Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Thị trường trái phiếu sắp đón "mặt hàng" mới
 
Để đa dạng hơn hàng hóa, cải thiện tính hấp dẫn cho thị trường trái phiếu, qua đó giúp Chính phủ thuận lợi hơn trong huy động vốn, Bộ Tài chính và Sở GDCK Hà Nội (HNX) chuẩn bị tung loạt sản phẩm mới ra thị trường.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Huy động 250.000 tỷ đồng trái phiếu

Chia sẻ với các thành viên thị trường tại Hội nghị Thành viên thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) được tổ chức mới đây, đại diện Vụ Tài chính Ngân hàng, Bộ Tài chính, cho biết, mục tiêu huy động vốn từ TPCP của năm 2017 dự kiến là 250.000 tỷ đồng, trong đó 34.395 tỷ đồng trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, 8.000-10.000 tỷ đồng trái phiếu chính quyền địa phương.

Nếu so với kết quả huy động được hơn 280.000 tỷ đồng TPCP trong năm qua, thì mục tiêu huy động vốn TPCP trong năm nay thấp hơn. Dẫu vậy, cả nhà phát hành lẫn các tổ chức đầu tư đều nhìn nhận, để đạt mục tiêu 250.000 tỷ đồng là không ít thách thức, do mặt bằng lãi suất đang chịu sức ép tăng. Mặt khác, khối nhà đầu tư chủ lực trên thị trường trái phiếu hiện tại là hệ thống ngân hàng thương mại cũng không dễ duy trì được mức thanh khoản tốt như năm qua để có thể tăng khả năng hấp thụ lượng trái phiếu lớn.

Ngoài ra, diễn biến USD tiếp tục mạnh lên, cùng với khả năng Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất đang kích thích các dòng vốn đầu tư quay trở lại thị trường Mỹ. Điều này càng làm cho nỗ lực thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài tham gia thị trường trái phiếu Việt Nam thêm thách thức.

Rục rịch tung sản phẩm mới

Để cải thiện tính hấp dẫn, đáp ứng khẩu vị đầu tư của thị trường, qua đó đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu huy động đề ra, đại diện Bộ Tài chính cho biết, các giải pháp hỗ trợ thị trường tập trung vào: trên thị trường sơ cấp, sẽ thí điểm phát hành TPCP có lãi suất thả nổi trong quý II/2017, tiếp tục phát hành TPCP kỳ hạn dài 20-30 năm; trên thị trường thứ cấp, sẽ đưa thị trường phái sinh trái phiếu đi vào hoạt động trong quý I/2017, bắt đầu thực hiện cơ chế chuyển chức năng thanh toán TPCP sang Ngân hàng Nhà nước.

Về kỳ hạn các loại TPCP, Kho bạc Nhà nước cho hay, kỳ hạn từ dưới 1-3 năm chiếm khoảng 20%; từ 5-10 năm chiếm khoảng 60%, từ 15 năm trở lên chiếm khoảng 20%. Tiếp tục duy trì phát hành 3 sản phẩm: trái phiếu thanh toán lãi định kỳ 1 năm/1 lần, trái phiếu có kỳ hạn trả lãi đầu tiên ngắn hoặc dài hơn kỳ hạn chuẩn, trái phiếu không thanh toán lãi định kỳ (zero coupon bond).

Ở vai trò tổ chức, điều hành thị trường trái phiếu, đối với thị trường TPCP, HNX sẽ xúc tiến phát hành trái phiếu chính quyền địa phương xanh trên cơ sở nhu cầu của tổ chức phát hành. Phát triển hệ thống giao dịch trái phiếu có lãi suất thả nổi, chuẩn bị các điều kiện để bổ sung thành viên giao dịch là Kho bạc Nhà nước, ra mắt 2 sản phẩm repos mới là vay TPCP để bán và bán/mua lại (sell/buy back).

Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, ngoài tập trung hoàn thiện Đề án Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, hoàn thiện Dự thảo Thông tư phát hành trái phiếu doanh nghiệp, HNX sẽ xây dựng Cổng thông tin trái phiếu doanh nghiệp.

Về các giải pháp hỗ trợ thị trường trái phiếu phát triển trong dài hạn, trong năm nay, Bộ Tài chính sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Lộ trình Phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017-2020, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 90/2011/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Bộ Tài chính sẽ ban hành Thông tư quy định mua lại TPCP trước hạn tại thị trường trong nước, ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư 234/2012/TT-BTC về hướng dẫn quản lý giao dịch TPCP, TPCP bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương.

Bộ Tài chính cũng sẽ đánh giá Nghị định 01/2011/NĐ-CP về phát hành TPCP, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương để sửa đổi, trong đó nghiên cứu cơ chế cho vay TPCP để hỗ trợ thanh khoản trên thị trường thứ cấp.

Quy mô thị trường trái phiếu sẽ sớm tăng cao
Thị trường trái phiếu sẽ sớm được phổ cập hóa và quy mô có thể sẽ vượt xa thị trường cổ phiếu trong tương lai không xa.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư