Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Quyết toán Dự án BOT Đầu tư xây dựng mở rộng Quốc lộ 51: “Vênh” quan điểm, hứa hẹn trận chiến pháp lý
Bảo Như - 01/12/2022 08:24
 
Sau 17 phiên họp từ năm 2019 đến nay mà chưa đạt được đồng thuận về việc quyết toán Dự án BOT Đầu tư xây dựng mở rộng Quốc lộ 51, Cục Đường bộ Việt Nam vừa yêu cầu tạm dừng thu phí Dự án kể từ ngày 17/12/2022. Động thái này có thể kéo các bên liên quan vào một cuộc tranh chấp pháp lý phức tạp.
Việc xác định thời gian thu phí tạo lợi nhuận cho nhà đầu tư là một trong những vướng mắc lớn nhất của Dự án BOT Đầu tư mở rộng Quốc lộ 51
Việc xác định thời gian thu phí tạo lợi nhuận cho nhà đầu tư là một trong những vướng mắc lớn nhất của Dự án BOT Đầu tư mở rộng Quốc lộ 51.

“Vênh” nhiều nội dung

Theo thông tin của Báo Đầu tư, Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC) vừa có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) về công tác xử lý các vướng mắc trong quá trình quyết toán vốn đầu tư và tính toán phương án tài chính Dự án BOT Đầu tư mở rộng Quốc lộ 51 của Cục Đường bộ Việt Nam.

Văn bản này được BVEC phát đi gần như đồng thời với thời điểm Cục Đường bộ Việt Nam có Văn bản số 1246/CĐBVN-TC gửi BVEC về giải quyết các nội dung tồn tại và xác định thời gian thu phí của Dự án BOT Đầu tư xây dựng mở rộng Quốc lộ 51.

Tại Công văn số 1246, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, Cục đã gửi phương án tài chính tính toán của Dự án tới BVEC vào ngày 18/11/2022. Theo đó, trong trường hợp được Bộ GTVT chấp thuận các nội dung đã được các bên thống nhất và các nội dung chưa được thống nhất, tính theo quan điểm của Cục Đường bộ Việt Nam (tại Biên bản họp lần thứ 15, ngày 15/9/2022), thì thời điểm hoàn vốn của Dự án dự kiến là ngày 9/3/2022; thời điểm kết thúc thu phí dự kiến là ngày 17/12/2022; thời điểm tạm dừng thu phí dự kiến là ngày 17/12/2022.

Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu BVEC thanh toán các khoản công nợ của Dự án theo quy định; xây dựng phương án sắp xếp, giải quyết chế độ cho người lao động; phối hợp với Khu Quản lý đường bộ IV lập danh mục tài sản bàn giao, tiếp nhận và thực hiện các thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với tài sản công trình Dự án theo quy định.

Dự án BOT Đầu tư xây dựng mở rộng Quốc lộ 51 gồm 2 cấu phần: chuyển giao quyền thu phí trạm thu phí số 1 - Quốc lộ 51 và nâng cấp, mở rộng 72,7 km Quốc lộ 51 đoạn từ Km0+900 (giáp Dự án Cầu Đồng Nai), điểm cuối tại Km73+600 (giao với Quốc lộ 51C - TP. Vũng Tàu). Cấu phần này được khởi công vào ngày 2/8/2009; hoàn thành vào ngày 13/4/2013.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp dự án còn được yêu cầu chuẩn bị các nội dung cần thiết để tạm dừng thu phí vào ngày 17/12/2022 nếu không có ý kiến chỉ đạo nào khác của Bộ GTVT, thông báo cho các cơ quan, đơn vị liên quan (cơ quan thuế địa phương, các ngân hàng tài trợ cho Dự án…) về ngày tạm dừng thu của Dự án.

Trong văn bản gửi Bộ GTVT vào cuối tháng 11/2022 (do ông Đinh Hồng Hà, Tổng giám đốc BVEC ký), BVEC kiến nghị Bộ trưởng Bộ GTVT không thực hiện đề xuất đơn phương tạm dừng thu phí tại Dự án BOT Đầu tư mở rộng Quốc lộ 51 trong khi nhà đầu tư và đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa thống nhất quyết toán vốn đầu tư và xác định thời gian tạo lợi nhuận của nhà đầu tư do một số quan điểm xử lý của Cục Đường bộ Việt Nam đưa ra chưa đủ cơ sở pháp lý.

Đại diện BVEC cho biết, tính đến thời điểm Cục Đường bộ Việt Nam đưa ra đề xuất tạm dừng thu phí kể từ ngày 17/12/2022, doanh nghiệp dự án vẫn chưa hoàn được vốn, bao gồm trả nợ vay ngân hàng và vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư với số tiền lên tới 813,1 tỷ đồng.

“Việc nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư hơn 10 năm mà không hoàn được vốn (chưa tính đến lợi nhuận đồng vốn bỏ ra) là một thiệt hại rất lớn cho các cổ đông của BVEC, đồng thời phá vỡ cam kết về thời gian tạo lợi nhuận của nhà đầu tư theo hợp đồng BOT đã ký”, BVEC nhấn mạnh trong văn bản gửi Bộ GTVT.

Theo quan điểm của BVEC, trong bối cảnh phương pháp tính toán lợi nhuận kỳ vọng của nhà đầu tư mà Cục Đường bộ Việt Nam đề xuất là chưa có cơ sở và chưa có văn bản hướng dẫn, thì việc tạm dừng thu phí theo phương án chưa có cơ sở là chủ quan, có phần vội vã và sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy.

Lãnh đạo BVEC cho hay, hiện doanh nghiệp dự án chưa hoàn được nợ vay ngân hàng, do vậy, tài sản đảm bảo cho dư nợ vay còn lại đang được thế chấp tại 6 ngân hàng đồng tài trợ vốn. Trường hợp Dự án chưa hoàn được vốn sẽ làm thất thoát vốn tại các ngân hàng, trong đó có vốn nhà nước tại 3 ngân hàng thương mại nhà nước.

Cần phải nói thêm rằng, việc xử lý các vướng mắc liên quan đến việc quyết toán Dự án BOT đầu tư mở rộng Quốc lộ 51 đã xuất hiện “độ vênh” rất lớn giữa quan điểm của Cục Đường bộ Việt Nam và quan điểm của BVEC.

Theo ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, sau 17 phiên họp ròng rã suốt từ năm 2019 đến nay, việc quyết toán dự án này còn tồn đọng tới 5 nội dung chưa đạt được đồng thuận, trong đó, căng thẳng nhất là việc xác định lại thời gian thu phí tạo lợi nhuận cho nhà đầu tư.

“Lịch sử phức tạp”

Được biết, Dự án Đầu tư mở rộng Quốc lộ 51 có “lịch sử phức tạp” hơn các dự án BOT được triển khai trong giai đoạn từ năm 2012 đến nay.

Theo đại diện BVEC, trước khi Dự án BOT Đầu tư mở rộng Quốc lộ 51 được triển khai, Bộ GTVT có triển khai 1 dự án mở rộng Quốc lộ 51 bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), hoàn vốn bằng nguồn thu phí tại trạm T1, Quốc lộ 51.

Tuy nhiên, do không đạt hiệu quả đầu tư, nên Bộ GTVT đã đề xuất BVEC nhận quyền thu phí trạm thu phí T1 với giá trị hợp đồng mua quyền là 400 tỷ đồng, lãi suất huy động vốn là lãi suất cố định (7,75%/năm), không tính lợi nhuận cho nhà đầu tư. Tiếp đó, trong quá trình lập chủ trương Dự án Đầu tư mở rộng Quốc lộ 51, giá trị nhận chuyển nhượng quyền thu phí trạm T1 được tổng hợp vào tổng mức đầu tư Dự án.

Theo Hợp đồng số 21/2009/HĐ.BOT-QL51 ký giữa Cục Đường bộ Việt Nam và BVEC vào năm 2009, thời gian kết thu hoàn vốn của hợp đồng nguyên tắc chuyển giao quyền thu phí trạm T1 là ngày 10/7/2013; tổng thời gian thu phí hợp đồng Dự án Đầu tư mở rộng Quốc lộ 51 là khoảng 20,66 năm, trong đó, thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 16,66 năm (từ ngày 3/8/2012 đến ngày 27/3/2029); thời gian thu phí tạo lợi nhuận là 4 năm (từ ngày 28/3/2029 đến ngày 28/3/2033).

Đến cuối tháng 2/2017, thời gian thu phí hoàn vốn Dự án được điều chỉnh thành 20 năm 6 tháng 11 ngày, tức là từ ngày 1/7/2009 đến hết ngày 12/1/2030, trong đó bao gồm 4 năm 24 ngày thu theo hợp đồng bán quyền thu phí tại trạm T1 (từ ngày 1/7/2009 đến ngày 24/7/2013) và 4 năm thu phí tạo lợi nhuận.

Đến cuối năm 2018, trên cơ sở xuất hiện một số thay đổi liên quan đến yếu tố đầu vào và kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, Cục Đường bộ Việt Nam đã tính lại thời gian thu phí tạo lợi nhuận. Phương pháp được đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền chọn để tính lại thời gian thu phí tạo lợi nhận là phương pháp lợi nhuận kỳ vọng (lợi nhuận nhà đầu tư thu được trong 4 năm thu tạo lợi nhuận theo phương án tài chính đã loại lãi bảo toàn vốn cho cả giai đoạn xây dựng và kinh doanh khai thác). Sau khi tính lại, Cục Đường bộ Việt Nam đã giảm thời gian tạo lợi nhuận từ 4 năm xuống còn 9 tháng.

Đại diện BVEC cho rằng, cách tính của Cục Đường bộ Việt Nam là mang tính chủ quan, không có cơ sở pháp lý, nhất là khi thời gian tạo lợi nhuận 4 năm đã được các bên đàm phán thống nhất, được Bộ GTVT chấp thuận; được Cục Đường bộ Việt Nam đại diện cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ký kết Hợp đồng BOT và được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đầu tư.

Trong quá trình đàm phán, BVEC cho biết, đơn vị cũng đã thiện chí và đưa ra phương án điều chỉnh thời gian tạo lợi nhuận cho nhà đầu tư từ 48 tháng xuống còn 40 tháng, nhưng không được Cục Đường bộ Việt Nam chấp thuận.

“Trường hợp cơ quan quản lý nhà nước quyết tâm đơn phương chấm dứt hợp đồng trước hạn hoặc tạm dừng thu phí, thì sẽ có thể xảy ra tranh chấp pháp lý giữa các bên có liên quan. Đặc biệt là các chi phí phát sinh liên quan đến quá trình tạm dừng thu phí để chờ phán quyết cuối của cơ quan pháp luật, bao gồm: chi phí lãi vay phát sinh trong thời gian tạm dừng đối với dư nợ vay còn lại; chi phí duy tu thường xuyên, định kỳ, đột xuất, xử lý các tồn tại đảm bảo an toàn giao thông chi phí bảo vệ an ninh trật tự…”, lãnh đạo BVEC lo ngại.

Kiến nghị xử lý vướng mắc, bất cập tại 9 dự án BOT giao thông
Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) kiến nghị Thủ tướng 3 nhóm giải pháp để tháo gỡ khó khăn về tài...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư