Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Quản trị rủi ro cho doanh nghiệp bảo hiểm
 
Các doanh nghiệp coi trọng sự tăng trưởng, nhưng cần phải đảm bảo các mục tiêu lợi nhuận và duy trì được các chỉ số phát triển một cách an toàn. Khi doanh nghiệp tăng trưởng nhanh, thì một “bộ phanh” tốt trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Điểm dừng đúng lúc

“Trong một thị trường tăng trưởng nhanh mà chúng ta tăng trưởng chậm đôi khi còn rủi ro hơn. Bạn sẽ bị bỏ lại khá xa, có thể không vực dậy lại được”, ông Kevin Strain, Chủ tịch Tập đoàn Tài chính Sun Life tại châu Á chia sẻ quan điểm của mình khi được hỏi doanh nghiệp bảo hiểm tăng trưởng quá nhanh có rủi ro hay không?

Trao đổi với ĐTCK trong một câu hỏi tương tự: ông có lo ngại việc đưa ra các chương trình thưởng thi đua cho đại lý/tư vấn bảo hiểm đạt doanh số cao cũng có thể tạo ra những “game” doanh số, ông Takashi Fujii, Chủ tịch Hội đồng thành viên Dai-ichi Life Việt Nam nói rằng, vấn đề là phải biết khống chế, biết đâu là điểm dừng, chứ không nên tăng trưởng bằng bất cứ giá nào.

“Cái mình chi và cái mình nhận phải luôn được cân đối ở mức độ nhất định”, ông Takashi Fujii nhìn nhận.

Tất nhiên, cùng với việc “chạy” đến đâu và dừng ở điểm nào, theo các chuyên gia đầu tư tài chính kỳ cựu nêu trên, doanh nghiệp phải có một chiến lược đúng đắn và xây dựng được một cấu trúc phù hợp để thực hiện chiến lược này, ngoài ra trong cấu trúc đó cũng phải có những con người phù hợp.

“Hai trong ba yếu tố quan trọng nhất của việc xây dựng chiến lược đúng đắn là phải có định hướng tốt về chiến lược phân phối. Chính vì thế, chúng tôi mới xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng của đội ngũ tư vấn viên được tôn trọng nhất và những sản phẩm chất lượng cao liên quan đến vấn đề hưu trí”, ông Kevin Strain nhấn mạnh trong lễ khai trương trụ sở chính tại TP. HCM và cho biết thêm, yếu tố quan trọng tiếp theo sau chiến lược phân phối là quá trình quản trị rủi ro đúng đắn. Yếu tố cuối cùng có tầm quan trọng không kém đó chính là chiến lược về con người, những con người có kinh nghiệm và khả năng sẽ mang lại những thay đổi và sự tăng trưởng cho công ty.

“Nếu bạn muốn lái một chiếc xe đua thật nhanh, thì bạn cũng phải có một bộ phanh thật tốt”, ông Kevin Strain nói.

Chủ tịch Tập đoàn Tài chính Sun Life tại châu Á cũng nói rằng, Sun Life đã dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu xem những rủi ro nào Công ty sẽ phải đối mặt và những rủi ro nào khách hàng sẽ phải đối mặt. Quy trình quản trị rủi ro của Sun Life được thực thi ở cấp độ toàn cầu. Công ty mẹ triển khai quy trình quản trị rủi ro xuống đến từng công ty con ở các quốc gia.

“Chúng tôi cũng áp dụng quy trình này để xem xét những rủi ro có thể xảy ra ở thị trường Việt Nam”, ông Kevin Strain chia sẻ.

Được biết, PVI Sun Life đang tích cực tham gia và phát huy các chương trình trọng điểm của Sun Life tại châu Á, đó là xây dựng đội ngũ tư vấn tài chính được tôn trọng nhất (Most Respected Agency), xây dựng danh mục sản phẩm có thể đáp ứng tất cả nhu cầu tại từng thời điểm trong suốt cuộc đời của một khách hàng (Money For Life).

Trong khi đó, chia sẻ về thương vụ đấu thầu thành công và trở thành đối tác bán bảo hiểm qua kênh VNPost, ông Takashi Fujii cho rằng, cái gì cũng phải có thời điểm, thương vụ VNPost hay việc mua lại Bảo Minh CMG thành công cũng nhờ đúng thời điểm. Vốn và kinh nghiệm chỉ là một trong những yếu tố giúp thương vụ thành công, quan trọng là phải lựa đúng thời điểm và chọn đúng đối tác.

Đầu tư vào VNPost thực ra là hiện thực hóa cái nhìn dài hạn đã được ông Takashi Fujii tính toán từ nhiều năm trước. Có được VNPost, Dai-ichi Life Việt Nam sẽ triển khai bán bảo hiểm vi mô. Trên thực tế, Dai-ichi Life Việt Nam đã chuẩn bị cho chiến lược này khi xin giấy phép triển khai bán bảo hiểm vi mô từ 5 năm trước.

“Đừng nghĩ thương vụ này chỉ toàn màu hồng, thương vụ nào cũng có rủi ro, vấn đề ở đây là phải biết đánh giá rủi ro và chấp nhận được rủi ro”, ông Takashi Fujii chia sẻ.

Bảo hiểm vi mô đối với ông Takashi Fujii cũng chỉ là hạt giống để ươm mầm những dự án lớn hơn. “Danh sách khách hàng vi mô này có thể sẽ trở thành những khách hàng của dòng sản phẩm có mệnh giá cao khi đời sống ngày càng khá lên”, Chủ tịch Hội đồng thành viên Dai-ichi Life Việt Nam chia sẻ một phần trong những chiến lược dài hạn đã được ông tính toán. 

Chuẩn bị thế và lực trước cơ hội mới

Nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Theo các chuyên gia kinh tế và kiểm toán, hội nhập sẽ thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển, giúp ngành bảo hiểm có thêm cơ hội mở rộng thị trường. Tuy nhiên, các doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam sẽ phải chịu nhiều áp lực cạnh tranh từ phía các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài vừa có nhiều kinh nghiệm, có hệ thống quản trị mạnh, vừa có công nghệ tiên tiến.

Tại một hội thảo về quản trị rủi ro trong ngành bảo hiểm, ông Saman Bandara, Phó tổng giám đốc EY Việt Nam cho rằng, ngành bảo hiểm Việt Nam đã và đang phát triển tương đối tốt so với một số ngành khác, nhưng đến thời điểm cần nhìn lại những rủi ro nào có thể gây bất lợi cho ngành.

“Chúng ta chưa thể đánh giá hết những tác động cả tiêu cực và tích cực khi các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia ký kết, nhưng khi tham gia sân chơi này, các doanh nghiệp bảo hiểm Việt cần thể hiện mình là những doanh nghiệp tương đối phát triển ở thị trường nội địa và phải có sẵn nguồn lực để đối phó với những thách thức cạnh tranh của khu vực”, ông Saman Bandara nhìn nhận.

Theo ông Paul Nguyễn, Tổng giám đốc Manulife Việt Nam, Việt Nam tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN, cơ hội sẽ mở rộng hơn, thị trường lớn hơn. Tuy nhiên, đi cùng với cơ hội đó là sự cạnh tranh cũng sẽ quyết liệt hơn.

“Tầm nhìn của Manulife là trở thành doanh nghiệp bảo hiểm số 1 Việt Nam về mức độ tin cậy của khách hàng, đó là nền tảng để phát triển bền vững. Với Manulife Việt Nam, vấn đề quan trọng nhất là tăng trưởng, nhưng phải đảm bảo các mục tiêu lợi nhuận và duy trì được các chỉ số phát triển một cách an toàn”, ông Paul Nguyễn nói.

Theo Tổng giám đốc Manulife Việt Nam, sản phẩm bảo hiểm là vô hình và dài hạn nên sự tin cậy của khách hàng đối với doanh nghiệp bảo hiểm là nhân tố quan trọng nhất quyết định sự thành công. Có rất nhiều việc phải làm để phát triển doanh nghiệp, nhưng quan trọng nhất vẫn là phát triển hệ thống một cách vững vàng và ổn định.

Với VietinAviva, sau những nỗ lực không ngừng nghỉ, năm 2015 đã trở thành một năm thành công và đầy dấu ấn của công ty bảo hiểm nhân thọ này khi chính thức xác lập vị trí số 1 về bảo hiểm liên kết ngân hàng (bancassurance) và khẳng định vị trí Top 10 toàn thị trường bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam. Với tốc độ tăng trưởng lên tới hơn 400% so với năm 2014, VietinAviva đồng thời xác lập kỷ lục về mức độ tăng trưởng cao nhất trên thị trường bảo hiểm nhân thọ.

Bà Nguyễn Ngọc Trang, Tổng giám đốc VietinAviva cho biết, năm 2015 đánh dấu nỗ lực của VietinAviva và Khối Bán lẻ VietinBank trong việc tiếp cận phân khúc khách hàng ưu tiên. Ngay trong năm đầu tiên triển khai, 100% các chi nhánh đều đã sớm vượt chỉ tiêu được giao. Quan trọng hơn là những kết quả kể trên đã tạo ra tiền đề để các chi nhánh tiếp cận và khai thác tiềm năng từ nhóm khách hàng này trong những năm tiếp theo.

Một thành công đáng chú ý khác của VietinAviva trong năm 2015 là nghiệp vụ bán chéo bảo hiểm nhân thọ đã phủ sóng hầu hết các chi nhánh VietinBank. Số lượng cán bộ VietinBank được đào tạo và được Bộ Tài chính cấp chứng chỉ tư vấn viên bảo hiểm chuyên nghiệp đã cán mốc hơn 6.000 người, với tỷ lệ hoạt động của tư vấn viên được đào tạo cao nhất trên thị trường.

Tất nhiên, mọi chiến lược chỉ thành công bằng những hoạt động cụ thể và thiết thực với thị trường. “Tôi cho rằng, sự đa dạng và tối ưu hóa lợi ích cho khách hàng trong từng sản phẩm, dịch vụ cùng sự phục vụ tận tâm chính là yếu tố then chốt. VietinAviva luôn thực hiện nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng, lấy khách hàng làm trọng tâm trong sự phát triển bền vững”, Tổng giám đốc VietinAviva nói.      

Ngành bảo hiểm vẫn trong vòng xoáy thay CEO
Những ngày đầu năm 2016, bên cạnh những chuyển động liên quan đến kênh phân phối sản phẩm nhân thọ hay chuyển trụ sở vào Nam với doanh nghiệp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư