Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo người dân không nên tích trữ Molnupiravir
Trọng Tín - 07/03/2022 22:07
 
Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết 3 công ty dược có thể sản xuất 2 triệu viên thuốc mỗi tháng. Đồng thời, thuốc này có thời hạn sử dụng ngắn, người dân không nên dự trữ.

Trao đổi tại họp báo về tình trạng người dân có tâm lý dự trữ thuốc kháng virus Molnupiravir, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết, hiện nay, Bộ Y tế đã cấp phép cho 3 công ty dược lớn sản xuất thuốc kháng virus. Năng lực sản xuất thuốc khoảng 2 triệu viên/tháng nên sẽ không thiếu thuốc.

a
bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo người dân không nên tích trữ thuốc  kháng virus Molnupiravir.

Thời gian tới, sẽ có thêm một số công ty dược được cấp phép sản xuất thuốc điều trị Covid-19.

Bên cạnh đó, bà Mai cho rằng, thời hạn sử dụng của thuốc điều trị Covid-19 ngắn hơn một số loại thuốc, nên việc trữ không có lợi.

Ngoài ra, thuốc kháng virus là thuốc điều trị theo chỉ định của bác sĩ nên người dùng cần tuân thủ hướng dẫn sử dụng thuốc.

Vì những lý do trên, theo bà Mai, sẽ không thiếu thuốc, thậm chí giá thuốc có thể giảm theo quy luật cung cầu, nên người dân không nên tích trữ thuốc.

“Ta không cần tích trữ, không tốt. Sắp tới, các công ty dược sản xuất rầm rộ thì khả năng còn giảm giá nữa”, bà Mai khẳng định.

Về việc Bộ Y tế đã đề xuất cho F1 đi làm khi đáp ứng một số điều kiện và F0 có thể làm việc trực tuyến tại nhà, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho hay ngành y tế đang thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Y tế về việc phân loại F0, F1.

Đối với chỉ đạo này, định nghĩa F1 có các điều kiện hạn chế nên số lượng F1 không nhiều. “Mục tiêu là quản lý kiểm soát tốt F0, F1 để ngăn lây nhiễm cho cộng đồng và các đối tượng có nguy cơ. Như vậy, địa bàn Thành phố chưa có hướng dẫn cho F1 đi làm bình thường nên vẫn thực hiện theo đúng quy định của Bộ Y tế”, bà Mai nói.

Thông tin thêm về diễn biến dịch bệnh tại TP.HCM, bà Mai cho biết hiện nay không có chỉ tiêu báo cáo với Bộ Y tế về tỷ lệ người tái nhiễm Covid-19. Chính vì vậy, liên quan độ trở nặng của người tái nhiễm Covid-19, TP.HCM hiện chưa có báo cáo ban đầu.

Tuy nhiên, ngành y tế có theo dõi, quan sát số liệu ca nhiễm Covid-19 chuyển nặng cũng như ca tử vong trên địa bàn trong thời gian qua. Theo đó, các ca chuyển nặng trên địa bàn có dấu hiệu hơi tăng, còn ca tử vong vẫn đang giảm sâu.

Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết ngành y tế sẽ tiếp tục theo dõi, giám sát tốt đối với trường hợp chuyển nặng, tử vong để báo cáo với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM.

Đồng thời, để giữ vững thành quả phòng, chống dịch Covid-19, Sở Y tế TP.HCM đã có những giải pháp cụ thể để ứng phó tình hình ca nhiễm tăng. Đơn cử như bố trí sắp xếp các cơ sở thu dung điều trị Covid-19 ở các quận huyện, các khu chế xuất - khu công nghiệp, bệnh viện để có thể kích hoạt lại kịp thời khi cần thiết; mở chiến dịch bảo vệ người có nguy cơ; xét nghiệm tầm soát để phát hiện người có nguy cơ cao là F0 và có hướng điều trị; thực hiện hạn chế nguy cơ lây lan trẻ em sang nhóm người có nguy cơ; điều chỉnh các hoạt động theo cấp độ dịch Covid-19...

Ngày 5/3, Bộ Y tế có văn bản gửi Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đề xuất cơ chế cho người dân tự mua thuốc điều trị Covid-19.

Cụ thể, thay vì yêu cầu bác sĩ kê đơn như hiện nay, Bộ Y tế đề xuất người phụ trách chuyên môn về dược tại nhà thuốc, quầy thuốc được phép kê đơn cho bệnh nhân hoặc người mua thuốc kháng virus Covid-19.

Quy định kê đơn gồm: Xác nhận từ cơ sở y tế có dương tính với SARS-CoV-2; Người bệnh tự quay clip quá trình thực hiện test kháng thể tại nhà chứng minh kết quả test dương tính; và người phụ trách chuyên môn về dược căn cứ kết quả, yêu cầu người bệnh ký cam kết và cung cấp bản sao chứng minh thư, căn cước công dân.
[Infographic] Hướng dẫn F0 tự điều trị tại nhà
Hướng dẫn của Bộ Y tế về quản lý người mắc Covid-19 tại nhà.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư