Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 17 tháng 12 năm 2024,
RCEP giúp Việt Nam thu hút thêm vốn đầu tư nội khối
Thành Đạt - 04/07/2023 09:51
 
Việc tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường đầu tư cạnh tranh hơn nhờ Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giúp Việt Nam thu hút thêm vốn đầu tư từ ASEAN và các nước đối tác.

Với RCEP, các quốc gia thành viên ASEAN đã thống nhất sự cần thiết phải áp dụng một cách tiếp cận toàn diện để xây dựng môi trường thuận lợi hóa đầu tư cạnh tranh trong khu vực. Điều này cho phép thu hút thêm đầu tư từ ASEAN và 5 đối tác gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand trong khuôn khổ RCEP.

Theo cách tiếp cận này, việc tạo thuận lợi cho đầu tư sẽ bao gồm đăng ký và phê duyệt kinh doanh, giấy phép, các yêu cầu và quy trình hành chính khác, cũng như các thủ tục liên quan đến thuế và an sinh xã hội.

Theo cam kết trong RCEP, các nước thành viên xóa bỏ 87,8 - 98,3% số dòng thuế cho Việt Nam và các nước ASEAN cam kết giảm 85,9 - 100% số dòng thuế. Lộ trình xóa bỏ thuế quan dài nhất là 15 - 20 năm kể từ khi RCEP có hiệu lực vào ngày 1/1/2022.

Theo Công ty tư vấn Dezan Shira & Associates, do RCEP tập trung vào tạo thuận lợi thương mại, nên khu vực doanh nghiệp được kỳ vọng hưởng lợi nhiều nhất. Ngoài ra, các lĩnh vực khác như du lịch, giáo dục, giải trí, chăm sóc sức khỏe và bán lẻ, cũng như các ngành định hướng xuất khẩu của Việt Nam (công nghệ thông tin, nông nghiệp, ô tô, giày dép và viễn thông) cũng sẽ được hưởng lợi đáng kể từ RCEP.

Ban Thư ký ASEAN đánh giá cao việc tạo thuận lợi cho đầu tư tại Việt Nam và cho rằng, Việt Nam có tiềm năng lớn để thu hút thêm đầu tư cả trong và ngoài ASEAN, đặc biệt là nhờ RCEP. Môi trường đầu tư ở Việt Nam đã được cải thiện những năm qua, được chứng thực bằng kết quả khảo sát từ các phòng thương mại nước ngoài có trụ sở tại Việt Nam. “Chính phủ đã đưa ra các biện pháp để đơn giản hóa các yêu cầu, giảm bớt các bước và hợp lý hóa các quy trình để tạo thuận lợi cho đầu tư”, Ban Thư ký ASEAN nhấn mạnh.

Cụ thể, Việt Nam tiếp tục cải cách và cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, bao gồm thực hiện các nghị quyết và chỉ thị quy định về tăng cường cung cấp thông tin, đơn giản hóa quy trình và giảm thiểu các yêu cầu về hành chính.

Ví dụ, Luật Đầu tư đã điều chỉnh các nỗ lực của Việt Nam nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, kể cả trong một số hoạt động như giáo dục đại học, giảm thiểu ô nhiễm và nghiên cứu y tế. Luật này cũng đề cập việc cung cấp các ưu đãi đầu tư cho các dự án ưu tiên, dự án công nghệ cao, không gây ô nhiễm. Ngoài ra, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư ưu tiên các lĩnh vực then chốt như giao thông, lưới điện và nhà máy điện, thủy lợi, cấp và xử lý nước, y tế và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cho hợp tác công tư.

Theo Ban Thư ký ASEAN, Nghị định 31/2021/NĐ-CP ngày 3/3/2021 hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư đã nêu bật nỗ lực tạo cơ chế thông thoáng, khắc phục điểm nghẽn trong hoạt động đầu tư, kinh doanh; tăng cường phân cấp cho địa phương; đảm bảo tính minh bạch; cung cấp thêm ưu đãi đầu tư và hỗ trợ đầu tư đặc biệt. Vì vậy, Việt Nam trở thành điểm đầu tư ngày càng hấp dẫn của các doanh nghiệp nội khối và ngoại khối, đặc biệt là đầu tư từ 5 nước ngoại khối ASEAN trong RCEP.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến ngày 20/6/2023, vốn đầu tư đăng ký vào Việt Nam từ nhà đầu tư Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia lần lượt là 82; 73,4; 70; 25,2; 13,1; và 13 tỷ USD.

Ông Piyapong Jriyasetapong, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Thái Lan tại Việt Nam (ThaiCham) cho biết, các doanh nghiệp Thái Lan rất quan tâm đến thị trường Việt Nam vì nước này đang bước vào thập kỷ vàng của nền kinh tế. “Chúng tôi tin các nhà đầu tư Thái Lan sẽ đầu tư vào Việt Nam nhiều hơn nữa. Họ quan tâm đến việc kinh doanh và đầu tư vào một loạt lĩnh vực tại Việt Nam và đang dẫn đầu các lĩnh vực này ở trong nước”, ông Jriyasetapong nói.

Những lĩnh vực mà ông Jriyasetapong đề cập gồm thức ăn chăn nuôi và nông nghiệp, năng lượng tái tạo, bao bì, bán lẻ và phân phối, hóa dầu, chế biến thực phẩm, sản phẩm nhựa và nước tăng lực. “Tiêu dùng nội địa ngày càng tăng ở Việt Nam sẽ là một trong các động lực chính của tăng trưởng kinh tế, do đó Việt Nam thu hút các nhà đầu tư Thái Lan vào những lĩnh vực này nhiều nhất”, ông Jriyasetapong nói tiếp.

Một ví dụ đầu tư khác từ các nước RCEP vào Việt Nam là Tập đoàn Samsung. Đến nay, Samsung đã đầu tư hơn 18 tỷ USD và đang lên kế hoạch rót thêm hàng tỷ USD nữa vào Việt Nam. Samsung Việt Nam đã xuất khẩu sản phẩm trị giá 65 tỷ USD vào năm ngoái, chiếm 8,9% kim ngạch xuất khẩu Việt Nam.

Ban hành biểu thuế thực hiện Hiệp định RCEP giai đoạn 2022 - 2027
Nghị định 129 quy định thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam thực hiện RCEP từ 2022 - 2027 và điều kiện được hưởng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư