Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 13 tháng 12 năm 2024,
Sẽ có thêm hai ngân hàng niêm yết sàn HoSE trong năm 2024
Thùy Vinh - 09/04/2024 09:38
 
Kế hoạch VietABank, BVBank đưa ra cho năm nay là sẽ niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán TP.HCM (HoSE), nhằm nâng cao tính thanh khoản, từ sàn UpCom hiện tại.

VietABank (mã: VAB) vừa công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024. Đại hội được tổ chức vào sáng ngày 26/4 tới để trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh 2024, kế hoạch tăng vốn, niêm yết trên sàn, bầu thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban Kiểm soát và các vấn đề khác.

Đáng chú ý, tại Đại hội năm nay, HĐQT VietABank có tờ trình ĐHĐCĐ về việc niêm yết toàn bộ số cổ phiếu đang lưu hành của ngân hàng (sau khi được cơ quan quản lý chấp thuận) tại Sở Giao dịch Chứng khoán khi điều kiện thị trường thuận lợi, đúng trình tự, thủ tục của pháp luật. Việc lựa chọn niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) hay Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) sẽ do HĐQT quyết định. HĐQT sẽ được ủy quyền trong các công việc khác liên quan đến hoạt động niêm yết trên sàn.


Tại đại hội năm nay, HĐQT VietABank cũng sẽ trình ĐHĐCĐ phương án tăng vốn điều lệ thêm 2.106 tỷ đồng, tương đương 39% thông qua việc phát hành cổ phiếu để chia cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại chưa phân phối và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ. Sau khi hoàn thành việc chia cổ tức, vốn điều lệ của VietABank sẽ tăng lên hơn 7.505 tỷ đồng. Thời gian phát hành cổ phiếu sẽ được quyết định sau khi nhận được sự chấp thuận từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. 

Năm 2024, VietABank đưa ra kế hoạch lợi nhuận trước thuế 1.058 tỷ đồng, tăng 15,4% so với kết quả thực hiện năm 2023. Tuy nhiên, kế hoạch trên thấp hơn so với kế hoạch của năm 2023 là 1.275 tỷ đồng. VietABank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 4,3% lên gần 117.000 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ tín dụng tăng 12,36% lên 77.741 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng và phát hành giấy tờ có giá dự kiến sẽ tăng 5,6% lên 92.027 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu sẽ được kiểm soát dưới 3%. Cuối năm ngoái, tỷ lệ nợ xấu của VietABank ở mức 1,59%.

Tương tự, tại đại hội năm nay, BVBank (mã: BVB) cũng sẽ trình cổ đông thông qua việc chuyển giao dịch cổ phiếu BVB tại thị trường UPCoM sang niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán (HOSE). Trước đó, kế hoạch này đã được trình và thông qua tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 nhưng ngân hàng chưa thực hiện do bối cảnh thị trường không thuận lợi.

Trong năm 2024, BVBank dự báo tình hình kinh tế sẽ tiếp tục khó khăn. Tuy nhiên, HĐQT nhận định nền kinh tế sẽ sớm có triển vọng khởi sắc và tình hình kinh doanh năm 2024 của BVBank sẽ phục hồi. Do đó, ngân hàng sẽ tiếp tục trình phương án niêm yết trên sàn.

Năm 2024, BVBank đặt kế hoạch lợi nhuận 200 tỷ đồng, gấp 2,7 lần năm trước nhưng chỉ bằng chưa đầy một nửa lợi nhuận năm 2022; tổng tài sản 100.000 tỷ đồng; huy động khách hàng ước tăng 10%, đạt 74.086 tỷ đồng. Dư nợ cấp tín dụng dự kiến đến đến cuối năm 2024 tăng 14% đạt 65.937 tỷ đồng.

Kết thúc năm 2023, lợi nhuận trước thuế của BVBank đạt 72 tỷ đồng, giảm 84% so với năm trước và thực hiện được 55% kế hoạch đề ra. Theo lý giải của BVBank, do trong năm thu nhập lãi thuần giảm 14% do hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và cá nhân gặp nhiều khó khăn. Thu từ hoạt động dịch vụ giảm 45% so với năm trước chủ yếu do ảnh hưởng từ sụt giảm nguồn thu bảo hiểm liên kết. Tuy nhiên, hoạt động mua bán chứng khoán thu lãi 122 tỷ nhờ doanh số mua bán trái phiếu tăng gần gấp đôi.

Cũng tại ĐHCĐ năm 2024, HĐQT sẽ trình phương án tăng vốn điều lệ năm 2024. Cụ thể, Ngân hàng sẽ tăng thêm gần 890 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ lên tối đa 6.408 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu ra công chúng và ESOP. Theo đó, BVBank sẽ phát hành gần 69 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 8:1 (cổ đông nắm giữ 01 cổ phần sẽ được hưởng 01 quyền và cứ 08 quyền sẽ được mua 01 cổ phần phát hành thêm). Quyền mua không được phép chuyển nhượng. Cổ phần phát hành thêm không bị hạn chế chuyển nhượng.

Đồng thời, Ngân hàng sẽ phát hành 20 triệu cổ phiếu ESOP. Cổ phần phát hành thêm sẽ hạn chế chuyển nhượng một năm. Thời gian dự kiến thực hiện các phương án trên là trong năm 2024 và quý I - II/2025. Thời gian cụ thể ủy quyền cho HĐQT quyết định sau khi được các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.

Trên thị trường chứng khoán, hiện còn 7 ngân hàng đang giao dịch trên thị trường UPCoM gồm: VietABank, ABBank, Kienlongbank, Vietbank, PGBank, và SaigonBank và BVBank. Năm 2023, có 5 ngân hàng là ABBank, VietBank, Nam A Bank và BVBank đã công bố kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên HoSE hoặc HNX. Nhưng trong đó, chỉ có duy nhất Nam A Bank thành công đưa cổ phiếu lên niêm yết tại HoSE, còn VietBank, ABBank và BVBank chưa hoàn thành kế hoạch niêm yết.

Tại phiên họp ĐHCĐ thường niên ngày 5/4 vừa qua, cổ đông ABBank cũng đã đặt câu hỏi về kế hoạch niêm yết cổ phiếu. Trả lời vấn đề này, ông Đào Mạnh Kháng, Chủ tịch ABBank cho biết ban lãnh đạo ngân hàng cũng mong muốn đưa cổ phiếu ABB lên sàn HoSE để huy động vốn thị trường tốt hơn. Việc niêm yết cũng giúp quản trị thông tin minh bạch hơn. Các cổ đông lớn của ABBank như IFC, Maybank cũng đặt ra yêu cầu quản trị minh bạch.

Tuy nhiên, trong ĐHĐCĐ năm 2024 vừa qua, Chủ tịch ABBank Đào Mạnh Kháng cho biết hiện ngân hàng vẫn chưa niêm yết trên sàn do điều kiện chưa thuận lợi. "Trong lộ trình 5 năm mà chúng tôi đã trình có việc đặt mục tiêu vốn hoá 3 tỷ USD, không chỉ tăng trưởng hữu cơ của ABBank, cũng sẽ cần cú hích như M&A hoặc có cổ đông mới, hoặc niêm yết. McKinsey sẽ hỗ trợ ABBank để cùng triển khai lộ trình này”, Chủ tịch ABBank cho hay. 

Lợi nhuận ngân hàng vẫn “trông cậy” vào tín dụng
Tăng trưởng tín dụng được kỳ vọng cải thiện sẽ tác động tích cực lên lợi nhuận ngân hàng trong bối cảnh thu ngoài lãi ảm đạm, nhất là...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư