Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Petrovietnam đã nộp ngân sách hơn 66.000 tỷ đồng
Hoàng Minh - 06/07/2022 09:17
 
Trong 6 tháng đầu năm, huy động khí cho sản xuất điện trong nước vẫn ở mức thấp so với kế hoạch; nhu cầu, giá phân bón đang sụt giảm…

Ngày 5/7, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã tiến hành giao ban điều hành sản xuất, kinh doanh thường kỳ tháng 7/2022 trực tuyến với thủ trưởng các đơn vị trong toàn Tập đoàn về kết quả sản xuất kinh doanh tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2022; đồng thời cập nhật mục tiêu, giải pháp điều hành thực hiện các nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm.

Trong 6 tháng qua, tình hình thế giới có nhiều biến động lớn, nhanh, phức tạp. Cuộc chiến ở Ukraine đã cản trở sự phục hồi mong manh của toàn cầu, đẩy giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu, năng lượng tăng cao, tăng trưởng chậm lại và làm trầm trọng thêm áp lực lạm phát trên toàn thế giới. 

Những bất ổn địa chính trị và kinh tế làm giảm niềm tin kinh doanh và đầu tư, đồng thời làm suy yếu thêm triển vọng kinh tế ngắn hạn. Ngày càng nhiều ngân hàng trung ương buộc phải siết chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát, tuy nhiên, điều này đang khiến nền kinh tế toàn cầu đối mặt với rủi ro suy thoái hiện hữu.

Tốc độ tăng trưởng ngành sản xuất trên toàn cầu chậm lại khi các biện pháp phòng dịch Covid-19 của Trung Quốc - công xưởng thế giới, cùng với xung đột tại Ukraine đã làm gián đoạn các chuỗi cung ứng hàng hóa, khiến lạm phát gia tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm qua.

Tình hình thế giới đã và sẽ tác động không nhỏ đến nhiều mặt hoạt động của Petrovietnam như việc tăng giá và gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào, vật tư, thiết bị; áp lực lạm phát, đặc biệt là “lạm phát nhập khẩu”; các vấn đề thương mại, đầu tư, rủi ro tài chính, tiền tệ, lãi suất tăng, giá xăng dầu khó đoán định… Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm, huy động khí cho sản xuất điện trong nước vẫn ở mức thấp so với kế hoạch; nhu cầu, giá phân bón đang sụt giảm…

Trong bối cảnh đó Petrovietnam vẫn đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Khai thác dầu thô tháng 6 đạt 0,9 triệu tấn, vượt 23% kế hoạch tháng 6, tính chung 6 tháng đạt 5,48 triệu tấn, vượt 23% kế hoạch 6 tháng và bằng 63% kế hoạch năm 2022; bằng 100% so với cùng kỳ năm 2021.

Sản lượng khai thác dầu 6 tháng vượt cao so với kế hoạch do đa phần các mỏ khai thác chủ lực đạt hệ số thời gian hoạt động cao; công tác quản trị sản lượng khai thác tại các lô/mỏ chủ lực của toàn Tập đoàn được tăng cường tối đa, áp dụng hiệu quả, kịp thời các giải pháp/biện pháp kỹ thuật gia tăng sản lượng.

Cùng với đó, sản xuất xăng dầu 6 tháng vượt 14% kế hoạch, sản xuất đạm vượt 8% kế hoạch, sản xuất, cung ứng khí, điện, các sản phẩm năng lượng khác đều ở mức cao, đáp ứng tối đa nhu cầu thị trường; tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của Tập đoàn trong góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, bình ổn thị trường.

Đây là kết quả rất quan trọng trong điều kiện suy giảm sản lượng khai thác tự nhiên ở tất cả các mỏ dầu khí do đã khai thác quá lâu, trong khi hệ số bù trữ lượng không đảm bảo do thời gian qua việc đầu tư phát triển mỏ mới gặp nhiều vướng mắc về cơ chế. 

Nhờ hoạt động sản xuất kinh doanh duy trì ổn định, trong 6 tháng đầu năm, Petrovietnam đạt được các chỉ tiêu tài chính rất tích cực, tiếp tục đà tăng trưởng, đóng góp đáng kể cho ngân sách Nhà nước.

Tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 468.300 tỷ đồng, vượt 2 lần so với kế hoạch 6 tháng, đạt 84% kế hoạch năm và tăng 55% so với cùng kỳ 2021.

Nộp ngân sách toàn Tập đoàn đạt 66.100 tỷ đồng, vượt 2,2 lần so với kế hoạch 6 tháng, hoàn thành và vượt 2% kế hoạch năm 2022 và tăng 41% so với cùng kỳ 2021. Kết quả sản xuất kinh doanh của Tập đoàn được sự ghi nhận, đánh giá cao của Chính phủ.

Nhận định trong 6 tháng cuối năm, bên cạnh những khó khăn thì cơ hội cũng rất lớn, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh mục tiêu quan trọng, chỉ đạo quyết liệt, nhất quán trong năm 2022 của Tập đoàn là nỗ lực duy trì sản lượng khai thác, tận dụng cơ hội giá dầu để tăng cường đóng góp cho kinh tế đất nước, bù đắp cho nhiều ngành kinh tế đang suy giảm.

"Đây là nhiệm vụ rất thách thức trong bối cảnh suy giảm sản lượng tự nhiên hằng năm 5-8%. Đồng thời phải đảm bảo tuyệt đối công tác an toàn trong sản xuất; thúc đẩy công tác đầu tư, gia tăng sản lượng; theo sát, đảm bảo các mốc tiến độ các dự án trọng điểm; tăng cường liên kết, hỗ trợ lẫn nhau trong chuỗi hoạt động từ thượng nguồn đến hạ nguồn", ông Vượng nói. 

Về phía Ban điều hành, Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh các động lực để Petrovietnam đạt được kết quả tích cực trong 6 tháng đầu năm. Trong đó, bên cạnh yếu tố thuận lợi từ thị trường thì động lực rất quan trọng là phát huy hiệu quả quản trị, quản trị biến động, nắm bắt xu hướng, quản trị giá vốn, triển khai liên kết chuỗi, quản trị danh mục đầu tư, đặc biệt là dự báo, đánh giá phù hợp với diễn biến thị trường.

Tổng giám đốc Tập đoàn đề nghị tiếp tục phát huy hiệu quả các động lực tăng trưởng, bám sát thị trường, kinh tế vĩ mô, xây dựng các kịch bản điều hành, nỗ lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh những tháng còn lại của năm 2022, đặc biệt là khi các điều kiện thuận lợi ít đi.

Lãnh đạo Petrovietnam cũng đặt nhiệm vụ cho thời gian tới là duy trì giao ban ở các lĩnh vực hoạt động để thúc đẩy giải quyết các khó khăn, vướng mắc, cũng như triển khai các chỉ đạo của cấp trên, giải quyết hiệu quả các vấn đề chung trong từng mảng hoạt động; Tìm các giải pháp khác nhau để duy trì sản lượng khai thác, đảm bảo không thấp hơn so với năm 2021; Mở rộng phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là thị trường tiêu thụ khí ngoài điện; Tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động SXKD, đầu tư của các đơn vị trong Tập đoàn; Rà soát, thúc đẩy triển khai các chuỗi liên kết; Đẩy mạnh việc đưa chuyển đổi số vào thực tế, tạo những thay đổi tích cực về mô hình kinh doanh, mô hình quản trị, nâng cao hiệu quả hoạt động...

Nhiều nhà đầu tư muốn hợp tác với Petrovietnam về điện gió ngoài khơi
AES, CIF hay RENOVA đã có những hành động cụ thể nhằm cùng Petrovietnam phát triển điện gió ngoài khơi.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư