Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 15 tháng 01 năm 2025,
Sẽ thống nhất một cửa trong kiểm tra chuyên ngành
Mạnh Bôn - 13/08/2021 10:34
 
Dự thảo Nghị định quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng, về an toàn thực phẩm với hàng hóa nhập khẩu được kỳ vọng là bước cải cách mạnh mẽ trong thủ tục xuất nhập khẩu.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thời gian thông quan phụ thuộc vào kiểm tra chuyên ngành

Là người có gần 30 lăn lộn trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ đại lý hải quan và logistics, ông Trần Đức Nghĩa, Giám đốc Công ty Logistics quốc tế Delta mong muốn Chính phủ sớm thông qua Nghị định quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu (Nghị định về kiểm tra chuyên ngành). Bởi 2/3 thời gian làm thủ tục thông quan hàng hoá liên quan đến khâu kiểm tra chuyên ngành.

“Việc cơ quan hải quan áp dụng Hệ thống thông quan tự động và Cơ chế một cửa quốc gia (VNACCS/VCIS) đã rút ngắn đáng kể thời gian thông quan, nhưng chỉ rút ngắn được trong khoảng 1/3 thời gian thuộc chức năng quản lý nhà nước của ngành hải quan. 2/3 thời gian còn lại là kiểm tra chuyên ngành thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, ngành khác, nếu không có bước cải cách mạnh mẽ, thì thời gian thông quan khó có thể rút ngắn hơn nữa”, ông Nghĩa nói.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Vũ Tiến Lộc đánh giá, công tác kiểm tra, quản lý chuyên ngành đã ghi nhận những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, những cải cách hiện tại đã đến giới hạn và chưa được như mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp, nếu không có bước đột phá. 

“Doanh nghiệp mong muốn tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý, kiểm tra chuyên ngành, áp dụng triệt để việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục trực tuyến, thống nhất ‘một cửa’ và giảm thiểu số lượng hàng hóa phải thanh, kiểm tra chuyên ngành; hạn chế tối đa việc kiểm tra trùng lặp. Các cơ quan quản lý, kiểm tra chuyên ngành cần áp dụng đầy đủ, thực chất nguyên tắc quản lý rủi ro để giảm chi phí tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp”, ông Lộc nói.

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, ông Hoàng Việt Cường cũng cho rằng, công tác kiểm tra chuyên ngành đã được cải cách đáng kể, nhưng vẫn còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho doanh nghiệp, như phạm vi, đối tượng quản lý và kiểm tra rộng, chưa có đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn để thực hiện việc kiểm tra.

Ngoài ra, việc thực hiện không thống nhất giữa các bộ, ngành; quy định kiểm tra quá mức cần thiết; chưa áp dụng toàn diện nguyên tắc quản lý rủi ro, chưa bảo đảm tính nhất quán trong pháp luật về kiểm tra chuyên ngành và tổ chức thực hiện... cũng là rào cản lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu.

Mất hàng triệu giờ chỉ phát hiện vài chục trường hợp vi phạm

Ông Hoàng Việt Cường cho biết, Dự thảo Nghị định về kiểm tra chuyên ngành đang được Bộ Tài chính hoàn thiện nhằm tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng; đồng thời nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm với hàng hóa nhập khẩu.

Đây là bước cải cách toàn diện các quy định về hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng quản lý rủi ro, đơn giản hóa quy trình, thủ tục kiểm tra đối với hàng hóa nhập khẩu, giảm đầu mối tiếp xúc giữa doanh nghiệp với các cơ quan, tổ chức; cắt giảm chi phí, thời gian thông quan hàng hóa nhập khẩu.

“Khi Nghị định được thông qua, thay vì phải ‘chạy tới, chạy lui’ đến các cơ quan quản lý nhà nước để làm các thủ tục kiểm tra chuyên ngành, doanh nghiệp chỉ phải đến một đầu mối duy nhất là cơ quan hải quan, nên sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc cho xã hội”, ông Cường cho biết.

Mặc dù cơ quan hải quan đã áp dụng Hệ thống VNACCS/VCIS để điện tử hoá, tự động hoá trong lĩnh vực quản lý hải quan, nhưng ông Nguyễn Đức Nghĩa cho biết, Công ty Logistics quốc tế Delta phải sử dụng khoảng 10% trong tổng số trên 400 nhân viên hiện có chỉ để làm mỗi công việc đem một tờ giấy A4 từ cơ quan quản lý nhà nước này đến cơ quan khác có chức năng kiểm tra chuyên ngành.

“Là doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ logistics và đại lý hải quan, mỗi năm chúng tôi thực hiện khoảng 40.000 tờ khai hải quan. Nếu thống nhất kiểm tra chuyên ngành về một đầu mối là cơ quan hải quan thì doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí”, ông Nghĩa cho biết.

Theo tính toán của Hiệp hội Logistics Việt Nam, chỉ riêng khâu thanh lý tờ khai hải quan, khi thực hiện kết nối giữa các cơ quan hải quan với các bộ, ngành và giữa các bộ, ngành với nhau, thì đã giảm chi phí cho doanh nghiệp mỗi năm 5.000 - 6.000 tỷ đồng. Cơ quan quản lý nhà nước cũng tiết kiệm được rất nhiều nhân lực trong việc thanh lý tờ khai hải quan.

Ngoài việc thống nhất một cửa trong kiểm tra chuyên ngành vào cơ quan hải quan và toàn bộ quy trình được thực hiện tự động hoá trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, đại diện cho Hiệp hội Logistics Việt Nam, ông Nguyễn Đức Nghĩa mong muốn, Nghị định về kiểm tra chuyên ngành còn phải giảm thiểu tỷ lệ hàng hoá phải kiểm tra chuyên ngành.

“Mỗi năm, xã hội mất hàng triệu giờ lao động để kiểm tra chuyên ngành hàng hoá nhập khẩu, nhưng cái nhận được là chỉ phát hiện ra vài chục trường hợp vi phạm, các vụ vi phạm phát hiện được cũng không nghiêm trọng. Cần phải giảm thiểu tỷ lệ hàng hoá phải kiểm tra chuyên ngành, vì hiệu quả đạt được không đáng phải mất hàng triệu giờ lao động mỗi năm”, ông Nghĩa kiến nghị.

Mỗi lần sửa văn bản, danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành lại... dài hơn
Không thể tái diễn tình trạng mỗi lần sửa đổi văn bản là một lần danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành lại rộng hơn, dài hơn.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư