Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Phát hiện quảng cáo thực phẩm chức năng như thuốc, Cục An toàn thực phẩm cảnh báo người dùng
D.Ngân - 02/12/2022 12:41
 
Theo Cục An toàn thực phẩm, thời gian qua cơ quan này liên tiếp cảnh báo và xử phạt về hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm như thuốc chữa bệnh.

Thông tin từ Cục An toàn thực phẩm cho hay cơ quan này phát hiện sản phẩm Pharmekal ® Triple strength Glucosamine 1500MG gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh, vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm.

Theo Cục An toàn thực phẩm, thời gian qua cơ quan này liên tiếp cảnh báo và xử  phạt về hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm như thuốc chữa bệnh.

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Pharmekal ® Triple strength Glucosamine 1500MG do Công ty TNHH Văn Duy Phương (địa chỉ trụ sở chính: số 8 đường số 10A, khu dân cư Trung Sơn, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM) công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm.

Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, xử lý theo quy định hiện hành. 

Ngoài sản phẩm nêu trên thì Cục An toàn thực phẩm còn phát hiện sản phẩm GENERAL BALANCE ROCKET POWER đang được quảng cáo trên một số trang mạng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh, vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm.

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe GENERAL BALANCE ROCKET POWER do Công ty TNHH GCOOP Việt Nam (địa chỉ trụ sở chính: tầng 1-tầng 2, tòa nhà chung cư cao tầng CT1-CT2 (Green Park), phố Dương Đình Nghệ, phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm.

Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, xử lý theo quy định hiện hành các sản phẩm nêu trên. Kết quả xử lý, Cục An toàn thực phẩm sẽ công khai trên website của Cục tại địa chỉ: https://vfa.gov.vn/ và cổng công khai y tế tại địa chỉ https://congkhaiyte.moh.gov.vn/.

Cơ quan này cũng khuyến cáo người dùng không mua và sử dụng các sản phẩm trên đường link nêu trên để quyết định mua và sử dụng sản phẩm nêu trên vì có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế

Cũng về thực phẩm bảo vệ sức khỏe, sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Hạ Khiết Vương đã cố tình vi phạm quy định xử phạt hành chính.

Cụ thể, trước đó, ngày 28/7/2022, Cục An toàn thực phẩm đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 32/QĐ-XPVPHC đối với Công ty TNHH thương mại và dịch vụ RBG Việt Nam (địa chỉ: Số 33, ngõ 199, đường Hồ Tùng Mậu, phường Cầu Diễn, Nam Từ Liêm, Hà Nội) vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Hạ Khiết Vương trên trang https://www.hakhietvuong.net và nền tảng youtube.com, với số tiền phạt: 95.000.000 đồng. 

Ngoài hình thức xử phạt chính, Công ty TNHH thương mại và dịch vụ RBG Việt Nam bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 9662/2021/ĐKSP ngày 20/10/2021 đối với sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Hạ Khiết Vương 04 tháng (từ 28/7/2022 đến ngày 28/11/2024); 

Đồng thời tước quyền sử dụng Giấy xác nhận nội dung quảng cáo số 3062/2021/XNQC-ATTP ngày 04/11/2021 đối với sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Hạ Khiết Vương 22 tháng (từ 28/7/2022 đến ngày 28/4/2024).

Tuy nhiên, hiện nay qua rà soát, kiểm tra trên môi trường mạng, hiện tại có 3 đường links vẫn đang quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Hạ Khiết Vương.

Cục An toàn thực phẩm đã chuyển các đường link vi phạm quảng cáo đến Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công thương để yêu cầu tháo gỡ quảng cáo.

Trong quá trình cơ quan chức năng xử lý, Cục An toàn thực phẩm đề nghị người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo sai sự thật trên đường link nêu trên để quyết định mua và sử dụng sản phẩm vì có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế.

Những năm gần đây, thị trường thực phẩm chức năng tại Việt Nam đang là một mảnh đất màu mỡ để nhiều doanh nghiệp tập trung sản xuất, kinh doanh, kéo theo hàng loạt chiêu trò buôn bán. 

Trong đó, đáng quan ngại nhất là tình trạng quảng cáo thổi phồng công dụng, khiến người tiêu dùng nhầm lẫn với thuốc điều trị, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng.

Hiện cả nước có hàng trăm doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng cung cấp ra thị trường khoảng 12.000 sản phẩm. Tuy vậy, người dân vẫn còn mơ hồ đối với các sản phẩm thực phẩm chức năng là do các sản phẩm thật - giả tràn lan trên thị trường, một số cá nhân thổi phồng lợi ích sản phẩm, lừa dối người tiêu dùng...

Theo Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam (VAFF), thực phẩm chức năng là sản phẩm hỗ trợ các chức năng của các bộ phận trong cơ thể, có hoặc không có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm nguy cơ và tác hại bệnh tật.

Các chuyên gia đều cho rằng, hiện thực phẩm chức năng không còn quá xa lạ với nhiều người. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ, nhất khi việc quảng cáo về các thực phẩm chức năng đi quá xa so với hiệu quả thực tế. Không phải dùng càng nhiều thực phẩm chức năng là càng tốt. 

Nếu vượt quá khả năng chuyển hóa, đào thải của cơ thể, có thể dẫn đến tình trạng mệt mỏi, rụng tóc, đau quặn ở dạ dày, nôn ói, tiêu chảy, thậm chí tổn thương nhẹ dây thần kinh... 

Thực phẩm chức năng không thể thay thế thuốc điều trị. Nếu dùng thực phẩm chức năng thay cho thuốc điều trị sẽ làm bệnh không kiểm soát và gây những hậu quả nặng nề khác.

Liên tục cảnh báo thực phẩm chức năng quảng cáo sai sự thật
Cục An toàn thực phẩm cảnh báo người tiêu dùng thực phẩm bảo vệ sức khỏe Xuyên Tâm Liên Phạm Gia và An Khánh Đan LMD quảng cáo sai sự thật.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư