Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Sau M&A, hoạt động của các ngân hàng cải thiện đáng kể
Vân Linh - 27/07/2019 09:11
 
Dù còn khó khăn trong quá trình xử lý nợ xấu, song với nỗ lực đẩy mạnh tái cấu trúc trong thời kỳ hậu sáp nhập, hợp nhất (M&A), hoạt động của các ngân hàng được cải thiện đáng kể, nợ xấu dần đẩy lùi và lợi nhuận tăng trưởng.
.
Lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2019 của HDBank dự kiến vượt 2.200 tỷ đồng.

Lợi nhuận tăng

SCB cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019, Ngân hàng lãi 93 tỷ đồng trước thuế, thu nhập của cán bộ, nhân viên đạt 20 triệu đồng/tháng. Có được kết quả này là nhờ tín dụng của Ngân hàng tăng trưởng 5,92% trong 6 tháng, tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,94%. Ngân hàng ghi nhận tổng tài sản đạt 537.616 tỷ đồng, tăng 29.466 tỷ đồng so với đầu năm - tiếp tục là ngân hàng tư nhân có tổng tài sản lớn nhất trên thị trường... Có thể thấy, trải qua gần thập kỷ hợp nhất giữa ba ngân hàng (SCB, Ficombank, TinNghiaBank) và không ngừng đẩy mạnh tái cơ cấu, đến nay, SCB đã dần cải thiện hoạt động.

HDBank cũng vừa hé lộ lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2019 dự kiến vượt 2.200 tỷ đồng, các chỉ số ROA và ROE đạt lần lượt là 1,7% và 20%, thuộc nhóm cao so với toàn ngành. Tổng dư nợ đạt hơn 144.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng mẹ tiếp tục được kiểm soát ở mức 1%. Đáng chú ý, NIM hợp nhất của Ngân hàng tăng lên 4,4%, cao nhất trong các ngân hàng vừa công bố kết quả.

Kết thúc 2 quý đầu năm nay, lợi nhuận trước thuế của Sacombank đạt gần 1.500 tỷ đồng, hoàn thành khoảng 55% kế hoạch cả năm. Đến hết quý II/2019, tổng tài sản của Sacombank đạt hơn 439.000 tỷ đồng, trong đó chú trọng tái cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng tài sản có sinh lời. Huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt gần 398.000 tỷ đồng. Cho vay đạt hơn 279.000 tỷ đồng; danh mục cho vay được cơ cấu theo hướng giảm cho vay kinh doanh bất động sản, tăng cho vay sản xuất - kinh doanh, phát triển tín dụng tiêu dùng, tín dụng xanh.

Nỗ lực xử lý nợ

Sở dĩ Sacombank có được con số lợi nhuận trên là nhờ không ngừng đẩy mạnh xử lý nợ xấu tồn đọng từ việc sáp nhập SouthernBank trước đó để giảm dự phòng rủi ro. Ngân hàng đã thu hồi được hơn 11.000 tỷ đồng nợ xấu trong 6 tháng đầu năm 2019.

Theo bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank, một trong các mục tiêu lớn nhất của Sacombank trong năm nay là nỗ lực thu hồi nợ bên cạnh đẩy mạnh kinh doanh. Có như vậy, Sacombank mới giảm được áp lực trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu, tác động tích cực lên lợi nhuận.

Trong nỗ lực giảm nợ xấu, 3 năm qua, SCB đã xử lý được hàng chục ngàn tỷ đồng nợ xấu tồn đọng từ việc hợp nhất. Nhờ đó, tỷ lệ nợ xấu và nợ quá hạn ở mức 0,94% và 1,29%. Quỹ dự phòng của SCB đã lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB cho rằng, đây là của để dành mà Ngân hàng có được. Sau khi tái cấu trúc, cổ đông SCB sẽ được hưởng lợi từ việc hoàn nhập dự phòng, dù trước mắt chưa được chia cổ tức.

Tuy gặp phải không ít khó khăn trong quá trình phát mãi tài sản, xử lý nợ xấu, song các ngân hàng đã nỗ lực tái cơ cấu thời hậu M&A. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn có những ngân hàng chưa thoát lỗ như MSB. Báo cáo tài chính quý I/2019 của MSB mới đây cho thấy, lợi nhuận ròng trong kỳ sụt giảm mạnh gần 74% so với cùng kỳ năm trước. Một trong những nguyên nhân khiến MSB khó khăn trong thời kỳ hậu sáp nhập MekongBank là xử lý nợ xấu.

Tại BIDV, sau khi sáp nhập thêm MHB, chi phí dự phòng tiếp tục là gánh nặng khi chất lượng tài sản nội bảng vẫn đáng ngại và Ngân hàng có mục tiêu tất toán hết nợ bán cho VAMC trong năm nay. Theo báo cáo tài chính quý I/2019, chất lượng tài sản nội bảng còn đáng chú ý với tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,7% (so với 1,6% của quý I/2018) và tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu giảm còn 70,2%.

Tái cơ cấu ngân hàng nhỏ: Thực hiện M&A nếu khó xử lý nợ xấu
Đạt được những kết quả đáng khích lệ ban đầu và tránh được sự đổ vỡ cho cả hệ thống, song tái cơ cấu ngành ngân hàng vẫn đối mặt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư