Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Thị trường phân phối dược phẩm: "Miếng ngon" có dễ "xơi"?
 
Với tốc độ tăng trưởng vượt bậc, tỷ lệ thuận với nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng lớn của người dân, thị trường dược Việt Nam đang là “chiếc bánh ngon” đầy hấp dẫn đối với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, thậm chí là với cả doanh nghiệp ngoài ngành.
Năm 2017, doanh thu của thị trường dược trong nước ước đạt 5,2 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2016
Năm 2017, doanh thu của thị trường dược trong nước ước đạt 5,2 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2016

Số liệu mới nhất của Hãng nghiên cứu thị trường Business Monitor International (BMI) cho thấy, thị trường dược phẩm Việt Nam đang trong giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ. Theo đó, năm 2017, doanh thu của thị trường trong nước ước đạt 5,2 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2016 và được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng hai con số trong vòng 5 năm tới.

Giới chuyên gia cũng nhìn nhận, đây là thị trường kinh doanh đầy tiềm năng khi nhu cầu sử dụng thuốc của người dân ngày càng lớn trong bối cảnh dân số đang tăng nhanh, thu nhập bình quân đầu người tăng cao, dân trí được cải thiện…

Báo cáo nghiên cứu vừa công bố của Vietnam Report mới đây đã chỉ ra rằng, chi tiêu bình quân đầu người dành cho thuốc tại Việt Nam đã tăng dần, từ 9,85 USD trong năm 2005 lên 22,25 USD trong năm 2010 và tăng gần gấp đôi vào năm 2015 (37,97 USD). Mức tăng trưởng trung bình trong chi tiêu dành cho thuốc hàng năm đạt 14,6% trong giai đoạn 2010-2015 và duy trì ở mức tăng ít nhất 14%/năm cho tới năm 2025, chi tiêu dành cho thuốc theo đầu người tại Việt Nam được dự báo tăng gấp đôi lên 85 USD vào năm 2020 và 163 USD trong năm 2025.

“Điều này phần nào lý giải thị trường dược phẩm Việt Nam thời gian qua không chỉ thu hút nhiều nhà đầu tư ngoại, các tập đoàn quốc gia trên thế giới, mà còn trở thành ‘quân bài chiến lược’ của các doanh nghiệp như Thế giới Di động, FPT, Digiworld, Nguyễn Kim… vốn là những doanh nghiệp chuyên phân phối, bán lẻ”, một chuyên gia nhìn nhận.

Cơ hội, tiềm năng của ngành dược là rõ ràng, song bên cạnh những dự đoán lạc quan về một làn sóng mua bán, sáp nhập mạnh mẽ sẽ diễn ra trong thời gian tới ở lĩnh vực này, giới phân tích cho rằng, cần phải thận trọng.

Đánh giá về hiện tượng nhiều doanh nghiệp ngoài ngành dược đang đua nhau nhảy vào mảnh đất màu mỡ này, bà Nguyễn Thu Hà, Chủ tịch Công ty Tư vấn đầu tư Marina Capital cho rằng, đây là xu thế tất yếu khi thị trường dược được đánh giá nhiều tiềm năng. 

Theo bà Hà, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp ứng dụng công nghệ còn yếu, thì các doanh nghiệp công nghệ như trên hoàn toàn chiếm ưu thế. Hơn nữa, các doanh nghiệp này hiện có chuỗi hệ thống phân phối, quy trình quản lý bán hàng đồng bộ, hiện đại và yếu tố quyết định là với nguồn lực dồi dào, họ cần đi tìm dư địa để mở rộng cơ hội kinh doanh.

“Yếu tố nguồn lực hiện nay đã thay đổi nhiều so với 10 năm trước, nhất là ở ngành dược, vì hiện có nhiều công nghệ chiết xuất hiện đại, chất lượng. Điều quyết định ở đây là ai là người chiếm lĩnh được thì trường thì sẽ giành được miếng bánh ngon nhất”, bà Hà nhận định.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Quốc Việt, Phó tổng giám đốc Công ty AVM Việt Nam chuyên về tư vấn đầu tư cho rằng, hiện nay, thị trường bán lẻ lĩnh vực công nghệ và điện tử bắt đầu bão hòa, đòi hỏi những người đi đầu các ngành phải đi tìm dư địa mới cho tăng trưởng. Trong khi đó nhu cầu về dược phẩm, thực phẩm chức năng bảo vệ sức khỏe ngày càng tăng lên.

“Họ nhìn thấy tiềm năng đó, với hệ thống phân phối rộng khắp như Thế Giới Di Động hay FPT, họ đã và đang tận dụng thế mạnh này để lấn sân sang bán rau quả, thực phẩm cao cấp, thì không có lý gì họ bỏ qua thị trường phân phối thuốc đầy tiềm năng. Thậm chí tới đây, có thể họ còn lấn sang cả lĩnh vực thời trang nếu tận dụng tốt lợi thế hệ thống sẵn có”, ông Việt dự đoán.

Cũng theo chuyên gia này, với ứng dụng nền tảng phân phối, kinh nghiệm về quản trị… doanh  nghiệp bán lẻ còn có thể giảm chi phí đầu tư ban đầu, qua đó tăng cạnh tranh lợi thế để chiếm lĩnh thị trường một cách nhanh nhất.

Tuy nhiên, ông Việt cho rằng, vấn đề cần thận trọng ở đây là khi xây dựng hình ảnh và thương hiệu ở nhiều lĩnh vực khác nhau rất có thể lại mang lại hiệu ứng ngược, ảnh hướng tới việc định vị thương hiệu của chính doanh nghiệp đó.

“Cùng một lúc đầu tư quá nhiều lĩnh vực không liên quan đến nhau tạo cảm giác như cửa hàng tạp hóa. Mặt khác, dược phẩm là một lĩnh vực kinh doanh khá đặc thù, là ngành kinh doanh có điều kiện, nên cũng có khá nhiều rủi ro tiềm ấn. Một vấn đề nữa là sẽ cần thời gian bao lâu để họ có thể đạt được điểm hòa vốn, để vận hành trơn tru hệ thống, mức độ chịu được chi phí bỏ ra trong bao lâu để trước khi hệ thống mang lại lợi nhuận? Đó là câu hỏi cần được giải quyết”, ông Việt nhìn nhận.

Phân chia “miếng bánh” dược phẩm tỷ USD: Ai điều khiển cuộc chơi?
Với những kinh nghiệm phân phối, bán lẻ, Thế giới Di động, FPT Retail, Digiworld, Nguyễn Kim hoàn toàn có thể nhảy vào lĩnh vực bán lẻ dược...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư