Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Nhức nhối nạn khai thác vàng trái phép tại Quảng Nam
Hoàng Anh - 29/09/2020 16:20
 
Là địa phương có trữ lượng vàng lớn nhất ở miền Trung, nên Quảng Nam đã trở thành “miền đất hứa” của những người đào vàng trái phép.
.
Việc khai thác vàng trái phép diễn ra dai dẳng tại các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam đã để lại nhiều hệ lụy. 

Nước mắt phu vàng

Ngoài 2 mỏ vàng lớn nhất cả nước là Bồng Miêu (huyện Phú Ninh) và Đắk Sa (huyện Phước Sơn), hầu hết 9 huyện miền núi của tỉnh Quảng đều có các điểm quặng vàng nằm rải rác tại các sông, suối. Những tưởng, mỏ vàng sẽ mang lại cuộc sống tốt hơn cho người dân, nhưng thực tế đã cho thấy điều ngược lại. Bao năm qua, Quảng Nam trở thành điểm nóng về khai thác vàng trái phép, với những án mạng đau lòng và tình trạng ô nhiễm môi trường.

Mới đây, Công an tỉnh Quảng Nam đã khởi tố bị can đối với Lò Văn Lợi (trú tỉnh Lai Châu) về tội giết người. Nghe theo lời truyền miệng về sự đổi đời khi đào vàng ở Quảng Nam, Lợi đã bỏ quê vào làm cho một công ty vàng ở bãi 39 (thuộc xã Phước Hòa, huyện Phước Sơn). Nhưng chỉ được một thời gian, giấc mộng của Lợi tan biến trong các đường hầm tăm tối.

Vì quá khổ cực, Lợi xin trở về quê, nhưng không được Nguyễn Công Hưng (quản lý công ty) và Phạm Văn Toản (trú tỉnh Thái Nguyên) chấp nhận. Sau đó, Lợi tự ý bỏ về thì bị Hưng và Toản đuổi theo, bắt giữ lại làm việc. Lợi bị 2 người này đánh, nên dùng dao thủ sẵn đâm ông Toản tử vong, ông Hưng bị thương nặng. Sau khi gây án, Lợi đã chạy vào rừng để trốn, nhưng bị công an bắt giữ sau đó.

Không riêng gì Lợi, rất nhiều thanh niên ở các tỉnh, thành phố khác cũng đã nghe theo tiếng gọi của vàng để đến Quảng Nam tham gia tìm kiếm kim loại quý giá này. Vào tháng 3/2020, Công an huyện Nam Giang đã giải cứu 11 người dân tộc Khơ Mú (trú huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) bị bắt giữ trái phép. 11 người này làm việc trong bãi vàng tại xã Đắk Pring do Đặng Thị Phước (trú thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang) quản lý. Tuy nhiên, vì quá cực khổ, những thanh niên này tìm cách bỏ trốn, nhưng bị Phước bắt lại để tiếp tục đào vàng…

Thượng tá Lê Nho Tâm, Trưởng công an huyện Phước Sơn cho biết, đầu tháng 9/2020, công an huyện đã đột kích vào bãi 38 thuộc xã Phước Hòa, nơi diễn ra tình trạng khai thác vàng trái phép trong thời gian qua. Công an huyện đã tạm giữ 13 đối tượng đang khai thác vàng trái phép tại đây, đa số là người dân các tỉnh phía Bắc như Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Thanh Hóa...

“Ngoài việc bố trí chốt kiểm soát thường xuyên tại các bãi vàng, thì với những bãi vàng đã hết phép, nếu đơn vị nào không đáp ứng đủ điều kiện, cần phải đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường và giao cho địa phương quản lý. Có như vậy mới ngăn chặn được tình trạng khai thác vàng trái phép”, ông Tâm nói.

Kiểm soát ra sao?

Việc khai thác vàng trái phép diễn ra dai dẳng tại các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam đã để lại nhiều hệ lụy. Tuy nhiên, việc kiểm soát và quản lý tại các bãi vàng còn nhiều bất cập. Nhiều bãi vàng chậm đóng cửa mỏ khi đã hết thời gian hoạt động, khiến khai thác vàng trái phép càng thêm phức tạp.

Tại bãi vàng 38 thuộc xã Phước Hòa, trước đây UBND tỉnh Quảng Nam đã cấp phép khai thác cho Công ty TNHH Nguyên Thành Đạt (trụ sở tại thị trấn Khâm Đức, Phước Sơn). Tháng 8/2019, giấy phép đã hết thời hạn thăm dò. Từ đó đến nay, Công ty TNHH Nguyên Thành Đạt phớt lờ các thủ tục hồ sơ có liên quan, không thực hiện báo cáo đánh giá kết quả thăm dò trữ lượng. Lợi dụng điều này, nhiều đối tượng đã lén lút khai thác vàng trái phép. Công ty TNHH Nguyên Thành Đạt đồng ý di dời tài sản, máy móc ra khỏi khu vực được cấp phép, song với việc đóng cửa mỏ, lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng, Công ty không thể thực hiện…

Tương tự, mỏ vàng Bồng Miêu (huyện Phú Ninh) cũng trở thành điểm nóng khai thác trái phép, bởi mỏ vàng này vẫn chưa được đóng cửa. Theo báo cáo tài chính, tổng tài sản của Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu là hơn 302 tỷ đồng, trong khi tổng nợ doanh nghiệp này phải trả hơn 1.200 tỷ đồng. TAND tỉnh Quảng Nam đã thông qua nghị quyết về phương án phá sản đối với doanh nghiệp này. Với việc thông qua phương án phá sản, doanh nghiệp này sẽ bị thanh lý tài sản để trả cho các chủ nợ, nhưng trên thực tế, tài sản của công ty này không còn đáng giá. Sau khi tuyên bố phá sản, công ty này hầu như không còn hoạt động nào để khắc phục hiện trạng.

Trước những bức xúc về môi trường và an ninh trật tự tại bãi vàng Bồng Miêu, cuối năm 2019, HĐND tỉnh Quảng Nam đã quyết định bố trí kinh phí hơn 12,6 tỷ đồng thực hiện đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu.

Trao đổi về công tác quản lý tài nguyên vàng trên địa bàn, ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định, chủ trương của tỉnh là không mỏ rộng khai thác mỏ vàng và sẽ tăng cường kiểm soát các bãi vàng trái phép.

“Việc phục hồi môi trường tại các mỏ vàng còn nhiều bất cập, trong khi kinh phí đóng quỹ của doanh nghiệp thường không đủ để khắc phục môi trường. Tỉnh sẽ xử lý mạnh tay các doanh nghiệp chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính, buộc đóng cửa mỏ nếu để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường”, ông Bửu thông tin.

Với mỏ vàng Bồng Miêu, tỉnh sẽ làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường để có phương án đóng cửa mỏ theo hướng thuận lợi nhất. Tỉnh sẽ có văn bản đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, khảo sát, đánh giá về trữ lượng còn lại của mỏ vàng Bồng Miêu để xem xét, quyết định lựa chọn nhà đầu tư mới tiếp tục thực hiện, trước khi quyết định các thủ tục đóng cửa mỏ để tiết kiệm ngân sách”.

- Ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư