Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 29 tháng 08 năm 2024,
Nguồn vốn ưu đãi nào để “xanh hóa” ngành ô tô?
Hà Tâm - 29/08/2024 08:32
 
Nhu cầu vốn đầu tư để sản xuất, kinh doanh xe “xanh” rất lớn, song khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp trong lĩnh vực này còn hạn chế.

Vốn ngoại: Không thiếu, nhưng không dễ tiếp cận

Việt Nam đang dẫn đầu tốc độ tăng trưởng xe điện ở khu vực ASEAN. Theo dự báo của các chuyên gia BMI Research, sản lượng tiêu thụ ô tô điện tại Việt Nam sẽ ghi nhận mức tăng trưởng kép tới 26% trong giai đoạn 2023 - 2032. Chưa kể, Hà Nội và TP.HCM cũng có kế hoạch thay thế toàn bộ xe buýt thành xe điện. Sản xuất, tiêu dùng xe điện tăng cũng đòi hỏi chi phí đầu tư trạm sạc lớn.

Bộ phận Nghiên cứu toàn cầu HSBC ước tính, chỉ riêng việc lắp đặt đủ hạ tầng sạc xe điện và công suất phát điện tái tạo đủ cho lượng xe điện mới theo dự báo, cần khoảng 12,3 tỷ USD đầu tư trong giai đoạn 2024 - 2040.

Tìm kiếm nguồn tài trợ nước ngoài là một trong những kênh tiếp cận vốn quan trọng nhất của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ô tô xanh. Trên thực tế, nguồn vốn xanh của các tổ chức quốc tế rất lớn, song không phải doanh nghiệp nào cũng đủ điều kiện để tiếp cận nguồn vốn này.

Ông Đỗ Lê Ninh, đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) - Khối tư nhân (PSOD) cho biết, ADB đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ tài trợ 100 tỷ USD cho các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm khí thải carbon tại Việt Nam, trong đó có các dự án ô tô điện.

Mặc dù kinh phí sẵn sàng tài trợ rất lớn, song đến nay, trong lĩnh vực “xanh hóa” phương tiện giao thông, ADB mới chỉ tài trợ được 1 dự án duy nhất tại Việt Nam. Cụ thể, năm 2022, ADB cung cấp gói tài chính khí hậu trị giá 135 triệu USD để hỗ trợ hoạt động kinh doanh xe điện của VinFast và đầu tư sản xuất mạng lưới trạm sạc công cộng.

Với xe VinFast, hiện có 6 ngân hàng (Vietcombank, BIDV, VietinBank, Techcombank, Sacombank, Shinhan Bank) cùng bắt tay triển khai gói ưu đãi lãi suất khi mua ô tô điện của hãng này. Theo đó, thời gian vay tối đa 8 năm, tỷ lệ cho vay tới 70 - 80% giá trị xe, lãi suất 2 năm đầu là 4,8%/năm, các năm sau theo quy định của ngân hàng. Đây là mức lãi suất rất mềm so với lãi suất cho vay mua ô tô nói chung trên thị trường hiện nay.

Theo ông Vũ Đức Công, quản lý cơ sở hạ tầng và cố vấn chính sách cấp cao, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, nguồn tài chính xanh trên thế giới rất nhiều, nhưng để kêu gọi được nguồn vốn xanh, vấn đề then chốt là phải xây dựng được các đề án, dự án chất lượng.

“Cơ hội để gọi vốn quốc tế rất nhiều, song thách thức cũng không ít. Nếu chúng ta chuẩn bị dự án sơ sài, thì không thể đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế để huy động vốn. Hiện Chính phủ Australia có nguồn tài trợ khoảng 2 tỷ USD thông qua chiến lược phát triển tại ASEAN, song câu hỏi đặt ra là các doanh nghiệp Việt có đủ niềm tin và có chuẩn bị được một dự án khả thi để tiếp cận nguồn tài trợ này hay không? Nếu không thu hút được, nguồn tài trợ này sẽ chảy sang các nước khác”, ông Công cảnh báo.

Các chuyên gia nhấn mạnh, việc hình thành quỹ “tài chính xanh” là một giải pháp cần tính tới để giúp doanh nghiệp đầu tư xe xanh có thể tiếp cận tín dụng. Tất nhiên, muốn nhà tài trợ yên tâm bỏ tiền đầu tư vào quỹ, thì cần có cơ chế hoạt động rõ ràng, minh bạch.

Ngoài nguồn vốn quốc tế, ngành sản xuất, tiêu dùng ô tô xanh trong nước cần có thêm trợ lực từ nguồn vốn ngân sách cũng như việc tạo ra môi trường, hệ sinh thái thuận lợi để phát triển, như hỗ trợ xây dựng hạ tầng, cung cấp nguồn điện cho trạm sạc, bảo lãnh các khoản vay, hỗ trợ lãi suất ưu đãi…

Ngân hàng trong nước đẩy mạnh cho vay tiêu dùng ô tô xanh

Cầu vốn sản xuất, kinh doanh xe điện và trạm sạc tăng nhanh, song theo ông Huỳnh Tiến Đạt, Giám đốc điều hành Hệ thống trạm sạc EV One, việc tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng rất khó khăn, do đây là lĩnh vực còn khá mới.

Sản xuất, kinh doanh xe điện và hạ tầng trạm sạc đòi hỏi vốn lớn, thời gian cho vay dài, trong khi thị trường lại rất cạnh tranh, nhiều rủi ro, nên nhiều ngân hàng không dám đầu tư. Tuy nhiên, thay vì đầu tư cho các dự án sản xuất xe điện, hạ tầng trạm sạc…, nhiều ngân hàng đang mạnh tay cho vay ưu đãi với tiêu dùng ô tô điện.

Một số ngân hàng tung ra các gói tín dụng xanh với lãi suất ưu đãi dành cho các dự án phát triển bền vững, bao gồm cả các dự án liên quan đến ô tô động cơ hybrid, xe ô tô điện… Ngoài ra, một số ngân hàng cũng triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi cho vay ô tô điện và ô tô hybrid, lãi suất cho vay giảm 0,1% so với lãi vay ô tô thông thường. Riêng BIDV, trong năm 2023 đã dành gói tín dụng 3.500 tỷ đồng cho ô tô điện với lãi suất ưu đãi.

Thực tế, nhờ sự tăng trưởng của mảng ô tô điện, doanh số cho vay của nhiều ngân hàng tăng vọt trong vài năm trở lại đây. Tại Techcombank, nếu năm 2021 và 2022, dư nợ cho vay mua ô tô, xe máy chỉ ở mức hơn 34.000 tỷ đồng, thì sang năm 2023, dư nợ tăng vọt 31,4%. Tính từ đầu năm 2024 đến ngày 30/6, dư nợ cho vay mảng ô tô, xe máy của ngân hàng này cũng tăng tới 15,6%.

Với MB, năm 2023, tín dụng lĩnh vực ô tô, xe máy tăng 45% và trở thành một trong 2 lĩnh vực cho vay chủ chốt của Ngân hàng. Nửa đầu năm nay, mức tăng trưởng tín dụng của lĩnh vực này tại MB đạt gần 15%.

Nguồn vốn vay tiêu dùng ưu đãi của các ngân hàng đã bổ trợ cho sự phát triển của ngành ô tô xanh. Tuy vậy, ngoài nguồn vốn tín dụng, vốn nước ngoài, các chuyên gia cho rằng, để thúc đẩy chuyển đổi ngành ô tô sang hướng “xanh hóa”, cần có thêm trợ lực của Chính phủ, bao gồm cả vốn và cơ chế, môi trường đầu tư.

Riêng với doanh nghiệp, ngoài nguồn tài trợ vốn từ nước ngoài, cần nghiên cứu tới hướng phát hành trái phiếu xanh để huy động vốn.

Nâng chuẩn khí thải ô tô
Tiêu chuẩn khí thải đối với ô tô được kiểm soát nghiêm ngặt hơn sẽ tác động đến thị trường ô tô, đặc biệt là ô tô đã qua sử dụng. Tuy...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư