Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Thích ứng nhanh hơn để tận dụng cơ hội từ RCEP
Thế Hải - 09/11/2021 08:21
 
Hiệp định RCEP sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2022, tiếp tục mở ra nhiều cơ hội cho hàng xuất khẩu, nhưng cũng đi kèm sức ép nâng cao khả năng cạnh tranh rất lớn.
Ảnh minh họa.
RCEP là bước hội nhập sâu rộng hơn trong khu vực, kết nối được các FTA hiện có giữa các nước thành viên.

Mở rộng xuất khẩu, kết nối chuỗi sản xuất

Là hiệp định thương mại tự do (FTA) bao trùm khu vực chiếm 30% GDP toàn cầu, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đi vào thực thi từ ngày 1/1/2022 sẽ giúp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, kết nối vào chuỗi sản xuất khu vực.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) nhấn mạnh, RCEP là bước hội nhập sâu rộng hơn trong khu vực, kết nối được các FTA hiện có giữa các nước thành viên, giúp thương mại thuận lợi hơn nhờ quy tắc xuất xứ nội khối. Nhờ đó, chuỗi cung ứng trong khu vực được mở rộng và chắc chắn hơn.

“Với Việt Nam, chúng ta nhìn thấy lợi ích lâu dài hơn, xây dựng thị trường xuất khẩu ổn định, dài hạn, qua đó góp phần thực hiện chính sách xây dựng nền sản xuất định hướng xuất khẩu”, bà Nga phân tích.

Việt Nam đã và đang thực thi 14 FTA, nhưng trong đó, những yêu cầu cao về quy tắc xuất xứ tại một số hiệp định khiến các ngành hàng xuất khẩu chưa dễ tận dụng được ngay, hoặc nếu có, thì mới dừng ở tỷ lệ khiên tốn. Với RCEP, nhiều ngành hàng xuất khẩu sẽ dễ dàng có ưu đãi do đang sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu nội khối và dệt may là một ví dụ.

“Trung Quốc, Hàn Quốc, kể cả nhiều quốc gia trong ASEAN đều là địa chỉ cung ứng nguyên liệu chủ yếu cho dệt may, đồng nghĩa với việc giải quyết vấn đề về quy tắc xuất xứ để hàng hóa xuất khẩu được hưởng ưu đãi thuế quan RCEP trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết”, bà Nga nói.

Trước khi RCEP có hiệu lực, doanh nghiệp Việt vẫn có lựa chọn để nhận được ưu đãi thuế quan từ các FTA với ASEAN và các FTA giữa khu vực với Trung Quốc, Hàn Quốc, cộng với các FTA song phương của nước ta với Nhật Bản, Hàn Quốc…, song RCEP sẽ mang lại lợi ích thuế quan đặc biệt.

Doanh nghiệp phải thích ứng nhanh

Bên cạnh những thuận lợi từ RCEP, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM) đề cập nhiều đến những thách thức và lưu ý các doanh nghiệp Việt phải thích ứng nhanh hơn trong việc thực thi Hiệp định từ đầu năm tới.

Theo ông Dương, RCEP có tác động rất tích cực với Việt Nam về xuất khẩu, trong bối cảnh nước ta đang tìm kiếm cơ hội phục hồi kinh tế sau gần 2 năm chịu tác động từ Covid-19. Việc tham gia sâu hơn vào mạng lưới sản xuất ở khu vực nhờ RCEP với những cam kết về thuận lợi hóa thương mại, cắt giảm thủ tục hải quan là vô cùng ý nghĩa. Song, điều quan trọng là các doanh nghiệp cần phải thích ứng nhanh, có sự chuẩn bị tốt, vận dụng kinh nghiệm thực thi 14 FTA hiện hành để RCEP được thực thi hiệu quả, chất lượng.

Những lợi ích dễ nhận thấy về mở rộng không gian xuất khẩu, tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất khu vực đã được nhắc đến nhiều, nhưng quan ngại về nhập siêu từ khu vực RCEP gia tăng cũng là một vấn đề lớn.

Lo ngại nhất là các doanh nghiệp chỉ tập trung nhập khẩu nguyên phụ liệu trong khối để tận dụng ưu đãi thuế quan, “hái quả cành thấp”, mà quên đi việc phải tái cơ cấu sản xuất, dồn lực để đầu tư thượng nguồn.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho rằng, thị trường RCEP đang cung ứng gần 70% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa hàng năm của Việt Nam, thì việc thực thi Hiệp định cũng tiềm ẩn gia tăng nhập siêu, từ đó ảnh hưởng nhiều đến yếu tố vĩ mô khác.

“Doanh nghiệp nào lấy thị trường nội địa làm mục tiêu, thì sẽ phải cạnh tranh với hàng hóa từ RCEP; doanh nghiệp xuất khẩu cũng phải cạnh tranh với các quốc gia cùng xuất khẩu, thậm chí còn có lợi thế lớn hơn về nguồn nguyên liệu. Do đó, mấu chốt để đi đường dài vẫn phải là tự nâng mình lên, phải có nội lực”, bà Trang nói.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng lưu ý doanh nghiệp về mức độ tự chủ trong chuỗi giá trị nội khối, để có thể chủ động khi có biến động, gián đoạn/đứt gãy chuỗi cung ứng.

Thách thức về khả năng thích ứng với thị trường đòi hỏi doanh nghiệp phải chuyển động mạnh mẽ hơn. Đơn cử, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ban hành Lệnh số 248 quy định về đăng ký và quản lý doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài, Lệnh số 249 về biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu. Các quy định này có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp sản xuất thực phẩm của Việt Nam đã và đang có nhu cầu xuất khẩu sang Trung Quốc, nên cần có sự chuẩn bị để thích ứng.           

Doanh nghiệp chờ thời điểm “siêu hiệp định” RCEP có hiệu lực
Các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam kỳ vọng Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực vào đầu năm 2022 để có thể thiết...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư