Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Thêm bệnh nhân gặp họa vì dùng thuốc giảm đau quá liều
D.Ngân - 14/08/2024 12:01
 
Thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) cho hay Khoa Cấp cứu vừa tiếp nhận bệnh nhân nữ (19 tuổi, Phú Thọ) trong tình trạng mệt lả, đau đầu, chóng mặt sau khi uống 9 viên paracetamol loại 500mg.

Trước đó, bệnh nhân từng mắc Covid-19. Khoảng 12h trưa cùng ngày, bệnh nhân lên cơn sốt cao nên nhờ em trai 5 tuổi pha thuốc hạ sốt.

Tuy nhiên, do không biết nên khi nhận được vỉ thuốc có chứa 9 viên paracetamol 500mg từ tay chị, cậu bé đã hòa tan tất cả vào cốc nước và đưa chị uống.

Nhiều trường hợp suy gan, suy thận vì dùng thuốc giảm đau.

8 giờ sau khi uống thuốc, bệnh nhân mệt lả, đau đầu, chóng mặt được gia đình đưa đến viện điều trị. Do vượt quá thời gian nên việc rửa dạ dày không còn tác dụng.

Các bác sỹ dùng thuốc giải độc và thải trừ paracetamol, theo dõi sát các triệu chứng. Sau 2 ngày điều trị, hiện tình trạng bệnh nhân ổn định, các dấu hiệu sinh tồn trong giới hạn bình thường.

Trước đó cũng về tác hại do dùng quá liều thuốc giảm đau, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết cơ sở tiếp nhận bệnh nhân nữ trẻ tuổi, tên T.P.H ngộ độc nặng thuốc Paracetamol.

Bệnh nhân vào viện trong tình trạng tỉnh chậm, da, niêm mạc nhợt, thể trạng suy kiệt, tim nhịp nhanh, phù 2 chi dưới, bụng chướng nhẹ, ấn đau vùng hạ sườn phải.

Theo chia sẻ của người nhà bệnh nhân, 10 giờ trước khi vào viện, người bệnh đã uống cùng lúc 60 viên Paracetamol 500mg. Sau khi uống, người bệnh đau bụng, buồn nôn nên được người nhà đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cấp cứu.

Các bác sỹ điều trị cho rằng, đây là liều thuốc rất cao, gấp khoảng 30 lần so với liều thông thường trong 1 lần uống ở 1 người lớn 50 kg. Bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc cấp Paracetamol giờ thứ 10 và được điều trị giải độc ngay sau đó.

Thông tin Bệnh viện Bạch Mai cũng cho thấy đã có nhiều bệnh nhân lạm dụng hoặc dùng quá liều thuốc hạ sốt phải nhập viên cấp cứu thời gian qua.

Theo chuyên gia, hiện trên thị trường mỗi nước có thể có tới hàng trăm biệt dược có tên gọi khác nhau có chứa thành phần chính là paracetamol, trong đó với dạng viên có hàm lượng Paracetamol mỗi viên phổ biến là 500mg. 

Ngoài ra, thuốc có thể ở dạng viên đặt hậu môn, gói bột hoặc xy-rô. Các sản phẩm thuốc có thể chứa Paracetamol đơn thuần hoặc các thành phần khác ngoài Paracetamol là các thuốc giảm đau khác phối hợp như các chất dạng thuốc phiện (như Codein, Tramadol), hoặc các thuốc loại kháng histamine như Chlorpheniramine, các thuốc co mạch giúp giảm ngạt mũi như Phenylephrine, các thuốc giảm ho như Dextromethorphan, Codein. 

TS.Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, Paracetamol (tên gọi khác là Acetaminophen) là thuốc có tác dụng giảm đau, hạ sốt mức độ trung bình.

Đây là nguyên nhân gây ngộ độc thường gặp nhất ở các nước phát triển. Ở Việt Nam, ngộ độc cấp Paracetamol đã trở thành nguyên nhân ngộ độc thường gặp.

Ngộ độc Paracetamol do một trong hai nhóm nguyên nhân: Chủ động uống quá liều tự tử (thường được phát hiện sớm, điều trị kịp thời); lạm dụng thuốc, dùng sai dẫn tới quá liều mà không biết khi giảm đau, hạ sốt tại nhà.

Trường hợp thứ hai này rất dễ xảy ra, thường với người sốt cao, kéo dài, đau nhiều, đau mạn tính... Đặc biệt, người có thể trạng gầy yếu, suy nhược, ăn kém, sốt cao hoặc nhiễm trùng nặng kéo dài, thường xuyên uống nhiều rượu bia đặc biệt dễ bị ngộ độc Paracetamol.

Ngoài ra, những người đang dùng các thuốc chữa bệnh khác có thể làm tăng độc tính của Paracetamol như thuốc trị bệnh lao, chữa động kinh. Những người này nên dùng Paracetamol liều thấp nhất có thể.

Các biểu hiện ngộ độc ban đầu thường kín đáo, thậm chí không có biểu hiện, hoặc có thể nhầm với triệu chứng của bệnh gây đau, sốt. Tuy nhiên, khi xét nghiệm, người bệnh có thể bị men gan tăng dần, bắt đầu từ ngày thứ 2-3 trở đi.

Với trường hợp ngộ độc do lạm dụng thuốc, tổn thương gan có thể chậm hơn. Khi bệnh nhân bị vàng da, chán ăn…, tức là đã muộn. Khi có viêm gan nặng, người bệnh dễ bị suy gan, hôn mê gan, lúc này, tỷ lệ tử vong là trên 50%.

Về liều dùng Paracetamol tối đa theo khuyến cáo, người Việt Nam có thể trạng trung bình và không có các yếu tố nguy cơ nêu trên là: Người trưởng thành (không quá 3 gam trong 24 giờ); trẻ em (15 mg/kg cân nặng cho mỗi lần và không quá 6 lần/24 giờ).

Tuy nhiên, sử dụng liều này cho người có nhiều yếu tố và hoàn cảnh nguy cơ nêu trên lại gây ngộ độc. Trên thực tế, các bác sỹ khi kê thuốc cho người bệnh trưởng thành chỉ kê 1-1,5 gam Paracetamol cho mỗi 24 giờ (tương đương 2-3 viên loại hàm lượng 500 mg). Bác sỹ khuyến cáo tốt nhất là mọi người nên dùng liều thấp nhất có thể.

Để sử dụng an toàn, chuyên gia khuyến cáo người trưởng thành mỗi ngày chỉ nên dùng 2-3 viên Paracetamol loại 500 mg. Người bệnh cần biết rõ tên và thành phần các thuốc đang dùng và sử dụng đúng hướng dẫn.

Người bệnh cần chú ý đến các loại thuốc khác đang dùng, đặc biệt là thuốc chữa bệnh lao hoặc động kinh..., và thể trạng của người bệnh dễ bị ngộ độc Paracetamol (lạm dụng rượu, gầy yếu, suy nhược, ăn kém, nhiễm trùng nặng hoặc các bệnh gây suy mòn).

Bên cạnh đó, theo chuyên gia, người bệnh cần biết rõ tên và thành phần các thuốc đang dùng và dùng đúng hướng dẫn. 

Ngoài ra, theo Giám đốc Trung tâm Chống độc, người bệnh cần chú ý tới các loại thuốc khác đang dùng (đặc biệt một số thuốc chữa bệnh lao hoặc động kinh làm tăng độc tính của Paracetamol) và thể trạng của người bệnh dễ bị ngộ độc Paracetamol (lạm dụng rượu, gày yếu, suy nhược, ăn kém, nhiễm trùng nặng hoặc các bệnh gây suy mòn). 

Luôn kết hợp các biện pháp khác an toàn hơn để hạ sốt, giảm đau như nới rộng quần áo, chườm, tắm nước ấm, uống đủ nước,….Khi bệnh không đỡ hoặc có biểu hiện bất thường thì cần tới cơ sở  y tế gần nhất để kiểm tra.

Phát hiện nhiều thuốc giảm đau, hạ sốt giả trên thị trường
Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế thông báo 4 lô thuốc viên nén Ophazidon điều trị giảm đau, hạ sốt bị làm giả.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư