Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Nguyễn Kỳ Philip, sáng lập Đảo Hải Sản: Xây dựng chuỗi bán lẻ hải sản chuyên nghiệp
Hồng Phúc - 09/07/2020 10:02
 
Sau 5 năm thành lập Đảo Hải Sản, Nguyễn Kỳ Philip đang chuẩn bị cho bước ngoặt gọi vốn đầu tư, hướng đến mục tiêu đưa Đảo Hải Sản trở thành chuỗi bán lẻ hải sản chuyên nghiệp.
.
Nguyễn Kỳ Philip.

Đồng bộ kênh online, nhà hàng và mô hình  “shop in shop”

Ngày 1/4/2020, ngày đầu tiên Việt Nam thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống Covid-19 trở thành ngày bán hàng “lịch sử” của Đảo Hải Sản.

“Ngày đầu tiên lệnh giãn cách có hiệu lực, lượng hàng chúng tôi bán ra gấp gần 4 lần các ngày thứ Tư bình thường. Các đơn hàng dồn dập kéo dài hơn 1 tuần sau đó”, Nguyễn Kỳ Philip, ông chủ chuỗi 4 cửa hàng Đảo Hải Sản và 3 nhà hàng Lobster Bay chia sẻ.

Những viên gạch đầu tiên tạo nên Đảo Hải Sản không phải cửa hàng vật lý như hiện tại, mà là trang bán hàng online. Kênh online luôn đóng góp 50% tổng doanh thu của chuỗi và đã trở thành “cứu cánh” của Đảo Hải Sản trong giai đoạn giãn cách xã hội, giúp chuỗi bán lẻ hải sản này không lỗ, không phải cắt giảm nhân công, mà trái lại, còn tăng lương cho nhân viên, hoạt động hết công suất.

Đảo Hải Sản được Nguyễn Kỳ Philip thành lập 5 năm trước tại TP.HCM với “vốn liếng” là kinh nghiệm mà anh tích lũy được trong lĩnh vực thương mại điện tử sau thời gian dài đầu quân cho start-up Cùng mua.

“Gia đình tôi ở Khánh Hòa có nuôi tôm hùm. Ba tôi khuyên, tôi nên vừa đi làm, vừa kinh doanh thêm để thử khả năng trong lĩnh vực mới”, Nguyễn Kỳ Philip kể về thời điểm bắt đầu đưa quà quê “lên phố”.

Từ nền tảng kiến thức trong lĩnh vực thương mại điện tử, Nguyễn Kỳ Philip chi tiền quảng cáo trên Facebook, thu hút khách hàng đến với hai sản phẩm là bào ngư Việt Nam và thịt hàu tự nhiên. Đầu năm 2016, anh mở cửa hàng đầu tiên tại quận Tân Bình, rồi tiếp tục mở Nhà hàng Lobster Bay.

“Một ký tôm hùm Alaska tại Đảo Hải Sản có giá 800.000 đồng, nếu khách muốn chế biến sẵn, cửa hàng thu thêm 40.000 đồng. Còn ở Lobster Bay, giá là 1.350.00 đồng/kg”, Nguyễn Kỳ Philip cho biết.

Ngoài kênh online và các cửa hàng vật lý, Đảo Hải Sản còn triển khai mô hình “shop in shop” tại 7 điểm trong hệ thống siêu thị Aeon, Lotte, VinMart và KingFood.

Theo Nguyễn Kỳ Philip, ngành bán lẻ hải sản khó vận hành, đòi hỏi tốc độ nhanh nếu không muốn hàng bị hư hao. Các siêu thị bán lẻ thường không có đội ngũ chuyên biệt dành cho mặt hàng hải sản, nên khi hợp tác, Đảo Hải Sản phải trả chiết khấu để có thể tiếp cận nhóm khách hàng đông đúc tại các siêu thị.

“Trước đây, muốn mua hải sản, người tiêu dùng phải đến chợ. Chúng tôi đang cung cấp sản phẩm và dịch vụ với những tiêu chuẩn mới, vượt ra ngoài phương thức truyền thống. Khách hàng có thể đặt mua cua hoàng đế, tôm hùm baby tươi sống và nhận hàng tại nhà trong vòng 2 tiếng”, nhà sáng lập Đảo Hải Sản tự tin chia sẻ.

Tối ưu hiệu quả bộ máy

Khoảng thời gian may mắn hơn các doanh nghiệp trong ngành của Đảo Hải Sản với lượng đơn hàng leo thang từng ngày đã tạm ngừng từ khi Việt Nam bước sang trạng thái “bình thường mới”. Giờ đây, họ phải đối diện với hàng loạt thách thức, từ vấn đề kích thích tiêu dùng đến yêu cầu cải tiến quy trình nội bộ, cải thiện đời sống cho đội ngũ nhân viên...

“Nếu tiền lãi mỗi tháng chỉ để dành, mà không đầu tư hệ thống, cải tiến chất lượng nhân sự, thì doanh nghiệp sẽ dần thụt lùi”, Nguyễn Kỳ Philip nhấn mạnh.

Thêm một thách thức nữa đối với Đảo Hải Sản là lượng tồn kho gia tăng, vì khách hàng có xu hướng thắt chặt chi tiêu do Covid-19, trong khi hải sản chỉ có thể bảo quản tươi sống trong khoảng 3 - 5 ngày, tùy loại. Thế nên, việc giải quyết lượng tồn kho, kiểm soát tỷ lệ hao hụt là bài toán khó mà Nguyễn Kỳ Philip phải tìm lời giải mỗi ngày.

Dẫu vậy, đây không phải lần đầu tiên Đảo Hải Sản phải đối mặt với khó khăn. Năm 2016, Đảo Hải Sản mới mở cửa hàng đầu tiên được vài tháng, thì xuất hiện sự cố môi trường tại Công ty Formosa Hà Tĩnh.

“Khi đó, người dân tẩy chay hải sản, khiến doanh số của chúng tôi giảm liên tục trong 2 tháng. Tôi phải ngừng lại để xây dựng hệ thống, quy trình vận hành chỉn chu hơn. Những khó khăn thường ập đến bất ngờ, nếu quy trình vận hành không được tối ưu liên tục, thì sẽ không thể kiểm soát”, Nguyễn Kỳ Philip chia sẻ.

Kinh nghiệm xử lý khủng hoảng lần đó đã giúp Nguyễn Kỳ Philip và đội ngũ Đảo Hải Sản có thêm nhiều kinh nghiệm. Họ chú trọng hơn việc tối ưu chi phí vận hành, liên tục bổ sung kiến thức, kỹ năng mới để sẵn sàng ứng phó sự cố.

“Tôi vừa điều chỉnh mục tiêu kế hoạch năm theo tình hình mới. Chúng tôi chọn cách tối ưu những gì đang có như làm lại bao bì, bổ sung sản phẩm ngành sốt đóng gói nhằm kích thích tiêu dùng và nhận được sự tin tưởng hơn từ khách hàng”, nhà sáng lập Đảo Hải Sản chia sẻ.

Anh kỳ vọng, những nỗ lực cải tiến nội bộ sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch trước khi mở cửa chào đón nhà đầu tư chiến lược đồng hành cùng mục tiêu trở thành nhà bán lẻ hải sản chuyên nghiệp.

Chat với Nguyễn Kỳ Philip

Mối lo lớn nhất với anh ở thời điểm hiện tại?
Là sự an toàn của đội ngũ, kế đó là đào tạo để cùng nhau nâng cao chuyên môn. Khó khăn là vấn đề chung của toàn ngành, nếu có đội ngũ tốt, Công ty sẽ đứng vững hơn.

Nguyên tắc bất di bất dịch trong nội bộ khi Đảo Hải Sản và Lobster Bay hợp tác với nhà đầu tư?
Không ai được phép bào mòn giá trị mà chúng tôi đã xây dựng, đó là hướng về sự phát triển của đội ngũ. Tôi luôn nói với đội ngũ của mình rằng, đừng làm việc với tâm thế là nhân viên, hay nghĩ rằng mình đang làm việc cho lãnh đạo. Tôi luôn trao cho họ quyền thể hiện khả năng để trở thành những nhà lãnh đạo kế tiếp của Công ty.
Bà Lê Thị Ngọc Thủy, nhà sáng lập VIVA International: Tinh tế nhìn vào nhu cầu khách hàng
Tự tin mở phân khúc cao cấp VIVA Reserve, bà Lê Thị Ngọc Thủy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VIVA International cho biết, tinh tế nhìn vào nhu cầu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư