Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Nguyễn Bạch Điệp - “người đàn bà thép” của FPT Retail
Hải Yến - 08/03/2019 10:07
 
Tại FPT Retail, Nguyễn Bạch Điệp được mệnh danh là "người đàn bà thép" do tính quyết đoán trong công việc. Để đạt được thành công, theo bà, phải luôn nỗ lực, bởi không có con đường trải hoa hồng dành cho nữ doanh nhân.
.
Bà Nguyễn Bạch Điệp.

“Át chủ bài” của FPT Retail

Trên trang bìa Tạp chí Forbes Việt Nam tháng 3/2019, hình ảnh Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc FPT Retail Nguyễn Bạch Điệp xuất hiện cùng 4 lãnh đạo nữ “kỳ cựu” như bà Mai Kiều Liên, CEO Vinamilk; Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet Air; Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Vĩnh Hoàn và Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch, kiêm CEO REE. Trong đó, bà Điệp là gương mặt trẻ nhất.

“Tôi rất vinh dự khi được Forbes Việt Nam vinh danh trong danh sách 50 Phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019, được đứng bên cạnh những người “chị cả” đang tiên phong trong các lĩnh vực khác nhau, từ chính trị gia, doanh nhân, nhà quản lý doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, nhà hoạt động xã hội…”, bà Điệp tự hào nói.

Cần phải nói thêm, trong danh sách này, lần đầu tiên, “nữ tướng” FPT Retail được tôn vinh là một trong 20 người phụ nữ quyền lực nhất lĩnh vực kinh doanh năm 2019.

Nguyễn Bạch Điệp là tên tuổi không xa lạ trong giới bán lẻ công nghệ. 7 năm qua, cùng các cộng sự của mình, bà Điệp đã đưa FPT Retail từ 17 cửa hàng, phát triển thành chuỗi bán lẻ điện thoại lớn thứ hai Việt Nam, với hơn 500 cửa hàng từ Bắc tới Nam.

Phát triển nhanh về chiều rộng, nhưng FPT Retail vẫn đảm bảo tăng trưởng về chiều sâu, thể hiện ở kết quả kinh doanh năm 2018 với doanh thu gần 16.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 348 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ 2017.

Thăng trầm cùng thị trường, chứng kiến mảng bán lẻ điện thoại tăng chậm lại, do thị trường gần đạt điểm bão hòa, bà Điệp tiếp tục tạo dấu ấn khi đưa FPT Retail tham gia mảng bán lẻ dược phẩm sau khi mua lại chuỗi nhà thuốc Long Châu.

Kết thúc năm 2018, chuỗi nhà thuốc này có 25 cửa hàng và dự kiến mở mới 50 cửa hàng trong năm 2019.

Gắn bó với FPT từ lúc tốt nghiệp đại học (năm 1994). Trải qua nhiều cương vị, từ nhân viên kinh doanh đến quản lý, với kinh nghiệm trong nhiều mảng, lĩnh vực, từ Internet, viễn thông trước khi tham gia phát triển FPT Shop, để đi đến những thành công hôm nay, không có con đường trải hoa hồng nào dành cho những nữ doanh nhân như bà Điệp. Song hành với số lượng điểm bán được mở, với tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, là những trăn trở, những chuyến đi tìm mặt bằng bán lẻ tại hầu hết các điểm FPT Shop đóng đô, những nước cờ đón đầu thị trường và hơn thế là sự “co kéo” thời gian trong đời sống riêng để chu toàn thiên chức làm vợ, làm mẹ.

Năm 2012, Công ty cổ phần FPT Retail, với thương hiệu FPT Shop, chính thức có giấy phép thành lập. Từ đó tới nay cũng là khoảng thời gian bà Điệp đóng nhiều vai tại FPT Retail, trong đó có vai “át chủ bài” của Công ty.

Kể lại hành trình công tác của mình với phóng viên Báo Đầu tư, bà Điệp cho biết: “Tôi gắn bó với FPT Retail từ những ngày đầu tiên. Giai đoạn đầu 2012, FPT mới có 5-7 cửa hàng bán lẻ, chủ yếu làm showroom cho các hãng. Với những kiến thức nền tảng học được từ đối tác Indonesia khi làm Giám đốc Dự án Alpha Mart, tôi làm kế hoạch và bảo vệ trước các lãnh đạo FPT về việc đề xuất thành lập một công ty bán lẻ độc lập. Ngày 1/2/2012, FPT Retail chính thức ra đời nhằm thực hiện đề án chuỗi bán lẻ của Tập đoàn”.

Kể ra thì đơn giản vậy, nhưng sức ép với bà Điệp để xây dựng Công ty từ những ngày đầu thành lập rất lớn.

Bán lẻ thì quan trọng nhất là phải có mặt bằng đẹp, đặc biệt là khoảng thời gian mới ra mắt. Trong 2 năm đầu tiên, ngoài áp lực về tìm địa điểm, thì áp lực trong việc đào tạo nhân viên tại từng vùng miền, đáp ứng chất lượng để mở chuỗi nhanh cũng rất lớn. Làm sao để xây dựng quy trình tối ưu từ trả hàng đến bán hàng, quy trình nhập hàng, luân chuyển hàng giữa các chuỗi, hệ thống phần mềm quản lý hàng hóa, tiền bạc, phát triển website…

Rồi FPT Retail “nhấn ga” thêm một bước là trở thành đại lý ủy quyền chính hãng của Apple tại Việt Nam với hệ thống F.Studio by FPT. Bà Điệp bộc bạch: “Sản phẩm Apple luôn mang đến sự hấp dẫn khó cưỡng với hàng triệu người, háo hức chào đón sản phẩm mới mỗi lần ra mắt. Nguồn hàng Apple luôn được tiêu thụ mạnh mẽ trên toàn thế giới, trong đó có thị trường Việt Nam. Nhưng, nếu mua sản phẩm Apple xách tay thì khách hàng có thể mua phải hàng dựng, hàng giả. Nếu mua iPhone khóa mạng (lock) từ Mỹ, Nhật, người mua phải mua code để mở mạng hoặc dùng SIM ghép tương đối phức tạp, sử dụng về lâu dài thiếu ổn định và có thể bị khóa máy bởi Apple.

F.Studio by FPT ra đời đã giải tỏa được bài toán mua sắm thiết bị công nghệ chính hãng tại đại lý ủy quyền của thương hiệu, giúp người dùng tránh được những hạn chế, khuyết điểm của sản phẩm.

“Tôi may mắn vì gia đình đã thông cảm”

Sau những vinh danh và sự tăng trưởng thần tốc của FPT Retail, bà Điệp thừa nhận: “Trong suốt thời gian qua, do những áp lực từ vị trí đứng đầu, nhất là trong khoảng thời gian FPT Shop là lính mới, có thời điểm tôi đã đặt nặng công việc hơn gia đình, có thể nói, tôi không hoàn hảo trong thiên chức của một người phụ nữ”.

Thừa nhận có nhiều thời điểm “không hoàn hảo”, nhưng Nguyễn Bạch Điệp là người phụ nữ may mắn vì không chỉ gia đình, mà rất nhiều cộng sự hết lòng chia sẻ phía sau.

“Bạn biết đấy, nếu sau lưng một người đàn ông thành công là một người phụ nữ âm thầm hy sinh, thì sau lưng một người phụ nữ thành đạt là một nhóm người âm thầm hy sinh”, bà Điệp cảm kích.

Tôi rất may mắn vì gia đình đã thông cảm và hỗ trợ tôi rất nhiều, bù lại, tôi cố gắng tận dụng bất cứ thời gian rảnh trong ngày để dành cho gia đình và con cái.

Bà Điệp kể về niềm vui bé nhỏ mỗi sáng, nhưng tràn đầy tình yêu và sự hứng khởi: “Mỗi sáng, tôi vẫn dậy chuẩn bị bữa sáng cho cả gia đình. Khi đi làm, tôi tận dụng thời gian trên xe để nói chuyện với con. Làm việc đến 7 giờ tối thì về nhà, ăn cơm xong, bắt đầu xem bài tập của con, nhiều khi bọn trẻ đi ngủ thì mình lại check mail kiểm tra công việc, sau đó mới đến giờ nghỉ thật sự”.

Là sếp lớn ở công ty, liệu khi về nhà, bà có khó khăn trong vai trò làm vợ, làm mẹ không? Bà đáp: “Tôi quan niệm, đã làm sếp ở công ty thì về nhà không làm sếp để tôn trọng vai trò của người đàn ông trong gia đình. Ngoài ra, tôi cũng cố gắng biến sở thích cá nhân giống với con cái để mỗi khi bản thân có thời gian rảnh, cả gia đình cùng vui với nhau. Từ đó, mẹ và con cái cũng gắn bó hơn và gần gũi hơn”.

Trò chuyện với nữ doanh nhân Nguyễn Bạch Điệp

Được Forbes Việt Nam công bố danh sách thường niên 50 Phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam, cảm xúc của bà ra sao?

Đây là niềm vui và vinh hạnh mà tôi bất ngờ nhận được trong những ngày đầu năm. Tôi xin gửi lời cảm ơn đến Forbes đã dành cho tôi vinh dự này, cảm ơn gia đình, các đồng nghiệp tại FPT Retail đã luôn sát cánh trong suốt chặng đường vừa qua. Đây cũng là nguồn động viên to lớn để tôi phấn đấu nhiều hơn nữa trong thời gian tới.

Kinh doanh chưa bao giờ là dễ dàng, trong đó, bán lẻ hàng công nghệ là lĩnh vưc khá đặc thù. Bà có bí quyết nào để đưa FPT Retail từ 17 cửa hàng, sau 7 năm phát triển thành chuỗi bán lẻ điện thoại lớn thứ hai Việt Nam, với hơn 500 cửa hàng từ Bắc tới Nam như hiện nay?

Gọi là bí quyết có vẻ “đao to búa lớn”, tôi chỉ xin gọi là kinh nghiệm cá nhân.

Thứ nhất, yếu tố quan trọng để phát triển hệ thống bán lẻ là địa điểm, cần chọn được mặt bằng tốt.

Thứ hai là khoán, để có thể “ăn đồng, chia đủ”, tổ chức phải có hệ thống đánh giá khách quan, trung thực, dựa trên sự minh bạch, công khai.

Thứ ba, không ngừng học hỏi, hoàn thiện hơn từng ngày, hôm nay phải tốt hơn hôm qua và không ngại học từ người dẫn đầu.

Bà đã gắn bó với FPT Retail từ khi ra trường, đâu là “sức hút” giữ bà tại FPT Retail lâu đến thế?

Tôi gắn bó với FPT Retail có thể tóm lại bởi 2 điều. Thứ nhất, FPT Retail nói riêng và FPT nói chung mang đến cho tôi môi trường để phát triển, tạo điều kiện để tôi phát huy toàn bộ tố chất, được công nhận và được tin tưởng trong công việc. Thứ hai, tôi yêu thích công việc hiện tại của mình. Môi trường hiện tại luôn đủ năng động, không thiếu những áp lực và thử thách cho bản thân tôi chinh phục.

Ở cương vị của bà, có không ít lời mời để có một vị trí và có thể mức thu nhập hấp dẫn hơn, vậy có thời điểm nào vì quá mệt mỏi ở FPT Retail mà bà từng có ý định dịch chuyển hay không?

Trên hành trình vừa qua, dù không ít thời điểm rất oải, nhưng chưa bao giờ tôi có ý định thay đổi nơi làm việc.

Thú vui sau mỗi ngày nghỉ của bà là gì? Bà thường “nạp năng lượng” cho mình như thế nào?

Cách “sạc pin” của tôi rất đơn giản, đó là sau thời gian làm việc, tôi luôn dành toàn bộ thời gian cho gia đình.

Tăng thêm 60 điểm bán, FPT Retail "chốt hạ" doanh thu gần 15.300 tỷ đồng
Kết thúc năm 2018, nhờ tăng thêm 60 điểm bán mới, cùng các chương trình bán hàng linh hoạt, Công ty Cổ phần bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail) đã...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư