Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Nhà đầu tư nước ngoài săn lùng doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá
Anh Hoa - 26/12/2015 08:11
 
Không đầu tư 100% vốn trực tiếp mà chỉ liên doanh, M&A đang trở thành chiến lược khôn ngoan của các nhà đầu tư Indonesia ở thị trường Việt Nam. Trong đó, việc săn lùng cổ phần tại các doanh nghiệp nhà nước đang cổ phần hóa là cơ hội để Chính phủ Indonesia hậu thuẫn các tập đoàn nhà nước của họ hiện diện nhiều hơn tại Việt Nam.

Cùng tăng trưởng, cùng hưởng lợi

Khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra Hanoi) là thành quả của mối lương duyên giữa Tổng công ty Đầu tư và Phát triển hạ tầng đô thị (Việt Nam) và Tập đoàn Ciputra từ khi đặt chân vào thị trường bất động sản Việt Nam năm 1996.

Nhưng Ciputra không phải là “chú lính” đầu tiên của Indonesia đặt chân vào Việt Nam mà PT.Vietmindo Energitama mới là tên tuổi gắn liền với lịch sử hợp tác giữa Indonesia và Việt Nam.

Công ty này được thành lập với mục đích chính là đại diện cho chính phủ Indonesia trong một sáng kiến giữa 2 chính phủ nhằm thúc đẩy FDI vào Việt Nam, sau khi Việt Nam thực hiện chính sách đổi mới vào năm 1986. Theo giấy phép kinh doanh số 260/GP ngày 22/10/1991, công ty này được quyền khai thác chế biến và xuất khẩu than sang các thị trường quốc tế.

Xi măng Thăng Long đã mang lại “trái ngọt” cho PT Semen Gresik (Indonesia)?sau thương vụ đầu tư 230 triệu USD mua lại 70% cổ phần tại Dự án này. Ảnh: Đỗ Phương
Xi măng Thăng Long đã mang lại “trái ngọt” cho PT Semen Gresik (Indonesia) sau thương vụ đầu tư 230 triệu USD mua lại 70% cổ phần tại dự án này. Ảnh: Đỗ Phương

Ngay cả Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam, dù 100% vốn Indonesia, hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nhưng khởi nguồn của tên tuổi này cũng từ liên doanh với Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam vào năm 1996. Ba năm sau, Japfa Comfeed trở thành công ty 100% vốn nước ngoài. Bước liên doanh đó đã giúp công ty này vươn đến vị thế đáng nể trên thị trường thức ăn chăn nuôi, con giống và tổ chức mạng lưới chăn nuôi khép kín với 5 nhà máy thức ăn chăn nuôi tại Vĩnh Phúc, Thái Bình, Hòa Bình, Long An, Bình Thuận, 1 công ty di truyền giống heo (liên doanh với Hà Lan) tại Bình Phước, và 12 trang trại gà giống bố mẹ…

Quyết định mở rộng quy mô khi Việt Nam bước sang thời kỳ mở cửa hội nhập và ban hành Luật Đầu tư nước ngoài, công ty này cũng nhận được nhiều hỗ trợ từ chính sách thu hút đầu tư của Chính phủ Việt Nam. Hiện mỗi năm, Japfa cung cấp ra thị trường hàng trăm nghìn tấn thức ăn chăn nuôi, hàng triệu con giống các loại. Mục tiêu tới năm 2017, Japfa sẽ đạt sản lượng 1 triệu tấn thức ăn chăn nuôi/năm.

Ông Hoàng Phan Tấn, Chủ tịch HĐQT Japfa cho hay: “Việt Nam có tiềm năng phát triển nông nghiệp, nhưng ngành chăn nuôi lại phát triển chưa tương xứng. Đây là cơ hội cho Japfa và người dân Việt Nam. Tập đoàn đã cân nhắc kỹ khi đầu tư vào Việt Nam”.

Như vậy, có thể nói, các công ty của Indonesia có mặt ở Việt Nam khá sớm, ngay khi nền kinh tế mở cửa từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Khi đó, Tổng thống Indonesia đã khuyến khích các công ty sang Việt Nam hợp tác làm ăn để chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và không đầu tư trực tiếp 100% vốn, mà chỉ liên doanh, liên kết, M&A.

Kể từ đó đến nay, chính sách đầu tư sang Việt Nam của Indonesia vẫn không hề thay đổi. Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới mà Indonesia có quan hệ đối tác chiến lược. 

Ông Mayerfas, Đại sứ Indonesia tại Việt Nam cho biết: “Nhà đầu tư các nước khác sang Việt Nam, họ muốn phát triển đầu tư theo hình thức 100% vốn nước ngoài, nhưng chúng tôi thì khác. Chúng tôi đến đây không phải để đầu tư mà tìm kiếm, thiết lập quan hệ đối tác với các doanh nghiệp Việt Nam theo chiến lược cùng nhau tăng trưởng, cùng nhau hưởng lợi”.

Chủ động săn lùng đối tác

Theo con số thống kê chính thức từ phía Đại sứ quán Indonesia, hiện có 30 công ty của nước này có mặt tại Việt Nam với 39 dự án đầu tư, xếp thứ 26/101 quốc gia/vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Ngoài ra, còn rất nhiều công ty trở thành cổ đông của các công ty Việt Nam thông qua các giao dịch M&A.

Số liệu của StoxPlus cho thấy, trong giai đoạn 2012 - 2015, đã có 18 giao dịch với tổng giá trị 306 triệu USD tại Việt Nam có liên quan tới các nhà đầu tư Indonesia. Các giao dịch này được thực hiện chủ yếu bởi Quỹ ASEAN Small Cap Fund, Lucerne Enterprise, với giá trị giao dịch nhỏ, nhưng StoxPlus coi các giao dịch trên 5% cổ phần của công ty là M&A. So với các giao dịch đến từ Thái Lan, Singapore, thì khối lượng vốn đầu tư của Indonesia vào Việt Nam còn khiêm tốn, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực vật liệu xây dựng và thực phẩm.

Năm 2012, PT Semen Gresik, Tập đoàn xi măng lớn nhất Indonesia đã chi 230 triệu USD  mua lại 70% cổ phần tại Công ty Xi măng Thăng Long từ Geleximco. Đây là một khoản đầu tư khá lớn so với các thương vụ  M&A trong ngành xi măng tính đến thời điểm hiện tại. Song với những gì mà PT Semen Gresik nhận được sau thương vụ thì cái giá này là hoàn toàn hợp lý.

Cùng với việc thâu tóm Xi măng Thăng Long, PT Sement Gresik cũng nhận được quyền khai thác lâu dài các mỏ nguyên liệu cho xi măng. Hơn nữa, nhà máy chính của Xi măng Thăng Long nằm ngay cạnh Cảng biển nước sâu Cái Lân tại tỉnh Quảng Ninh, có vị trí gần hệ thống đường thủy nội địa và đường cao tốc liên tỉnh. Việc nằm gần cảng biển quốc tế sẽ giúp cho việc phân phối sản phẩm hiệu quả với chi phí thấp, dự kiến chi phí vận chuyển xi măng sang Indonesia có thể thấp hơn cả vận chuyển tiêu thụ tại Việt Nam. Trong năm 2015, PT Semen Gresik đang tiến hành thâu tóm thêm một nhà máy xi măng tư nhân nắm giữ khoảng 4% thị phần tại Việt Nam.

Điều đáng nói là thương vụ mang tầm cỡ quốc gia này khi đó được thực hiện khá nhanh chóng nhờ sự hậu thuẫn rất lớn từ phía Chính phủ và các cơ quan 2 nước. Trong đó, nổi lên việc xử lý các vấn đề chuyển bảo lãnh của Bộ Tài chính đối với các khoản vay nước ngoài của Thăng Long, đảm bảo quyền khai thác lâu dài các mỏ nguyên liệu cho xi măng (đá vôi, đất sét), vốn là các vấn đề phức tạp khi chuyển nhượng cho phía nước ngoài trong ngành này.

Chuyên gia của Stoxplus bình luận, vào cuối năm 2012, Xi măng Thăng Long có hệ số nợ/vốn lên tới 11 lần, thiếu một chiến lược phát triển rõ ràng và đang chịu ảnh hưởng nặng nề của suy thoái kinh tế. Tất cả những điều này làm cho định giá các doanh nghiệp Việt rất thấp và là cơ hội hiếm có để các bên mua hiện thực hóa chiến lược mở rộng M&A vào thị trường Việt Nam.

Thương vụ này cũng điển hình cho mục đích của các tập đoàn của Indonesia, đó là không chỉ dùng M&A để khai thác thị trường Việt Nam, mà còn muốn giải bài toán trên chính quốc gia của họ. PT Semen Gresik ngay lập tức có thêm năng lực sản xuất 1,9 triệu tấn clinker/năm và có thể tăng lên gấp 2 lần do Thăng Long đã được quy hoạch mở rộng công suất nhằm phục vụ xuất khẩu clinker về Indonesia và các thị trường lân cận.

Thương vụ M&A lớn thứ hai của nhà đầu tư Indonesia tại Việt Nam là Salim Group chi 37 triệu USD mua lại 49% cổ phần Hiệp Thanh Group, tập đoàn kinh doanh, chế biến, nuôi trồng và xuất khẩu 2 sản phẩm chiến lược của ngành nông nghiệp là gạo và thủy sản.

Thông qua việc hợp tác với một tập đoàn thương mại đa quốc gia với hơn 70 siêu thị và trên 14.000 cửa hàng tiện ích như Salim, Hiệp Thanh Group sẽ nhận được sự hỗ trợ lớn trong vấn đề phân phối hàng hóa khi các sản phẩm của Hiệp Thanh Group được đưa vào hệ thống phân phối của Salim Group. Điều này sẽ góp phần giúp Hiệp Thanh Group giải quyết bài toán đầu ra cho sản phẩm gạo và thủy sản, tăng cường năng lực phân phối hàng hóa ra thị trường khu vực và các quốc gia trên thế giới.

Mới đây, Tập đoàn Interflour, thuộc sở hữu của tỷ phú Anthony Salim, đã mua lại một nhà máy chế biến bột mì ở Đà Nẵng, nhằm mở rộng mạng lưới hoạt động tại khu vực Đông Nam Á. Nhà máy này có công suất 220 tấn/ngày và có thể được mở rộng trong thời gian tới.

Hiện quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam đang tạo nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư Indonesia. “Các nhà đầu tư Indonesia rất quan tâm tới quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, vì nó tạo cơ hội tăng sự hiện diện của họ ở Việt Nam. Thậm chí, các doanh nghiệp Việt Nam không cần phải tới tận Indonesia để tìm kiếm đối tác, mà chính các công ty của chúng tôi sẽ tới Việt Nam để thiết lập liên doanh. Họ không phải là những công ty mới trên thị trường, mà đều là những tên tuổi có vị trí tốt ở thị trường Indonesia”, ông Mayerfas cho biết.

Virus máy tính có tên Bông hồng Việt Nam đang phát tán nhanh ở Indonesia
Theo Đài TNHK, một virus máy tính ẩn dưới hình ảnh đồi trụy có tên gọi ​"Vietnam Rose" (Bông hồng Việt Nam) hiện đang phát tán nhanh trong các máy...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư