Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 09 tháng 05 năm 2024,
Tây Ninh nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm
Việt Dũng - 19/10/2023 19:24
 
Tây Ninh đã giải ngân 2.612,546 tỷ đồng, đạt 64,32% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; 57,05% kế hoạch HĐND tỉnh giao.

Theo số liệu công khai về tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước 9 tháng năm 2023 của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương được công bố tại Cổng thông tin điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỷ lệ giải ngân của tỉnh Tây Ninh xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố.

Thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tây Ninh cho biết, thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công, đến hết ngày 30/9/2023, Tây Ninh đã giải ngân 2.612,546 tỷ đồng, đạt 64,32% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; 57,05% kế hoạch HĐND tỉnh giao.

Ước giải ngân đến ngày 31/10/2023 là 2.985,515 tỷ đồng, đạt 73,51% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 65,19% kế hoạch HĐND tỉnh giao.

Dự án nâng cấp mở rộng đường 789 đang được đẩy nhanh tiến độ thi công.

Đến ngày 30/9/2023, UBND tỉnh đã bố trí vốn thanh toán khối lượng hoàn thành năm 2023 cho 60 dự án với tổng số vốn là 113,601 tỷ đồng. Qua rà soát, các chủ đầu tư đã thực hiện tốt chỉ đạo của UBND tỉnh về công tác thanh toán, tất toán tài khoản, tích cực giải ngân vốn ngay sau khi bố trí vốn quyết toán dự án hoàn thành.

Đến ngày 31/8/2023, các chủ đầu tư đã thực hiện giải ngân 45 dự án/75,99 tỷ đồng, đạt 66,9% kế hoạch; còn lại 15 dự án chưa thực hiện giải ngân.

Công tác giải ngân vốn đầu tư công mặc dù đạt khá so với cả nước nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu tỉnh đã đề ra; còn vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng; năng lực nhà thầu thi công còn hạn chế làm chậm tiến độ dự án.

Theo Sở KH&ĐT, để hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố cần quyết liệt, tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh những giải pháp đẩy nhanh tiến độ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng;

Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan xử lý kịp thời các vướng mắc, khó khăn của các chủ đầu tư liên quan đến quy trình thẩm định giá đất, phương án bồi thường; chủ động hỗ trợ, hướng dẫn các Phòng TN&MT, Trung tâm Phát triển quỹ đất cấp huyện trong quá trình triển khai thực hiện các thủ tục liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Sở KH&ĐT tham mưu kế hoạch làm việc của Tổ công tác thúc đẩy giải ngân nguồn vốn đầu tư công với các chủ đầu tư, UBND cấp huyện để kiểm tra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.

Phối hợp Sở Tài chính theo dõi sát tiến độ thực hiện giải ngân của các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công. Nhất là các dự án lớn, trọng điểm, các dự án sử dụng vốn ODA. Kịp thời báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, xử lý các đơn vị, địa phương thiếu tinh thần trách nhiệm, năng lực quản lý dự án yếu hoặc vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng vốn đầu tư công.

Chủ động rà soát, báo cáo UBND tỉnh xem xét, trình cấp có thẩm quyền kiên quyết điều chỉnh kế hoạch vốn của các dự án, địa phương chưa bảo đảm tỷ lệ giải ngân sang các dự án, địa phương khác có tiến độ giải ngân vốn nhanh, có nhu cầu bổ sung thêm vốn và có khả năng hấp thụ vốn mà không chờ đề nghị của chủ đầu tư.

UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác theo dõi, thanh tra, kiểm tra; thực hiện tốt công tác giám sát và đánh giá đầu tư, nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, ngăn ngừa và khắc phục những hiện tượng tiêu cực như thất thoát, lãng phí, tham nhũng trong đầu tư công.

Chỉ đạo các phòng Quản lý đô thị, Kinh tế - Hạ tầng huyện, thị xã, thành phố đẩy nhanh tiến độ thẩm định dự án, thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế bản vẽ thi công, tổng dự toán; kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thẩm định; rút ngắn thời gian thẩm định, trình phê duyệt.

Tăng cường, nâng cao chất lượng công tác thẩm định, cần quy định xem xét tổng thể hồ sơ chỉ trả một lần, không trả hồ sơ quá hai lần với nội dung khác nhau, thời gian xem xét và trả hồ sơ không quá 1/3 tổng thời gian thẩm định.

Đồng thời, khẩn trương sắp xếp, bố trí thời gian kiểm tra hồ sơ chất lượng nghiệm thu công trình trong thời gian sớm nhất (tối đa không quá 5 ngày) khi nhận được hồ sơ đề nghị kiểm tra nghiệm thu của các chủ đầu tư.

Tỷ lệ giải ngân của tỉnh Tây Ninh xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố.

Bên cạnh đó, Sở KH&ĐT cũng đề nghị các chủ đầu tư quán triệt, nghiêm túc triển khai thực hiện các chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh trong công tác xây dựng cơ bản; cam kết thực hiện giải ngân vốn đầu tư công được giao.

Các đơn vị chủ đầu tư được giao vốn trong kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 có tỷ lệ giải ngân thấp hơn tỷ lệ giải ngân đã cam kết phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

Khẩn trương lập kế hoạch tiến độ, phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện phương án đền bù, giải phóng mặt bằng song song với quá trình lập hồ sơ dự án, báo cáo kinh tế kỹ thuật ngay sau khi có quyết định phân khai vốn chuẩn bị đầu tư dự án; nhanh chóng xử lý các vướng mắc, khó khăn trong quy trình thẩm định giá đất, phương án bồi thường...

Các chủ đầu tư phải kiểm soát chặt chẽ năng lực của các nhà thầu trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu và thương thảo ký hợp đồng. Bảo đảm đủ số lượng chỉ huy trưởng, kỹ thuật, nhân công phù hợp để thi công các gói thầu. Không để xảy ra trường hợp không bố trí đủ nhân lực thực hiện theo đúng kế hoạch yêu cầu, làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Đôn đốc nhà thầu quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thi công. Hằng tháng so sánh kết quả giải ngân thực tế và cam kết để có biện pháp khắc phục, chấn chỉnh kịp thời. Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra chất lượng công trình, thường xuyên tổ chức kiểm tra tại hiện trường, kiên quyết xử lý vi phạm trong thực hiện hợp đồng thi công.

“Hương sắc Tây Ninh” ngập tràn tại phố đi bộ Hồ Gươm, Hà Nội
Sự kiện Ngày Tây Ninh tại Hà Nội năm 2023 chính thức khai mạc tại phố đi bộ Hồ Gươm, với chương trình nghệ thuật đậm bản sắc Nam Bộ và...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư