Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Tại sao giá dầu vẫn giảm dù nguồn cung từ Nga bị hạn chế?
Tư Thuần - 12/01/2023 08:57
 
Quy định áp trần giá dầu của các quốc gia châu Âu và G7 đã có hiệu lực. Tuy nhiên, giá dầu thô tiếp tục giảm và đang giao dịch quanh mức thấp nhất kể từ năm 2022 tới nay.

Kể từ ngày 5/12/2022, châu Âu đã gần như ngừng nhập khẩu dầu thô từ Nga qua đường biển, đóng sập thị trường xuất khẩu hàng đầu của Nga. Đồng thời, EU cũng tham gia vào việc áp giá trần đối với dầu thô Nga cùng với các nước G7. Theo đó, bất kỳ nước nào muốn tiếp cận các dịch vụ của phương Tây để vận chuyển dầu Nga phải đáp ứng yêu cầu mua dầu Nga dưới mức giá trần 60 USD/thùng.

Đáp lại lệnh cấm vận, Nga cho biết sẽ ngừng xuất khẩu dầu tới bất kỳ quốc gia nào thực hiện áp trần giá dầu. Chỉ trong vài giờ, vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng đã có thể nhìn thấy rõ ràng, khi hàng loạt tàu chờ dầu xếp hàng tại eo biển Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong bối cảnh này, thông thường, giá dầu sẽ ngay lập tức được đẩy lên cao hơn, nhất là khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh (được gọi là OPEC+) đồng thời thông báo sẽ giảm mạnh sản lượng.

Tuy nhiên, giá dầu Brent tiêu chuẩn quốc tế hiện giao dịch quanh khoảng 76 – 78 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ năm 2022.

Vậy điều gì đang diễn ra?

Nguồn cung từ Nga vẫn dồi dào

Việc châu Âu áp đặt lệnh cấm vận đối với hoạt động nhập khẩu dầu từ Nga – quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới nhằm buộc Nga phải có sự điều chỉnh trong cuộc xung đột Nga – Ukraine, đồng thời làm giảm nguồn thu từ dầu mỏ của quốc gia này.

Theo đó, cơ chế giá trần áp lên dầu Nga vận chuyển qua đường biển có hiệu lực từ ngày 5/12 và với mọi tàu chở dầu, thậm chí cả tàu chờ dầu tới châu Á. Tuy nhiên, giới chuyên gia đưa ra quan điểm, lệnh cấm vận này thậm chí có lợi cho Nga, khi người mua sẽ chấp nhận trả tiền mặt, giúp Nga thu được “tiền tươi”. Trong khi đó, các quốc gia châu Âu rơi vào hoàn cảnh thiếu năng lượng để sử dụng, đẩy lạm phát tiếp tục gia tăng.

Điều ai cũng nhận thấy là mức giá trần 60 USD/thùng mà G7 áp cho dầu Nga cao hơn giá dầu mà Nga đang bán cho các nước như Trung Quốc, Ấn Độ kể cả sau khi chiết khấu.

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu ngày 6/1/2023 cho biết, mức giá trần 60 USD/thùng hiện tại có tác động rất hạn chế tới nguồn thu từ dầu mỏ của Nga. Tuy nhiên, quốc gia này vẫn sẽ có hành động thích đáng để đáp lại các quốc gia thực hiện áp giá trần.

“Nguồn cung từ Nga ra thị trường toàn cầu duy trì ở mức cao trong cả năm 2022. Nếu có sự sụt giảm, thì cũng chỉ bắt đầu vào cuối quý I/2023”, Florian Thaler, người đứng đầu OilX – công ty theo dõi thị trường dầu mỏ toàn cầu cho biết.

OPEC+ không giảm sản lượng sâu

Vào tháng 10/2022, nhóm OPEC+ tuyên bố giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày – tương đương với khoảng 2% nguồn cung dầu toàn cầu. Khi đó, các quốc gia phương Tây nhanh chóng lên tiếng xem đây là động thái “ủng hộ” Nga, trong khi Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) nhận định, OPEC+ tạo ra mối nguy hại đối với nền kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, diễn biến trong 5 tuần gần đây cho thấy, động thái của OPEC+ là khôn ngoan. Cụ thể, giá dầu không tăng mạnh mà theo hướng giảm. Việc hạ sản lượng là cần thiết để tránh giá dầu giảm quá sâu.

Bên cạnh đó, mức cắt giảm sản lượng thực tế của OPEC+ nhỏ hơn nhiều so với con số được đưa ra, chủ yếu mới một số nhà sản xuất như Angola và Nigeria thậm chí còn chưa chạm tới hạn mức được phép. Theo các chuyên gia, sản lượng dầu chỉ giảm khoảng 1 triệu thùng/ngày, so với mức 2 triệu thùng/ngày được công bố.

 

Diễn biến giá dầu kể từ đầu năm 2022

Lo ngại nhu cầu giảm sút

Sau nhiều tháng lo ngại về đứt gãy chuỗi cung ứng, hiện thị trường lại tập trung vào nỗi lo lắng về suy thoái kinh tế toàn cầu, khi các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới mạnh tay nâng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát, hy sinh tăng trưởng kinh tế.

Các nhà băng lớn phố Wall có cái nhìn không lấy làm tích cực về triển vọng 2023. Và tâm lý lo lắng này cũng hiện diện tại thị trường dầu mỏ, nhất là khi đây là thị trường tập trung vào tương lai, với các hợp đồng giao hàng trong vài tháng sau đó.

Mối lo lớn nhất với giới đầu tư hiện tại là Trung Quốc và Mỹ - 2 nền kinh tế đứng đầu, đồng thời là 2 quốc gia tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất. Trung Quốc đã mở cửa trở lại, nhưng diễn biến của hoạt động sản xuất – kinh doanh còn nhiều yếu tố khó đoán định. Trong khi đó, Mỹ có thể tránh được suy thoái, nhưng tiêu dùng năng lượng sẽ theo chiều giảm sút. Tổng mức tiêu thụ dầu mỏ của Mỹ hiện chưa quay trở lại thời điểm trước đại dịch, theo số liệu của IEA.

Giá dầu vẫn có cửa tăng

Dù giá dầu đang trong xu hướng giảm, nhưng cơ hội đảo chiều là hiện hữu. Theo giới chuyên gia, bất kỳ dấu hiệu sụt giảm nguồn cung nào từ Nga cũng chỉ được nhận ra vào năm 2023 và nhu cầu tiêu thụ từ Trung Quốc chắc chắn sẽ gia tăng.

“Thị trường sẽ chứng kiến nhu cầu của Trung Quốc từ mức gần bằng 0 năm 2022 lên khoảng 3 triệu thùng/ngày trong năm 2023. Sau đó, nhu cầu từ quốc gia này có thể còn tăng hơn nữa”, Dan Klein tại S&P Global Commodity Insights cho biết.

Chưa kể, chính phủ Mỹ đã dùng “gần cạn” kho dầu dự trữ chiến lược và sẽ bắt đầu mua hàng lấp đầy các kho khi giá dầu WTI giảm xuống dưới 70 USD/thùng.

“Khi đó, Mỹ sẽ từ quốc gia bán khoảng 200 triệu thùng dầu trong năm 2022 trở thành người mua lớn nhất trên thị trường vào năm 2023. Không loại trừ khả năng, 2023 sẽ là năm mà giá dầu và giá khí đốt đạt đỉnh cao mới”, Bill Smead, Chủ tịch Smead Capital Management đánh giá.

Châu Âu đối mặt với "mùa Đông lạnh lẽo" do thiếu khí đốt​
Người dân châu Âu đang đối mặt với một mùa Đông khó khăn do thiếu nguồn cung khí đốt từ Nga, tác động của cuộc xung đột tại Ukraine.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư