Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Sếp Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp: "Lời tôi nói như tiếng chim hót trong bụi mận gai"
Diệu Thuỳ (Infonet) - 31/03/2016 13:20
 
“Một con số đáng xấu hổ với ngành công nghiệp hỗ trợ khi DN chỉ chiếm 0,3% trong tổng số nửa triệu DN, không thể có công nghiệp bền vững dựa trên con số này”, GS. TS Phan Đăng Tuất, Vụ trưởng - Thường trực Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp nói.
Số doanh nghiệp làm công nghiệp hỗ trợ chỉ chiếm 0,3%
Số doanh nghiệp làm công nghiệp hỗ trợ chỉ chiếm 0,3%

Tại Diễn đàn phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới diễn ra ngày 30/3, GS. TS Phan Đăng Tuất, Vụ trưởng- Thường trực Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp (Bộ Công thương) đã chia sẻ những trăn trở về ngành công nghiệp hỗ trợ (công nghiệp hỗ trợ) của Việt Nam trong tương lai. Ông ví tiếng nói của mình đối với ngành công nghiệp hỗ trợ ai oán như “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”.

GS. Tuất cho biết, đến nay Việt Nam mới chỉ có 1.383 doanh nghiệp làm công nghiệp hỗ trợ trên 3 nhóm ngành: cơ khí, điện tử, nhựa cao su. Số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chỉ chiếm 0,3% trong tổng số 500.000 doanh nghiệp.

Theo GS. Tuất đây là con số quá nhỏ, quá ít ỏi, đáng suy nghĩ cho một nước muốn tiến lên công nghiệp hóa.

“Một con số đáng xấu hổ với ngành công nghiệp hỗ trợ, không thể có công nghiệp bền vững dựa trên con số này”, ông Tuất nhấn mạnh.

Ông Tuất cho rằng, không thể công nghiệp hóa mà chỉ lắp ráp và đi làm gia công. Do đó, Nhà nước cần phải coi công nghiệp hỗ trợ là quốc sách sống còn cho sự phát triển bền vững.

Với tỷ lệ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ quá ít như vậy ông Tuất cho rằng không đủ để làm nguồn lực. Còn những doanh nghiệp đang tồn tại lại không tiếp cận được với chuỗi giá trị toàn cầu. Họ là những con người đã lớn, được giáo dục theo kiểu cũ, thấm nhuần phong  cách cũ. Chính vì thế quyết sách bây giờ là tạo dựng nên những doanh nghiệp mới, như cách nói của ông là “cho ra đời những đứa bé công nghiệp hỗ trợ” bởi các doanh nghiệp mới thuần khiết hơn, thông minh hơn, trắng trơn hơn, có cơ hội hơn khi tham gia chuỗi giá trị.

GS. TS Phan Đăng Tuất, Vụ trưởng - Thường trực Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp
GS. TS Phan Đăng Tuất, Vụ trưởng - Thường trực Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp

Tại diễn đàn, Ông Atsusuke Kawada, Trưởng VP Đại diện, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Hà Nội cho biết, mặc dù Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản đã có những nỗ lực trong kết nối, song tỉ lệ mua linh phụ kiện tại chỗ (nội địa hóa) vẫn thấp.

Theo báo cáo điều tra của JETRO, tình hình mua linh phụ kiện tại chỗ của các DN Nhật Bản tại Việt Nam năm 2015 là 32.1%, nếu so với kết quả điều tra của năm 2010 là 22.4% thì có tăng 10%.

Tuy nhiên, nếu so với kết quả điều tra của năm trước là 33.2% thì hoàn toàn không tăng. 

Nếu so tỉ lệ nội địa hóa của DN Nhật Bản đang hoạt động tại các nước lân cận như Trung Quốc là 64.7%, Thái Lan là 55.5%, Indonesia là 40.5%, Malaysia là 36.0% thì tỉ lệ nội địa hóa của Việt Nam là rất thấp. 

Tiếp nữa, mặc dù nói tỉ lệ nội địa hóa là 32.1% nhưng trong đó, phần trăm mua từ các DN Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam là 45.1%, từ DN Việt Nam là 41.2%, và phần còn lại 13.7% là mua từ các DN nước khác…. Nếu tính phần trăm mua từ các DN Việt Nam với tỉ lệ nội địa 32.1% thì thực chất tỉ lệ nội địa từ các DN Việt Nam chỉ không quá 13.2%.

Ông Atsusuke Kawada cho rằng việc nuôi dưỡng nghành công nghiệp hỗ trợ của các sản phẩm điện gia dụng, máy móc văn phòng và ngành công nghiệp linh kiện ô tô là rất quan trọng. Liên quan đến ô tô và  các nghành sản xuất linh phụ kiện liên quan thì để mở rộng qui mô sản xuất ô tô tại Việt Nam cần thiết phải tăng qui mô sản xuất của các hãng linh phụ kiện liên quan.  Nếu không trông chờ được vào điều này thì việc sản xuất linh phụ kiện ô tô với giá thành thấp là rất khó khăn và tôi nghĩ là không dễ dàng để phát triển được nghành công nghiệp hỗ trợ có liên quan đến các linh phụ kiện cho ô tô.

“Rất nhiều các hãng sản xuất lớn của Nhật Bản thì hoàn toàn trông cậy vào việc nhập khẩu linh phụ kiện từ khu vực Hua Nan Trung Quốc. Tôi nghĩ là Chính phủ Việt Nam cần dồn sự chú tâm vào việc nuôi dưỡng các DN Việt Nam để có thể sản xuất được những linh phụ kiện thay cho việc phải nhập khẩu chúng từ Trung Quốc”, ông Atsusuke Kawada khuyến nghị.

Tại Diễn đàn, GS.TS Tuất nhận định, đây là thời điểm vàng, chín muồi để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Nhà nước cần tạo những nguồn tín dụng phối hợp với các lồng ươm doanh nghiệp, cụm công nghiệp để sinh sản ra những doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ mới. 

Sau khi hình thành các lồng ấp doanh nghiệp sẽ mời các chuyên gia, các hãng, các nhà cung cấp tương lai vào đào tạo, hỗ trợ tại chỗ để tạo sự kết nối. Và khi thành công thì các đối tác này cũng chính là đơn vị sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.

“Theo tính toán của tôi, đến năm 2020, chúng ta sẽ có khoảng 5.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và đến năm 2025, số lượng sẽ tăng lên mức 10.000- 20.000 doanh nghiệp. Lúc đó ta mới có thể có ngành công nghiệp hỗ trợ”, ông Tuất kỳ vọng.

Theo GS. Tuất, Thái Lan bước vào công nghiệp hỗ trợ bằng chi tiết nhựa và đến nay họ đã thành công. Ông cho rằng các đề án, chính sách nên ưu tiên công nghiệp nhựa, chi tiết linh kiện nhựa và linh kiện cơ khí bởi nó phù hợp với điều kiện kinh tế, khoa học, trình độ của đất nước.

Cơ hội nào cho ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam?
Sau nhiều năm chỉ hướng tới thị trường nước ngoài, không ít doanh nghiệp Việt giờ mới "giật mình" tìm cửa trở về thị trường nội địa.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư