Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 20 tháng 01 năm 2025,
Ô nhiễm không khí gia tăng nguy cơ bệnh tim mạch và tử vong sớm
D.Ngân - 19/01/2025 20:37
 
Ô nhiễm không khí đang trở thành một vấn đề nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là đối với hệ tim mạch.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tiếp xúc lâu dài với các chất ô nhiễm trong không khí, đặc biệt là bụi mịn PM2.5, có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch nghiêm trọng, bao gồm đau tim, đột quỵ và các vấn đề về mạch máu, thậm chí dẫn đến tử vong sớm.

Các nghiên cứu khác cũng cho thấy ô nhiễm không khí làm tăng huyết áp và thúc đẩy sự hình thành các cục máu đông, gây ra huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc thuyên tắc phổi.

Tại Việt Nam, chất lượng không khí cũng đang trong tình trạng báo động. Theo số liệu từ trang IQAir, nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình năm 2023 tại Việt Nam cao gấp 5,9 lần mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Điều này đặc biệt đáng lo ngại ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, nơi mật độ giao thông và công nghiệp cao, góp phần làm tăng mức độ ô nhiễm không khí.

WHO đã cảnh báo rằng, trong bối cảnh ô nhiễm không khí gia tăng, các bệnh tim mạch sẽ trở thành một trong những tác động tiêu cực lớn nhất đối với sức khỏe cộng đồng. Chất lượng không khí kém không chỉ ảnh hưởng đến người trưởng thành mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe của trẻ em và phụ nữ mang thai.

Theo chuyên gia, chất lượng không khí kém khiến cơ thể phải tiếp xúc với nồng độ cao các chất ô nhiễm như ozone (O₃), nitơ dioxide (NO₂), lưu huỳnh dioxide (SO₂), carbon dioxide (CO₂), đặc biệt là bụi mịn PM2.5.

Những chất ô nhiễm này được thải ra từ các hoạt động giao thông, công nghiệp, đốt rác và các công trình xây dựng. Cùng với đó, các yếu tố môi trường khác như biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính cũng làm tăng nồng độ bụi mịn trong không khí.

Các chất ô nhiễm trong không khí, đặc biệt là bụi mịn PM2.5, có thể xâm nhập sâu vào phổi và đi vào máu khi con người hít phải. Chúng có thể gây viêm nhiễm trong cơ thể, làm suy yếu chức năng của mạch máu và thúc đẩy quá trình vôi hóa động mạch.

Những thay đổi này dẫn đến việc hình thành các mảng xơ vữa trong thành mạch, khiến lòng động mạch bị thu hẹp, giảm lưu lượng máu tới các cơ quan quan trọng như tim và não.

Một nghiên cứu của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) cho thấy, tiếp xúc với nồng độ PM2.5 cao trong thời gian dài có thể gây ra các cơn đau tim, tăng nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch và giảm tuổi thọ.

Các nghiên cứu khác cũng cho thấy ô nhiễm không khí làm tăng huyết áp và thúc đẩy sự hình thành các cục máu đông, gây ra huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc thuyên tắc phổi.

Một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, ô nhiễm không khí còn ảnh hưởng đến phụ nữ mang thai. Thai phụ tiếp xúc với các chất ô nhiễm từ khí thải giao thông có nguy cơ cao bị tăng huyết áp, đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sinh non và trẻ sinh ra có cân nặng thấp. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ mà còn có thể gây nguy cơ tử vong cho cả mẹ và bé.

Ngoài ra, trẻ em sống trong các khu vực ô nhiễm cũng dễ gặp phải các vấn đề về tim mạch và sức khỏe nói chung. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và UNICEF, ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây ra khoảng 8,1 triệu ca tử vong toàn cầu vào năm 2021, trong đó hơn 700.000 ca tử vong liên quan đến trẻ em dưới 5 tuổi.

Để giảm thiểu tác động của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe tim mạch, ThS.Trần Quốc Việt, Khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa Khoa Tâm Anh Hà Nội khuyến cáo một số biện pháp thiết thực như sử dụng máy lọc không khí: Máy lọc không khí trong nhà có thể giúp loại bỏ bụi mịn và các chất ô nhiễm khác, giảm thiểu nguy cơ ảnh hưởng đến hệ hô hấp và tim mạch.

Đeo khẩu trang khi ra ngoài: Đặc biệt là trong những khu vực có mật độ giao thông cao hoặc khu vực đang thi công xây dựng, khẩu trang sẽ giúp giảm lượng bụi mịn hít vào cơ thể.

Chế độ ăn uống khoa học: Một chế độ ăn uống cân đối, giàu chất chống oxy hóa từ rau quả như quả mọng, rau xanh, giúp tăng cường sức đề kháng và bảo vệ cơ thể trước tác hại của ô nhiễm không khí.

Tập thể dục đều đặn: Việc rèn luyện thể thao giúp cải thiện sức khỏe tổng thể, giảm căng thẳng và giúp cơ thể chống lại các tác động xấu của ô nhiễm.

Khám sức khỏe định kỳ: Kiểm tra sức khỏe thường xuyên giúp phát hiện sớm các vấn đề tim mạch và đưa ra biện pháp điều trị kịp thời.

Cảnh giác khi ô nhiễm cao: Theo dõi chỉ số chất lượng không khí, đặc biệt khi ô nhiễm đạt mức cao, và hạn chế ra ngoài trời. Đóng cửa sổ và ở trong môi trường có không khí sạch hơn.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, ngoài việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa cá nhân, cộng đồng và chính phủ cũng cần phối hợp để giảm thiểu ô nhiễm không khí.

Các chính sách kiểm soát khí thải từ phương tiện giao thông, công nghiệp và khuyến khích sử dụng năng lượng sạch sẽ giúp bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là các đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em, người già và phụ nữ mang thai.

Ô nhiễm không khí đến mức nguy hiểm, chuyên gia y tế khuyến cáo điều gì?
Chất lượng không khí tại Hà Nội hiện đang ở mức ô nhiễm nghiêm trọng, gây ra những cảnh báo về sức khỏe không chỉ đối với cộng đồng mà...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư