Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Phía sau tấm khẩu trang là…
Dương Ngân - 02/05/2022 08:16
 
Dịch Covid-19 đã tạm qua đỉnh, nhưng chúng ta sẽ không quên cuộc chiến khốc liệt này và vết hằn sâu trên khuôn mặt của các cán bộ y tế khi họ cởi bỏ chiếc khẩu trang.
Trong đại dịch, phía sau chiếc khẩu trang là nhiệt huyết thanh xuân và trái tim ấm nóng, giàu tình thương của những người mặc blouse trắng

Ngoài những giọt nước mắt tiếc nuối...

Sau hơn 2 năm kiên cường chiến đấu, khi hành trình chống dịch cam go tạm lùi sau, đến giờ khi nhớ lại nhiều chiến sĩ áo trắng vẫn không thể hiểu bằng cách nào mà họ đã có thể đi qua những tháng ngày đại dịch Covid-19 khốc liệt, đen đặc những biến cố như vậy.

Giữa năm 2021, khi dịch nóng bỏng tại phía nam Tổ quốc, hàng ngàn cán bộ y tế đã viết thư tình nguyện lên đường chống dịch. Có những bác sĩ đã viết đến 3 bức tâm thư tha thiết xin vào TP.HCM chống dịch. Đó là quãng thời gian khó khăn, nhưng nghĩa tình, mà các anh, các chị không bao giờ quên được.

Trong tâm dịch từ Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Đà Nẵng và đến TP.HCM và các tỉnh miền Tây, các anh, các chị đã trải qua có những phút giây sợ hãi khi cường độ công việc quá lớn, nguy cơ quá cao, có thể lây nhiễm bất cứ lúc nào trong khi bệnh nhân nặng cứ ồ ạt được chuyển đến, có những bệnh nhân quá yếu không thể khai thác được thông tin, không có giấy tờ tùy thân và cả những bệnh nhân thoi thóp thở khi tuổi đời còn quá trẻ, những em bé miệng còn thơm mùi sữa, những sản phụ mê sảng không ngừng ôm bụng gọi tên con thơ.

Hàng ngày, hàng giờ các nhân viên y tế phải đối diện với nỗi ám ảnh khi trên người là bộ quần áo bảo hộ nóng bức, những chiếc khẩu trang thít chặt vào tai, vào mặt, vào đầu, để lại những vết hằn mỗi ngày một thêm sâu. Họ cũng run rẩy khi phải tự tay chụp ảnh khuôn mặt của bệnh nhân không qua khỏi để làm giấy báo tử cho bệnh nhân. Còn rất nhiều, rất nhiều những áp lực khác khiến các chiến binh áo trắng đã ngã xuống, không ít người rơi vào trạng thái trầm cảm, kiệt quệ tinh thần và thể chất. Tuy vậy, sau tất cả, mỗi y, bác sĩ trong tâm dịch như một mảnh ghép để trả về cuộc sống muôn màu bức tranh hoàn chỉnh, sinh động.

Là một bác sĩ đã đi qua nhiều trận chiến đấu với Covid-19, bác sĩ Đỗ Tuấn Anh, Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ những cảm xúc khó có thể kể hết được bằng lời. Đó là nhiệt huyết khi vào miền Nam chi viện, nhưng ở đó cũng đầy sự đau thương, tiếc nuối khi không ít bệnh nhân mắc Covid-19 đã ra đi trước sự bất lực của các y bác sĩ.

Kể lại quá trình vào chi viện cho Bệnh viện Dã chiến số 16 tại TP.HCM, nam bác sĩ nhớ lại, dù làm việc với cường độ cao, không có thời gian ngơi nghỉ song nhìn thấy ánh mắt khao khát được sống của bệnh nhân, sự mỏi mệt về thể xác nhường chỗ cho sức mạnh tinh thần.

Những ngày tháng chi viện cho TP.HCM, với bác sĩ Tuấn Anh là từng đó thời gian ngày đêm vật lộn tại khu hồi sức tích cực với đầy đủ các cung bậc cảm xúc buồn, vui, hồi hộp, lo lắng, thậm chí stress, mất ngủ.

Để phối hợp điều trị kịp thời, các anh lập ra nhiều nhóm Zalo, kết nối với nhiều chuyên gia trong lĩnh vực y học. Mỗi ngày điện thoại rung liên tục, hội chẩn chuyên môn bất kể giờ giấc, tranh luận chuyên môn thâu đêm nhằm tìm giải pháp tốt nhất có thể để cứu sống bệnh nhân.

Tiếp xúc nhiều với bệnh nhân nặng, đồng cảm và thấu hiếu với họ nên chỉ cần nhìn ánh mắt, vẫy tay hay ký hiệu là biết bệnh nhân cần anh làm gì cho họ. Đó có thể là muốn uống nước, lấy hộp sữa...

Trải qua hầu hết các điểm nóng Covid-19 từ Bắc tới Nam, bác sĩ Trần Thanh Linh, Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy coi cuộc chiến chống dịch tại TP.HCM là trận chiến lớn nhất trong cuộc đời, song anh cũng mong rằng, đây là trận chiến cuối cùng, bởi áp lực gây ra cho các y, bác sĩ là quá lớn.

Một ngày làm việc, bên cạnh việc quay cuồng cứu chữa các bệnh nhân nặng, anh và đồng đội của mình liên tục phải nghe cuộc gọi kêu cứu từ các bệnh viện tầng dưới, của bệnh nhân bên ngoài chưa tiếp cận được cơ sở y tế. Trong đó, có nhiều bệnh nhân đói khí (thiếu ô-xy) hay bệnh nhân tử vong, cô đơn không có người thân bên cạnh.

Tại các trung tâm hồi sức, điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng, nhân viên y tế chính là những cái phao cứu sinh cuối cùng hay như là tảng đá lặng lẽ giữa biển cả mênh mông mà bầy chim thiên nga khi vượt biển cố bay tới và để đỗ lại phút chốc nhằm lấy sức trước khi lại tiếp tục hành trình vạn dặm qua biển khơi đến bờ bên kia đại dương.

Trước khi là một bác sĩ, cũng như nhiều người bác sĩ Linh là một người cha. Đại dịch ập đến khiến cuộc sống bị của người dân bị đe dọa. Bản thân anh, khi đã khoác trên mình chiếc áo blouse trắng thiêng liêng thì việc lên tuyến đầu không chỉ là nghĩa vụ, mà đó còn là tình yêu của người bác sĩ với bệnh nhân của mình.

Tuy vậy, là một người cha anh vẫn không nguôi cảm giác áy náy với con thơ, bởi hơn 2 năm qua, từ khi đại dịch bùng phút, dù số ngày được ở bên gia đình trọn vẹn chỉ đếm được trên đầu ngón tay, bác sĩ Linh day dứt vì không thể cầm tay con thời khắc thiêng liêng khi con bước chân vào lớp 1. 

Còn có cả những nụ cười hạnh phúc

Với Ths. BS Trần Nam Chung, Phó trưởng Khoa Cơ xương khớp (Bệnh viện E) - người có “thâm niên” chống dịch tại TP.HCM, ngoài những đau thương, mất mát đã được nhắc tới nhiều, thì sau lớp khẩu trang, ngoài những giọt mồ hôi mặn chát, các anh cũng có những nụ cười hạnh phúc khi được cầm những đôi bàn tay ấm nóng của bệnh nhân ngày họ ra viện.

“Và đặc biệt nhất, đó là niềm vui khi chứng kiến tiếng khóc chào đời của những trẻ sơ sinh trong khu hồi sức Covid-19, cùng với đó là nụ cười của sản phụ mới sinh. Những hình ảnh này quá đỗi xúc động, nó đã dần đẩy lùi những cảm xúc đau thương vào một góc khuất trong tim mỗi người”, bác sĩ Chung trải lòng.

Với kinh nghiệm sẵn có cùng bản lĩnh nghề nghiệp, quyết tâm không bỏ cuộc trước sự sống của người bệnh, bác sĩ Trần Thanh Linh đã cứu được nhiều ca bệnh khó, từ những cụ già thoát khỏi trọng bệnh đến các thai phụ bảo toàn tính mạng cả mẹ và con hay những bạn trẻ được tiếp tục ước mơ thanh xuân phơi phới. Mỗi khi tiễn bệnh nhân ra viện với ánh mắt hạnh phúc là động lực tinh thần giúp anh và các đồng nghiệp trụ vững qua những ngày gian khó, có lúc tưởng chừng gục ngã.

Thấm thoắt thoi đưa đất nước đã trải qua 3 mùa hè nóng bỏng nơi chiến trường không tiếng súng- chiến trường của những chiến sĩ áo trắng đang ngày đêm chiến đấu chống lại Covid-19 bằng ngọn lửa nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm, không ngại gian khó.

Ký ức chống dịch tại TP.HCM với những cán bộ y tế như một khoảnh khắc vĩnh viễn không thể xóa nhòa, bởi nó đã đánh dấu một chặng đường giông bão khốc liệt, đau thương song hành cùng hạnh phúc, tuyệt vọng xen lẫn với niềm tin, bi tráng hòa quyện cùng tự hào. Và trên tất cả, đó là tình người, tình đồng bào thấm đẫm trong từng bước chúng tôi hành quân cùng thành phố đi qua cơn bão dịch.

Trải qua cuộc chiến khốc liệt nơi tâm dịch, giờ đây khi trở lại công việc thường ngày những chiến sĩ áo trắng thấy vô cùng hạnh phúc được làm nghề, được hít thở trong một bầu không khí trong lành, không còn phải mệt nhoài dưới bộ đồ bảo hộ kín mít, những tấm kính chống giọt bắn khô khốc.

Đã từng chứng kiến cả xã hội phải giãn cách, mọi hoạt động bị đình trệ, khi được hỏi về cảm xúc khi đang ở trong những ngày tháng “tạm yên” hiện nay bác sĩ Trần Nam Chung cho rằng, không mong cầu những điều lớn lao, phi thường, anh chỉ muốn được tiếp tục khoác trên mình chiếc áo bouse trắng, được khám bệnh, cứu người và sẵn sàng lên tuyến đấu nếu Tổ quốc gọi và nhân dân cần.

Nam bác sĩ Đỗ Tuấn Anh của Bệnh viện Bạch Mai thì cho rằng, đại dịch ập đến khiến những điều tưởng chừng bình thường lại trở thành thứ vô cùng quý giá, đó là cảm giác được thở. Đôi khi cứ tưởng rằng, giá trị của cuộc sống hiện tại cấu thành từ những điều thật lớn lao làm cho ta quên đi những điều rất nhỏ trong đời thường.

“Nếu như trước kia tôi luôn mơ ước rất nhiều điều viễn vông thì khi trải qua các đợt dịch bệnh, ước mơ của tôi chỉ đơn giản là được sống, được làm thật nhiều việc tốt, giúp ích cho cộng đồng”, bác sĩ Đỗ Anh nói.

Và nếu có phải lên đường chống dịch theo tiếng gọi non sông thì các anh sẽ lại sát cánh bên nhau, làm việc kỷ luật, hiệp đồng tác chiến phối kết hợp chặt chẽ với các đồng nghiệp, các lực lượng, mỗi người quyết hoàn thành nhiệm vụ được phân công, tất cả cùng trên một chiến tuyến với tinh thần hào khí "Đông A".

Để rồi từ đó giai điệu dịu dàng da diết của bài hát Hà Nội, trái tim hồng: Người Hà Nội hôm nay ra đi, Mang theo mình bao nhiêu nỗi nhớ, Những ánh đèn qua ô cửa sổ, Bầu trời đêm cháy bỏng tình yêu sẽ tiếp tục rong ruổi theo mỗi bước chân các anh, như nói hộ tấm lòng biết bao "người chiến sĩ áo trắng”.

Kết thúc bài viết này, xin được mượn lời ca sĩ Việt Tú và nhạc sĩ Tô Văn trong ca khúc “Những bông hoa nở giữa mùa dịch” với ngôn từ bình dị về những chiến binh áo trắng như là lời tri ân sâu sắc gửi tới các anh, các chị, những nhân viên y tế nơi tuyến đầu trong suốt 2 năm qua:

Đẹp dịu dàng dưới ánh ban mai;

Tỏa ngát hương cho đời không phai sắc;

Đẹp dịu dàng tựa nét tinh khôi

Tỏa ngát hương y đức một đời

Xin được hát về những người chiến sĩ đang khoác trên mình màu áo trắng blouse. Xin được ca ngợi vẻ đẹp của những bông hoa tinh khôi ấy, đang ngày đêm toả ngát hương y đức, toả ngát hương không phai sắc giữa cuộc đời.

Trong đợt dịch thứ 4 (tháng 4/2021 đến nay), ngành Y tế đã huy động gần 30 nghìn giáo sư, y bác sĩ, các cán bộ, nhân viên y tế và sinh viên các trường y dược hỗ trợ các địa hương phòng, chống dịch.

Đặc biệt, hàng trăm nghìn cán bộ y tế thường xuyên, ngày đêm quả cảm nơi tuyến đầu, đối diện hiểm nguy tính mạng, sức khỏe. Đến nay, đã có khoảng 3.000 cán bộ y tế bị nhiễm Covid-19 và hơn 10 trường hợp đã hy sinh, thực sự là những "chiến sĩ áo trắng" dấn thân thực hiện sứ mệnh cao cả của mình.
“Hình ảnh những "chiến sĩ áo trắng" trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt của mùa hè oi bức, dù đã kiệt sức nhưng vẫn quyết bám trụ, chiến đấu với dịch bệnh, tất cả vì sức khỏe của người dân, của cộng đồng, trong đó có cả sự hy sinh tính mạng và sức khỏe của hàng nghìn cán bộ y tế là hình ảnh tiêu biểu và phẩm chất tốt đẹp nhất "thầy thuốc như mẹ hiền" của đội ngũ cán bộ y tế như lời Bác Hồ kính yêu đã dạy”, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long.

“Ở bất kỳ thời kỳ nào, nghề y luôn là nghề cao quý, được xã hội tôn trọng và tôn vinh. Nhiều y, bác sĩ, những chiến binh áo trắng đã can trường, chinh chiến khắp "mặt trận" dã chiến cùng với các đơn vị thiện nguyện, quên mình hỗ trợ cộng đồng trong những lúc gian nan, khó khăn nhất do đại dịch gây ra. Đã có rất nhiều hy sinh được đánh đổi để người dân có cuộc sống an lành”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Cần lắm “Tâm sáng” nơi chiến sĩ áo trắng
Bất kỳ ngành, nghề nào cũng cần lắm chữ “Tâm” và với các y, bác sĩ, đây là điều tối quan trọng giúp họ vượt khó, thực hiện sứ mệnh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư