học hàng đầu Việt Nam nhằm tiếp cận nguồn nhân lực chất lượng và tiềm năng ngay từ giai đoạn đầu tiên. Trung tâm thiết kế kỹ thuật của GE tại Việt Nam cũng đang thể hiện cam kết của chúng tôi về vấn đề này”, bà My Lan nói.

Đặc biệt, bà My Lan cho biết, chính sách "localization" (địa phương hóa) của GE với nòng cốt là đội ngũ lãnh đạo tài năng người Việt Nam đã không chỉ giúp định vị GE Việt Nam trên bản đồ đầu tư toàn cầu của tập đoàn khổng lồ này, mà còn là cơ hội để những doanh nhân người Việt trong các tập đoàn lớn của thế giới xuất hiện nhiều hơn.

“Sự thăng tiến của tôi trong GE là một ví dụ điển hình về việc không có rào cản nào trong bước tiến của bạn, quan trọng là cách bạn nỗ lực phát triển bản thân mà thôi”, bà My Lan cho biết khi nhắc tới mục tiêu của chương trình đào tạo lãnh đạo của GE “Là lãnh đạo là phải thành công”.

Sau bà My Lan, thế hệ những CEO người Việt Nam đầu tiên trong các tập đoàn lớn của thế giới sẽ là một đội ngũ doanh nhân Việt Nam lớn mạnh trong nền kinh tế thế giới. Nhưng những người đi đầu, những đại sứ đầu tiên luôn là một phần đặc biệt trong lịch sử phát triển của cộng đồng doanh nhân Việt Nam.

TIN LIÊN QUAN
CEO Đỗ Thị Kim Liên: Những ngã rẽ của số phận
Những nữ tướng quyền lực trong giới ngân hàng
Nữ tướng REE: Những lần vấp ngã và đứng dậy
Nữ tướng Dược Hậu Giang hé lộ người kế nghiệp
CEO Lê Hồng Thủy Tiên: Quý bà quyền lực
Tỏa sáng nữ doanh nhân Việt

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư