Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Tập đoàn Sao Mai: May mắn hay giỏi xoay sở?
Giản Phúc - 09/11/2015 07:25
 
Việc Công ty cổ phần Tập đoàn Sao Mai liên tục tăng vốn thêm hàng ngàn tỷ đồng, nhanh chóng mở rộng hệ thống kinh doanh trong nhiều năm qua có vẻ rất dễ dàng. Tất cả nhờ may mắn hay do giỏi tính toán?

Lớn nhanh như thổi

Sau đợt phát hành thành công hơn 107 triệu cổ phiếu vào tháng 9/2015 vừa qua, Sao Mai Group (ASM) đã nâng vốn điều lệ lên 2.200 tỷ đồng. ASM cũng thể hiện tham vọng nâng con số đó lên gấp đôi trong 2 tháng còn lại của năm nay.

Quá trình tăng vốn của ASM khiến nhiều doanh nghiệp niêm yết khác không khỏi thán phục. Khi lên sàn năm 2009, vốn điều lệ ASM chưa đến 100 tỷ đồng. Nhưng tính đến nay, khoản này đã tăng 22 lần, một con số khủng nhất là trong giai đoạn vừa qua, khi kinh tế trồi sụt, giá vốn tăng cao. Ngay cả việc huy động vốn qua phát hành cổ phiếu trong giai đoạn vừa qua cũng không có nhiều cơ may.

ASM đang tìm cách tập trung vào những ngành dễ thu về nhiều tiền mặt như tăng sở hữu tại công ty thành viên là IDI (đơn vị đứng thứ 4 cả nước về sản lượng xuất khẩu thuỷ sản) lên mức chi phối
ASM đang tìm cách tập trung vào những ngành dễ thu về nhiều tiền mặt như tăng sở hữu tại công ty thành viên là IDI (đơn vị đứng thứ 4 cả nước về sản lượng xuất khẩu thuỷ sản) lên mức chi phối

Dường như ASM là một trong số ít doanh nghiệp may mắn huy động được số vốn lớn qua kênh này. Các đợt phát hành của ASM đều thành công chóng vánh.

Đáng kể nhất là đợt phát hành mới đây, vào tháng 9/2015, ASM phát hành hơn 100 triệu cổ phiếu, thu về hơn 1.000 tỷ đồng chỉ trong 2 tháng. Đặc biệt hơn, lần phát hành này ASM không cần đến đơn vị bảo lãnh phát hành và chỉ cách đợt phát hành liền kề chưa được 1 năm.

Trong kế hoạch cuối năm 2015, ASM định phát hành thêm khoảng 109 triệu cổ phiếu và 1.000 tỷ đồng trái phiếu. Nếu thành công, vốn điều lệ ASM sẽ đạt mức trên 4.000 tỷ đồng. Tham vọng này cũng sẽ giúp ASM tạo nên kỳ tích lần thứ 2, tăng vốn gấp 4 lần trong một năm. Lần trước là vào năm 2011, ASM cũng tăng vốn gấp 4 lần lên mức xấp xỉ 400 tỷ đồng. Đặc biệt, khi đó, tỷ lệ tăng vốn kể từ lúc lên sàn của ASM sẽ lên tới 44 lần.

Điều gì khiến nhà đầu tư liên tục bỏ tiền mua cổ phiếu ASM?

Trong năm 2015, ASM đặt mục tiêu tăng 12% doanh thu, nhưng lại tăng gấp rưỡi lợi nhuận sau thuế. Phải thừa nhận rằng, những năm gần đây, ASM luôn vượt một phần kế hoạch lợi nhuận đặt ra. Tuy nhiên, hiệu quả so với tiềm lực và giai đoạn đầu sau khi lên sàn thì chưa cao.

Chẳng hạn, năm 2014, ASM đạt gần 90 tỷ đồng lợi nhuận ròng, nhưng so với quy mô vốn hơn 1.000 tỷ đồng, hiệu quả sử dụng vốn rõ ràng chưa thuyết phục. Thử so với một số công ty cùng ngành như Bất động sản Hudland (HLD), Đất Xanh (DXG) hay Vincom (VIC), lợi nhuận ròng/vốn (ROE) của ASM chỉ bằng khoảng phân nửa. So với thời điểm đỉnh cao của chính ASM là năm 2010, hiệu quả sử dụng vốn năm 2014 chỉ bằng 20%.

Năm 2011 cũng là thời điểm ASM tạo kỷ lục tăng vốn, nhưng hiệu quả kinh doanh cũng không nổi bật. Các chỉ số tài chính đều kém xa năm trước đó. Vậy có phải ASM quá may khi kế hoạch tăng vốn gấp 4 lần đã thành công.

Về góc độ tài chính, có ý kiến cho rằng, một phần sự thành công của ASM do giỏi xoay sở. Cụ thể, có khả năng ASM đã tìm được nhà đầu tư dài hạn, nhưng không muốn lộ diện, nên họ không muốn mua trực tiếp trên sàn. Do đó, sau khi bán cho cổ đông số lượng nhỏ, số bị ế còn lại bán ngay cho những nhà đầu tư vừa nói. Chẳng thế mà sau khi ASM ế hơn phân nửa và ba phần tư lượng phát hành trong hai đợt gần đây, đã có nhà đầu tư lập tức mua hết.

Nhà đầu tư ẩn danh được lợi gì? Về giá, trong thời gian phát hành cổ phiếu, thị giá ASM chỉ xoay quanh 10.000 đồng/cổ phần, chẳng khác gì giá mua trên sàn. Như vậy, họ không có lợi gì nhiều giữa giá được phân phối riêng và giá bán cho cổ đông. Nhưng nếu tính đến yếu tố ẩn danh của phát hành riêng lẻ thì có thể tạm lý giải được.

Cũng có ý kiến cho rằng, khi mua lại cổ phiếu từ cổ đông hiện hữu không mua hết, nhà đầu tư mua riêng lẻ sẽ lách được quy định hạn chế chuyển nhượng 1 năm. Nhưng đây không phải là lý do khi theo xác nhận của đại diện ASM, các nhà đầu tư này vẫn bị hạn chế chuyển nhượng.

Thật ra, các cách lý giải trên cũng chưa hoàn toàn ổn thoả. Vì nếu nhiều nhà đầu tư quan tâm ASM thật, thì đợt phát hành vừa rồi, gia đình chủ tịch ASM không phải mua phụ một tay. Cụ thể, ông Lê Thanh Thuấn (Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc ASM) và hai con gái đã mua mỗi người 10 triệu cổ phần trong tổng số hơn 81 triệu cổ phiếu ế. Hiện tại, ông Thuấn và gia đình nắm khoảng 44% cổ phần ASM.

Nếu nhìn lại những đợt phát hành vừa qua, hẳn không ít nhà đầu có thể thừa nhận ban lãnh đạo ASM quá khéo léo, vì có thể thu xếp tăng vốn thành công liên tục mà không cần đến sự hỗ trợ của tổ chức phát hành chuyên nghiệp nào.

Ông Trương Vĩnh Thành, Phó tổng giám đốc ASM cho rằng, thành công từ phát hành cổ phiếu của Công ty đến từ nhiều nguyên nhân. Một là, ASM tham gia vào một số lĩnh vực mà nhiều doanh nghiệp khác đang gặp khó khăn, nhưng vẫn đạt kết quả tốt, như bất động sản. Các số liệu kinh doanh cũng cho thấy, lợi nhuận từ mảng bất động sản của ASM kể từ năm 2014 đã bắt đầu tăng trở lại. Hai là, ASM cũng liên tục mở rộng đầu tư thêm nhiều dự án mới.

“Chính hiệu quả này thể hiện Công ty có năng lực quản trị và tiềm năng tài chính khả quan”, ông Thành nhận định.

Tiền đâu làm dự án triệu đô?

Sau khi huy động thành công hàng ngàn tỷ đồng, ASM đồng thời công bố kế hoạch đầu tư vào hàng loạt dự án.

Tháng 8/2015, ASM xin mua Đại học An Giang, rồi đề xuất đầu tư khách sạn 5 sao tại Đồng Tháp. Tính riêng khách sạn, giá trị đầu tư đã lên đến 600 tỷ đồng. Liền tiếp đó không lâu, ASM công bố rót 60 tỷ đồng vào một công ty ở Phú Quốc vào đầu tháng 10/2015. Đến giữa tháng này, Tập đoàn công bố khởi công nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi trị giá 20 triệu USD (khoảng 450 tỷ đồng). Các dự án mới này có giá trị xấp xỉ một đợt phát hành cổ phiếu gần đây của ASM.

Xa hơn, mục tiêu trong hai năm 2015 – 2016, ASM sẽ đầu tư gần 13.000 tỷ đồng để tiếp tục hoàn thành 15 dự án, có tổng diện tích trên 444 ha. Vấn đề đang nổi lên là, liệu ASM có đủ tiền cho những tham vọng đầu tư mới hay không.

Để cấp hàng ngàn tỷ đồng cho đầu tư, hẳn ASM không thể chỉ dựa vào vốn tự có. Bởi dòng tiền mỗi quý của Công ty chỉ vài chục tỷ đồng, tiền mặt hàng quý cũng hai ba trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quý III/2015, ASM thu được gần 900 tỷ đồng từ đợt phát hành tăng vốn, đẩy nguồn tiền mặt lên gần 1.300 tỷ đồng. Dù vậy, đó cũng chưa phải là tin vui, bởi số tiền thu được từ phát hành đã có kế hoạch rót hầu hết cho các dự án cũ. Tiền đâu làm dự án mới?

Ông Trương Vĩnh Thành giải thích rằng, các dự án sẽ được thực hiện theo phân kỳ đầu tư, chứ không dồn hết vào một lúc. Chẳng hạn, như dự án Đại học An Giang, theo ông Thành, khả năng vài ba năm nữa mới được giao.

Nhìn vào giá trị các dự án, có thể thấy con số rất lớn, nhưng thực tế, giá trị góp vốn của ASM chỉ là một phần. Như Dự án Khách sạn 5 sao tại Đồng Tháp, ASM chỉ góp 20% vốn. Cộng với yếu tố phân kỳ đầu tư dần dần, áp lực vốn của ASM trên thực tế không quá lớn.

Dù vậy, để đầu tư nhiều dự án cùng lúc, dù góp vốn một phần thì ASM cũng buộc phải chi ra số tiền không nhỏ. Theo ông Thành, để giải quyết bài toán này, ASM sẽ dùng nhiều nguồn vốn khác nhau, ngoài vốn tự có, ASM vay thêm ngân hàng và sử dụng vốn từ phát hành cổ phiếu. Kế hoạch phát hành trên 100 triệu cổ phiếu nữa trong hai tháng cuối năm cũng nhằm phục vụ bài toán này.

Hơn thế, quan sát quá trình tái cấu trúc của Công ty, dễ thấy ASM đang tìm cách tập trung vào những ngành dễ thu về nhiều tiền mặt.  Ngoài việc bán bớt phần vốn tại 5 công ty liên kết, Công ty cũng sẽ tăng sở hữu tại công ty thành viên là Công ty Đầu tư và Phát triển đa quốc gia (IDI) lên mức chi phối. Theo đó, ASM sẽ được hạch toán toàn bộ doanh thu và lợi nhuận từ IDI, đơn vị đứng thứ 4 cả nước về sản lượng xuất khẩu thuỷ sản.

Thật ra, bán cổ phần tại 5 công ty liên kết chưa hẳn mang lại nguồn tiền mặt ngay cho ASM, đây chỉ là một động thái cơ cấu sở hữu. “IDI sẽ nắm giữ các công ty liên kết và trực thuộc trực tiếp ASM”, ông Thành cho biết.

Trước đây, ông Lê Thanh Thuấn cũng từng nhắc đến định hướng đa ngành theo hình thức công ty mẹ – công ty con, thay vì đầu tư trực tiếp. Do đó, các dự án mới vẫn sẽ phụ thuộc trực tiếp vào khả năng vay vốn ngân hàng và tiền từ phát hành cổ phiếu tăng vốn. 

Đợt phát hành sắp tới đây, ông Thành kỳ vọng sẽ thành công, chủ yếu vẫn dựa trên niềm tin về hiệu quả hoạt động của ASM.

Tập đoàn Sao Mai phát hành thành công hơn 100 triệu cổ phiếu thu về trên 1.000 tỷ đồng
Công văn số 6205/UBCK-QLPH, ngày 28/09/2015 của Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước cho biết Tập đoàn Sao Mai (ASM) đã hoàn tất thủ tục báo cáo UBCK nhà...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư