Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Phó thống đốc Đào Minh Tú: Thị trường bất động sản "nóng" quá hay "lạnh" quá đều tác động tiêu cực tới ngân hàng
Thùy Liên - 06/01/2024 18:00
 
Phó thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, NHNN chưa bao giờ chủ trương “thắt” tín dụng bất động sản bởi nếu không quan tâm đến thị trường bất động sản, ngân hàng là ngành chịu ảnh hưởng đầu tiên.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú
Phó thống đốc Đào Minh Tú.

Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024 của VietinBank tổ chức sáng nay (6/1), Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, năm 2023 là năm “rất đặc thù”, xét ở nhiều góc độ thị trường.

Thứ nhất, thị trường bất động sản trong nước chưa bao giờ trầm lắng như năm qua, một phần do cơ cấu phân khúc và cung – cầu không phù hợp, một phần do nhiều dự án không đầy đủ pháp lý để triển khai. Trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng, nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân là do NHNN thắt chặt tín dụng bất động sản, song thực tế không phải như vậy.

“Chúng tôi đã nhiều lần khẳng định, NHNN chưa bao giờ khẳng định thắt tín dụng bất động sản, ngược lại luôn nhấn mạnh phải quan tâm đến thị trường bất động sản, bởi nếu không quan tâm tới thị trường bất động sản thì ngành ngân hàng chịu ảnh hưởng đầu tiên. Nếu thị trường bất động sản bong bóng thì ngân hàng sẽ hứng nợ xấu lớn, như bài học cách đây 11-12 năm mà đến nay nhiều ngân hàng thương mại vẫn chưa xử lý hết nợ xấu. Ngược lựi, nếu thị trường bất động sản trầm lắng như vài năm qua thì ngân hàng cũng rất khó khăn: tín dụng không tăng được, vốn không quay vòng được, đặc biệt là khi cho vay bất động sản chiếm tới hơn 20% tổng dư nợ nền kinh tế, tài sản thế chấp của ngân hàng cũng hầu hết là bất động sản. Đây cũng là lý do năm 2023, NHNN đã ban hành nhiều văn bản, tổ chức nhiều hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thị trường bất động sản”, Phó Thống đốc phân trần.

Thứ hai, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) - kênh huy động vốn trung, dài hạn của doanh nghiệp - đang chững lại. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp để có vốn đáo hạn TPDN, để bù đắp nguồn vốn thiếu hụt do không thể huy động TPDN đã tìm đến ngân hàng, làm gia tăng áp lực lên kênh tín dụng ngân hàng. Trong bối cảnh đó, NHNN phải bản lĩnh, vững vàng lập trường. Bởi nếu để ngân hàng “gánh” phần TPDN là đồng nghĩa chấp nhận rủi ro do lấy vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, là đồng nghĩa chấp nhận một số doanh nghiệp phát hành TPDN không đúng trước đây.  

“Quan điểm của NHNN là hỗ trợ doanh nghiệp, bởi nếu doanh nghiệp chết thì ngân hàng sống với ai. Song vẫn phải giữ lập trường vững vàng, nếu không các ngân hàng sẽ phải đối mặt với rủi ro trong tương lai”, Phó thống đốc khẳng định.

Thứ ba, về lãi suất, năm 2023, nhiều nước trên thế giới tăng mạnh lãi suất song Việt Nam đã nới lỏng tiền tệ ngay từ đầu năm với 4 lần hạ lãi suất điều hành. Đặc biệt, trong 6 tháng cuối năm, lãi suất hạ rất mạnh, một phần do ý thức chia sẻ trách nhiệm của ngành ngân hàng với nền kinh tế, một phần xuất phát từ quy luật cung cầu (ngân hàng ế vốn). Hiện lãi suất huy động trung bình chỉ còn 4,4-4,6%/năm, thấp nhất trong vòng 20 năm trở lại đây.

Thứ tư, nợ xấu và xử lý ngân hàng yếu kém là vấn đề nhức nhối. Sự kiện SCB diễn ra tháng 10/2022 đến nay vẫn là vấn đề lớn đòi hỏi phải giải quyết, chưa kể 3 ngân hàng mua lại bắt buộc đến nay vẫn đang trong quá trình xử lý.

Thêm vào đó, tỷ lệ nợ xấu đang tăng rất cao. “Tôi nhớ, thời điểm Thống đốc Nguyễn Văn Bình vừa nhậm chức (năm 2011), nợ xấu khi đó là 12-13%, là sau khi bong bóng bất động sản vỡ, con số này làm cả xã hội giật mình. Hơn 10 năm qua, nhờ sự nỗ lực của toàn hệ thống, cộng thêm sự hỗ trợ của Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu mới giảm. Tuy nhiên, chu kỳ mới của nợ xấu đang lặp lại, nguyên nhân một phần do một số ngân hàng yếu kém, một phần do ngày càng nhiều doanh nghiệp khó khăn, không trả được nợ. Nợ xấu là của doanh nghiệp, của cả nền kinh tế, không phải do bản than các ngân hàng làm ra, song đối mặt với nợ xấu là chính các ngân hàng”, Phó Thống đốc cho hay.

Nêu ra các khó khăn của nền kinh tế, lãnh đạo NHNN khẳng định, các ngân hàng phải góp phần cùng NHNN thực hiện các chủ trương lớn, đặc biệt là ổn định kinh tế vĩ mô.

Bên cạnh đó, phải dứt khoát phải tập trung cung ứng vốn cho nền kinh tế, làm sao giúp doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn. Đây vừa là trách nhiệm chung với nền kinh tế và trách nhiệm với chính bản than các ngân hàng, bởi nếu không có khách vay vốn và gửi tiền thì ngân hàng cũng không thể tồn tại. Mỗi cán bộ ngân hàng phải coi khách hàng là thượng đế.

Phó Thống đốc nhắc nhở, trong hệ thống ngân hàng đâu đó vẫn còn hiện tượng một số cán bộ ngân hàng chưa đồng cảm với khách hàng, vẫn chỉ tập trung nhìn vào lãi suất mà chưa quan tâm chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó. Vì vậy, các ngân hàng phải hòa cùng doanh nghiệp, đứng cùng doanh nghiệp, chung vốn làm ăn với doanh nghiệp. Tất nhiên, thông điệp đưa ra là phải tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp song vẫn không được hạ chuẩn tín dụng. Ngân hàng thúc đẩy cho vay song vẫn phải thu hồi được nợ, hạ lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp song không để xảy ra thua lỗ, gây mất an toàn hệ thống.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Sốt đất không phải do tín dụng
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, 3 năm qua, tín dụng bất động sản bị NHNN kiểm soát chặt, có xu hướng giảm dần và không phải là nguyên nhân...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư