Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát: Người không nhìn vào ngắn hạn
Hoàng Minh - 18/12/2019 16:07
 
Tháng 11/2019 đã điểm thêm nét son mới trong lịch sử phát triển của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoà Phát ở ngành thép khi chạm con số bán hàng 300.000 tấn thép xây dựng/tháng.
Hỏi - đáp với Sao Đỏ 2000 Trần Đình Long.
Sao Đỏ 2000 Trần Đình Long.

Nếu thị trường có sập, Hòa Phát sẽ là người chết cuối cùng

Mặc dù con số 300.000 tấn thép tiêu thụ trong tháng 11/2019 được lý giải là do hoạt động thi công xây dựng dự án cuối năm bước vào giai đoạn cao điểm với nhu cầu khu vực dân dụng tăng, nhất là tại khu vực phía Nam, hay việc giá bán thép xây dựng thời gian qua tăng nhẹ cũng kích thích các đại lý lấy hàng nhiều hơn, song những người làm thép đều hiểu rằng, thị phần của Hòa Phát đang tiếp tục phình to, nhanh hơn mức tăng trưởng của toàn ngành.

Được xem là nhà lãnh đạo có chiến lược kinh doanh thận trọng, chắc chắn và có tầm nhìn xa, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát cũng rất nổi tiếng với câu nói: “Nếu thị trường có sập, Hòa Phát sẽ là người chết cuối cùng”. Lý giải cho điều này, ông Long nói, nguyên tắc của Hòa Phát không phải là tính lúc mọi sự đang thuận, mà phải tính lúc thị trường xấu nhất, thấp nhất mà mình vẫn sống được và khi tìm được phương án tốt rồi mới quyết định đầu tư.

Nhìn vào thực tế phát triển của Hòa Phát trong lĩnh vực thép cùng các con số doanh thu, lợi nhuận mà mảng kinh doanh này đang đóng góp cho cả Tập đoàn, câu nói trên còn cho thấy những cách thức và khả năng mà Hoà Phát có thể làm được trong cuộc chiến giành thị phần và đối thủ không dễ để đối trọng lại với thời gian dài.

Liên tục từ những năm 2000, thị phần sản phẩm thép xây dựng và ống thép của Hòa Phát luôn vững vàng ở vị trí số 1. Ở thời điểm tháng 10/2019, thị phần thép xây dựng Hòa Phát đạt 25% và ống thép Hòa Phát đạt 31%.

Hiện tại, Dự án Khu liên hợp gang thép Hoà Phát - Dung Quất có quy mô 4 triệu tấn/năm đã hoàn tất đầu tư 70%, lò cao số 1 đã đi vào vận hành thử nghiệm. Khi chính thức đi vào hoạt động đồng bộ từ năm 2020, thị phần thép Hòa Phát được kỳ vọng sẽ còn áp đảo thị trường hơn nữa.

Với việc đầu tư bài bản và có tầm nhìn xa cho lĩnh vực được coi là “bánh mỳ của công nghiệp”, Hòa Phát giờ đây đang bước vào giai đoạn trưởng thành để chuẩn bị cho những bước tăng tốc mới.

Lẽ dĩ nhiên, để có được bước trưởng thành như hôm nay còn là cả một quá trình tích lũy về nhân lực, khoa học kỹ thuật, công nghệ, cũng như quản trị, tiềm lực tài chính.

Ông Long và các cộng sự lập ra Hòa Phát từ ngày đầu vẫn luôn tâm niệm rằng, không bỗng dưng sau một đêm có thể trở thành một công ty lớn, cho dù đổ bao nhiêu tiền và thuê nhiều người làm.

Làm vì đam mê

“Quyết là làm và làm là phải tới cùng” chính là cách làm việc của ông Trần Đình Long. Vị doanh nhân Sao Đỏ này có lần đã rất thẳng thắn chia sẻ: “Chúng tôi làm không phải là để cuối ngày nhìn lại những con số trên bảng chứng khoán hay trong két sắt. Nói như vậy không phải vì khiêm tốn gì đâu, mà đó là sự thật”.

Thương hiệu Hòa Phát đã và đang là cái tên uy tín trên thị trường khi nằm trong Top 50 doanh nghiệp lớn nhất và hiệu quả nhất Việt Nam, Top 10 Công ty tư nhân lớn nhất Việt Nam. Nhiều năm liền, Hòa Phát được lựa chọn là Thương hiệu Quốc gia, Top Thương hiệu mạnh nhất Việt Nam; Sao Vàng Đất Việt, Top 50 Công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam; Top 20 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, Top 50 doanh nghiệp niêm yết của Forbes…

Tự nhận “là người hành động, giải quyết công việc nhanh, luôn nhìn về phía trước và không hài lòng với những gì mình đang có”, nên chuyện làm “hùng hục” và cống hiến hết mình là điều “ông vua thép” đòi hỏi ở những cộng sự của mình.

Xác định “đứng lại là chết, đi chậm cũng chết”, ông Long cùng các đồng nghiệp, cộng sự của mình đã không ngừng đổi mới và nâng tầm Hòa Phát từ khi khởi nghiệp đến nay. Từ một công ty nhỏ chuyên buôn bán các loại máy xây dựng, Hòa Phát tấn công vào ngành thép và trở thành tên tuổi lớn trong lĩnh vực này. Không dừng lại đó, Hòa Phát tiếp tục đá chân sang bất động sản, điện lạnh, nội thất rồi làm nông nghiệp…

Với các bước đi thận trọng nhưng táo bạo, chiến lược của Hoà Phát về nông nghiệp cũng được xác định không nhìn trong ngắn hạn, lấy lợi nhuận của ngành trước đầu tư ngành hàng sau. Bởi vậy, vị doanh nhân này cũng thẳng thắn chia sẻ với các nhà đầu tư rằng, “đòi hỏi có lãi ngay thì không có” và “nếu nhà đầu tư chỉ đầu tư ngắn hạn thì không ở được với Hoà Phát".

Không chỉ chấp nhận khó khăn, thách thức đến với mình bởi muốn thành công phải "nhìn thấy cơ hội trong khó khăn", điều mà doanh nhân Trần Đình Long tâm niệm còn là để doanh nghiệp lớn và phát triển mạnh mẽ thì phải "làm đúng" và "làm tốt".

"Giá trị của Hòa Phát là đã bước chân vào ngành nào là phải làm tốt nhất. Đó thực ra là "sức cạnh tranh". Làm ngành gì cũng phải quyết tâm đủ lớn, thì mình có thể làm tốt nhất, nếu không được nhất, cũng phải được "gần như là nhất", khi đó phần thưởng sẽ tự đến.

Sau 27 năm khởi nghiệp với mục tiêu ban đầu đơn giản chỉ là để kiếm sống, giờ đây, ở một tầm vóc mới, quy mô mới, Hoà Phát đang đặt mục tiêu sẽ trở thành một cái gì đó có ý nghĩa, có sức cạnh tranh trên thế giới và đóng góp cho đất nước.

Để thực hiện được mục tiêu này trên chặng đường phía trước, câu chuyện hoà hợp cùng phát triển tiếp tục được ông Long nêu cao.

Đó không chỉ là sự hòa hợp về lợi ích giữa các thành viên trong Hòa Phát, mà là sự hòa hợp với lợi ích của khách hàng, đối tác, cộng đồng xã hội để hướng tới sự phát triển bền vững.

Hỏi - đáp với Sao Đỏ 2000 Trần Đình Long.

Lợi thế ông quan tâm khi quyết định đầu tư vào Dự án Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất là gì?

Dự án này có nhiều lợi thế lắm, đặc biệt về logistics. Thép có đặc điểm là giá rẻ, đồ thô, to, nên yếu tố logistics, vận tải là quan trọng hàng đầu và Dung Quất có lợi thế rất lớn về điều này.

Xét về lợi thế tương đối, dự án này nằm ở khu vực miền Trung, nên việc điều phối 2 miền sẽ thuận lợi hơn. Chúng tôi đã mua xong cảng ở Đồng Nai, rồi mua một cảng ở phía Bắc nữa để làm hệ thống giao thông theo chu trình khép kín cho nhà máy.

Có gì đặc biệt ở dự án này?

Đến với dự án này, mọi người sẽ thấy, dù là khu luyện thép, nhưng không thể nhìn ra một chút quặng nào. Tất cả sẽ chạy trong băng tải kín, nối từ tàu vào lò cao để cho ra thép. Công nghệ như vậy không chỉ sạch về môi trường, mà còn giảm bớt được rất nhiều chi phí.

Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu 100.000 tỷ đồng vào năm 2020 - tăng gấp 2,5 lần năm 2016 là thận trọng hay táo bạo?

Chúng tôi đặt khẩu hiệu “Tầm vóc mới - Sức mạnh mới”. Nghe có vẻ hơi hô khẩu hiệu, nhưng con số 100.000 tỷ đồng sẽ là mức doanh thu tối thiểu chúng tôi dự kiến đạt được.

Doanh thu của Hòa Phát bây giờ là 40.000 tỷ đồng, nên khi có Dung Quất với 4,5 triệu tấn thép năm 2020, thì chúng tôi có thêm 60.000 tỷ đồng nữa, chưa kể các ngành khác của Hoà Phát như tôn mạ màu, ống thép… cũng tiếp tục phát triển thêm.

Vì thế, mục tiêu doanh thu tăng gấp hơn 2,5 lần vào năm 2020 là một kế hoạch thận trọng. Thị phần thép của Hoà Phát lúc đó sẽ vào khoảng 30%.

Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long: Làm nông nghiệp đừng mong lời nhanh
Thu về hơn 3.000 tỷ đồng lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm, song riêng mảng nông nghiệp lại đang lỗ khiến nhiều cổ đông của Hòa Phát băn khoăn lo...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư