Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 17 tháng 01 năm 2025,
“Ông lớn” ngành thủy sản tìm cơ hội trong gian nan
Hồng Phúc - 27/10/2020 10:35
 
Quyết không để Covid-19 đánh bại, bản lĩnh của lãnh đạo cấp cao trong nhiều doanh nghiệp ngành thủy sản được phát huy.

Họ đã mạnh dạn triển khai hàng loạt giải pháp mà thời không có dịch chưa làm, hướng đến mục tiêu tận dụng tối đa lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do mang lại. 

Dù chịu ảnh hưởng từ Covid-19, nhưng các doanh nghiệp thủy sản quyết không để đình trệ sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Đức Thanh
Dù chịu ảnh hưởng từ Covid-19, nhưng các doanh nghiệp thủy sản quyết không để đình trệ sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Đức Thanh

Động lực “làm sạch” chính mình

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta cho rằng, Covid-19 đã tạo cho Sao Ta động lực “làm sạch” chính mình.

Là doanh nghiệp chiếm khoảng 5% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm cả nước, Sao Ta rút bài học từ sự kiện 11/9/2001 và khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008, quyết không để giao thương đứt gãy, không để tồn kho và không để lô hàng nào bị khách hủy hợp đồng.

Nhận thấy xu hướng gia tăng các ca nhiễm từ đầu tháng 2/2020, doanh nghiệp này đã cho triển khai dọn sạch kho hàng theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Theo đó, Sao Ta bán tất những gì có thể, đồng thời dọn dẹp kho ngăn nắp chuẩn bị cho giai đoạn sắp tới.

Kết quả, cùng với lượng tồn kho giảm ngay 40% so với cùng kỳ năm 2019, Sao Ta còn giảm tiền vay ngân hàng, giảm rủi ro hàng giảm giá khi sức cầu bị ảnh hưởng.

Kế tiếp, họ thường xuyên liên lạc với khách hàng từ các thị trường, đặc biệt các quốc gia tiêu thụ nhiều hàng hóa của Sao Ta.

Nhờ nắm bắt tình hình và đưa ra phương án cho từng đơn hàng, doanh nghiệp này không có lô hàng nào sản xuất dở dang bị khách hàng hủy hợp đồng.

“Việc này giúp chúng tôi không bị kẹt hàng trong kho và kẹt vốn lưu động, giảm thiểu rủi ro, tạo động lực phấn khởi làm việc hơn”, ông Hồ Quốc Lực chia sẻ.

Thêm vào đó, doanh nghiệp này còn dự trữ vật tư như bao bì, bột, dầu chiên,… thậm chí là giấy vệ sinh đủ cho nửa tháng khi dự đoán sẽ có lệnh giãn cách xã hội. Sửa chữa khu căng-tin khang trang, nề nếp hơn.

Chia sẻ về tình hình “sức khoẻ” của doanh nghiệp sau 9 tháng của năm nay, bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hải Nam cho biết, đến lúc này, dù ảnh hưởng chung từ đại dịch, nhưng Hải Nam vẫn sản xuất không nghỉ ngày nào. Doanh số bình quân giảm 10% so với cùng kỳ, song bù lại vẫn sản xuất được nhờ đa dạng thị trường từ EU đến Mỹ, Nhật…

Theo bà Thu Sắc, doanh nghiệp sản xuất thương mại phụ thuộc vào mùa nếu nguyên liệu được đánh bắt từ biển, hoặc phụ thuộc vào vụ khi nuôi trồng. Đại dịch xuất hiện đột ngột, cộng đồng doanh nghiệp nói chung và ngành thủy sản nói riêng ngay lập tức gặp khó khi hàng hóa nhiều mà không bán được, dẫn đến ứ hàng, phải lưu kho bãi, kéo theo gia tăng mức lãi vay ngân hàng, thậm chí xuất hiện những khoản nợ khó trả, nợ xấu.

“Một số doanh nghiệp trong ngành đã thua trận vì Covid-19, nhưng mình phải xoay xở vì có niềm tin, hầu như người dân quốc gia nào cũng ăn hải sản nên vẫn có cơ hội sản xuất”, nhà sáng lập Hải Nam nói.

Bật mí về kinh nghiệm của Hải Nam trong những tháng vừa qua, nữ lãnh đạo này cho biết, doanh nghiệp của bà thực hiện hai hành động cốt lõi nhất.

Thứ nhất, không để bất cứ nhân viên nào nhiễm Covid-19. “Công nhân viên là tài sản vô giá nên bằng mọi cách phải bảo vệ họ và giữ cả mức lương cho họ”, bà Thu Sắc nói.

Thứ hai, là tăng cường sử dụng công nghệ trong kinh doanh. Công ty Hải Nam đã triển khai Hệ thống Quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP). Hải Nam hiện có hơn 30.000 mã thành phẩm, nguyên liệu, bao bì cần chuẩn hóa và chuyển đổi, trung bình một tháng hơn 3.000 đơn hàng bán và hơn 1.500 lệnh sản xuất. Hệ thống này càng phát huy tác dụng trong giai đoạn khủng hoảng, khi giúp các bộ phận liên quan có thể ngay lập tức nhìn thấy những số liệu chuẩn xác như số tồn kho, lỗ lãi từng mặt hàng… Từ đó đưa ra quyết định kịp thời.

“Khi chưa triển khai đồng bộ ERP, số lượng công việc rất nhiều. Nhưng sau khi đưa vào, công việc đơn giản hơn, tiện ích và hiệu quả hơn để doanh nghiệp phát triển bền vững”, bà Thu Sắc chia sẻ thêm.

Chung tay gỡ “thẻ vàng”

Trong quý III/2020, Sao Ta ghi nhận doanh số bán hàng cao kỷ lục trong 25 năm hoạt động, với hơn 6.500 tấn thành phẩm được tiêu thụ (doanh số xấp xỉ 70 triệu USD).

Lũy kế 9 tháng, doanh số đạt 138,2 triệu USD, tăng 16,2% so cùng kỳ năm 2019, cao hơn mức bình quân ngành khoảng 10%. Ban lãnh đạo doanh nghiệp này dự đoán, doanh số năm nay có thể đạt 180 triệu USD.

Khi Covid-19 được kiểm soát, các doanh nghiệp thủy sản sẽ có cơ hội tăng cường xuất khẩu sang EU, nhất là mặt hàng tôm, khi đối thủ tôm tinh chế đến từ Thái Lan chưa có lợi thế về thuế quan như Việt Nam.

Ông Hồ Quốc Lực cho rằng, khi đại dịch được kiểm soát, EU sẽ là thị trường lớn nhất của Sao Ta, khi đối thủ tôm tinh chế đến từ Thái Lan chưa có lợi thế về thuế quan như Việt Nam. Dù vậy, Sao Ta vừa điều chỉnh giảm lợi nhuận trước thuế năm 2020 xuống còn 235 tỷ đồng, thay cho kế hoạch 250 tỷ đồng như Nghị quyết số 18/NQ-ĐHĐCĐ ngày 12/6/2020.

Dự đoán về giai đoạn tới, theo bà Thu Sắc, giá trị xuất khẩu toàn ngành thủy sản năm nay có thể giảm hơn 6% so với năm ngoái.

“Dù có một số lợi thế như thuế quan khi EVFTA đã thực thi, nhưng ít nhất phải đến quý II/2021, ngành thủy sản Việt Nam mới có thể hồi phục”, bà Thu Sắc dự đoán.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), khó khăn và cũng là thách thức lớn nhất của ngành thủy sản Việt Nam là “thẻ vàng IUU” của EU về chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo từ tháng 10/2017 đến nay.

Dự kiến tuần sau, VASEP sẽ tổ chức Hội nghị đánh giá 3 năm triển khai Chương trình doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác IUU, nhằm hướng tới xây dựng nghề cá Việt Nam phát triển bền vững.

“Nghề cá Việt Nam mang đặc thù là nghề cá nhân dân, nên tàu, thuyền nhỏ, không quen với báo cáo, ghi chép. Phải gỡ được thẻ vàng thì EVFTA mới được tận dụng tuyệt đối. Giải pháp cần được thực hiện đồng bộ từ các thành tố trong chuỗi cung ứng trải dài từ ngư dân khai thác - cảng cá - chủ vựa - doanh nghiệp xuất khẩu - cơ quan nhà nước phụ trách quản lý chuyên môn”, đại diện VASEP nói.

Xuất khẩu thủy sản có tín hiệu phục hồi, cả năm có thể đạt 8,3 tỷ USD
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), xuất khẩu thủy sản đang phục hồi vào quý III và quý IV, kết quả cả năm 2020 sẽ đạt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư