Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 03 tháng 05 năm 2024,
Thủy phi cơ Việt Nam phát hiện vật thể nghi là cửa máy bay mất tích
Nhóm PV - 09/03/2014 21:20
 
Lực lượng trên chiếc thủy phi cơ của Việt Nam cho hay, phát hiện vật thể màu trắng, hình chữ nhật, lỗ tròn ở giữa, nghi là cánh cửa máy bay.Hiện tàu của cảnh sát biển đã tiếp cận hiện trường. Vụ máy bay mất tích: Đang kiểm tra vật nghi vấn nổi trên biển
TIN LIÊN QUAN

19h40, Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn thông tin, lúc 18h đến 18h15 thủy phi cơ DHC6 đã phát hiện vật thể màu trắng hình chữ nhật, có lỗ tròn ở giữa (có thể là cánh cửa máy bay) tại 8 độ 47' 32''N - 103 độ 22'26'' E, cách Nam đảo Thổ Chu, Kiên Giang khoảng 30 hải lý. Tàu đã nhận lệnh và đang trên đường đến vị trí để xác minh.

Trong buổi tối nay, nếu phát hiện thêm vật thể lạ, các tàu sẽ tiếp tục được tăng cường tìm kiếm.

Thủy phi cơ Việt Nam phát hiện vật thể nghi là cửa máy bay mất tích

Vật thể được thủy phi cơ ghi nhận.

Trao đổi với PV, đại tá Lê Văn Minh, Chỉ huy trưởng cảnh sát biển vùng 4 cho biết, mảnh giống composite được phát hiện cách vật thể màu vàng mà tàu Singapore phát hiện trước đó là 6 hải lý. Hiện tàu CSB 2003 đã tiếp cận hiện trường. Do trời tối nên phải dùng hệ thống rada, ống kính tia hồng ngoại, khoanh vùng tìm kiếm khu vực này.

17h, tại trụ sở Bộ Quốc phòng, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp sơ kết những việc đã làm được về cứu hộ cứu nạn máy bay Malaysia 2 ngày qua.

Thủy phi cơ Việt Nam phát hiện vật thể nghi là cửa máy bay mất tích - ảnh 1

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý lập chốt chỉ huy ở Phú Quốc và đề nghị không lơ là tìm kiếm ở các khu vực khác. Ảnh: Nguyên Anh

Lãnh đạo Bộ Giao thông cho rằng đây là vụ mất tích rất bí ẩn. Máy bay phát tín hiệu cuối cùng ở ngoài vùng thông tin bay (FIR) của Việt Nam nhưng nếu rơi thì khả năng có thể rơi vào FIR của Việt Nam. Bộ cũng xin ý kiến lập đài chỉ huy ở Vũng Tàu, Phú Quốc. Tập trung tìm kiếm và ưu tiên và mở rộng tìm kiếm, yểm trợ các lực lượng nước ngoài tham gia tìm kiếm.

Phó thủ tướng đánh giá dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng, các bộ ngành Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị sớm ngay từ đầu và phối hợp rất tốt với các quốc gia. Các loại máy bay cứu nạn, tàu chiến, tàu SAR, được huy động để tìm kiếm 24/24h.

"Chúng ta cần tiếp tục thực hiện. Hàng không và hàng hải đã báo động toàn hệ thống, vùng rộng. Dù có rơi xuống biển thì khả năng hành khách sống sót vẫn lớn", ông nói.

Theo Phó thủ tướng, Bộ Giao thông có thể lập sở chỉ huy tiền phương ở Phú Quốc để tập hợp thông tin và kịp thời ra phương án triển khai.

16h35, chiếc thủy phi cơ DHC-6, số hiệu VNT 777 của Quân chủng Hải quân do hai phi công gồm đại úy Vương Đang Nam và thượng úy Phạm Vũ Tuấn điều khiển đã cất cánh từ sân bay Phú Quốc ra biển tìm kiếm cứu nạn. Máy bay chở theo 14 thành viên là cán bộ, chiến sĩ, bác sĩ Hải quân khu vực 5 do Thiếu tướng Nguyễn Minh Thành, Phó tư lệnh Hải quân trực tiếp có mặt trên máy bay chỉ đạo tìm kiếm cứu nạn.

Thủy phi cơ Việt Nam phát hiện vật thể nghi là cửa máy bay mất tích - ảnh 2

Đoàn xác định toạ độ bay trước khi thuỷ phi cơ cất cánh từ Phú Quốc ra biển cứu nạn. Ảnh: Đức Đồng

Lợi thế của chiếc thủy phi cơ này là bay với tốc độ cao (khoảng 300km/h) và có thể bay sát mặt biển, khi cần, máy bay cũng có thể hạ cánh và cất cánh trên mặt biển để cứu nạn. Dự kiến, máy bay sẽ bay ra biển trong khoảng 5 giờ đồng hồ trước khi trở về đất liền.

15h50, Trưởng văn phòng hợp tác quốc phòng Đại sứ quán Mỹ, ông Jaky Ly Thang tới Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn (Hà Nội) thông báo vật khả nghi không liên quan tới máy bay mất tích. Thông tin này được xác định sau khi máy bay Mỹ hạ thấp độ cao, tiếp cận hiện trường.

15h40, ông Đinh Việt Thắng, Phó Cục Hàng không cho biết, một máy bay của lực lượng không quân đã lên đường tiếp cận vật khả nghi.

15h25, Đại tá Lê Văn Minh, Chỉ huy trưởng Cảnh sát Vùng 4 cho biết, máy bay C130 của Singapore phát hiện vật thể màu vàng trôi dạt trên vùng biển Malaysia, cách vùng biển Nam Thổ Chu (huyện đảo Phú Quốc, Kiên Giang) 50 hải lý. Trung tâm tìm kiếm cứu nạn Quốc gia điều động tàu CSB 2003 cùng các lực lượng cứu hộ lập tức lên đường tiếp cận vị trí vừa phát hiện để xác minh. "Từ vị trí tàu CSB 2003 chạy đến nơi có vật thể màu vàng khoảng 69 hải lý về phía Đông Nam. Còn tàu CSB 2001 còn lại vẫn tiếp tục dịch chuyển về phía vệt như dầu loang trôi dạt để xác minh, tìm kiếm", Đại tá Minh nói.

15h20, tàu Hải quân đã bắt đầu xuất phát, hiện cách điểm khả nghi 50 hải lý (khoảng 100 km). Dự kiến tàu Hải quân sẽ tiếp cận khu vực này vào lúc 19h tối. Một tàu cứu nạn hàng hải cũng đã xuất phát, dự kiến đến nơi nửa tiếng sau đó, trước khoảng một tiếng so với các tàu của nước bạn. Lúc đến nơi, trời đã có thể tối, tuy nhiên các tàu trên của Việt Nam đều được trang bị đèn pha có khả năng chiếu sáng mạnh, hỗ trợ tìm kiếm trong đêm tối.

15h15, Sau khi nhận được đề nghị từ Malaysia và Singapore, Việt Nam đã lập tức điều tàu biển tiếp cận khu vực phát hiện vật khả nghi.

14h43, Ban chỉ huy của Trung tâm tìm hiếm cứu nạn hàng không nhận được thông báo cùng lúc từ đội tìm kiếm của Singapore và Malaysia. Theo đó, tàu bay của Singapore và tàu biển của Malaysia cùng tìm thấy vật khả nghi trên biển. Tọa độ vật khả nghi mà cả hai phía cung cấp đều giống nhau, ở 08 độ 21 phút 36 giây Đông - 103 độ 13 phút 30 giây Bắc, vị trí này cách 100 km lệch về phía Nam Tây Nam đảo Thổ Chu. Khi đưa ra thông báo này, cả hai phía đều đề nghị Việt Nam có trực thăng hoặc tàu biển gần đó lập tức ra giúp đỡ.

14h42, 2 trực thăng 02 và 04 bắt đầu quay về đất liền mà không phát hiện gì bất thường hoặc nghi vấn liên quan đến máy bay Malaysia mất tích. Trên đường về, trực thăng 04 phát hiện vật màu đỏ giống phao cứu sinh trôi dật dờ trên biển nhưng máy bay đảo lại kiểm tra nhiều lần thì không phải có người bị nạn ôm phao.

14h19, 2 trực thăng đã tìm kiếm được gần 1 giờ nhưng vẫn chưa phát hiện bất thường trên vùng biển nghi vấn. Khu vực này cách Cà Mau khoảng 320 km, rải rác tàu thuyền đánh bắt thủy sản. Thời tiết trên biển nắng nhẹ, gió nhẹ, biển không động nên mắt thường có thể quan sát rõ những vật lạ trên mặt biển từ độ cao 500 m.

Thủy phi cơ Việt Nam phát hiện vật thể nghi là cửa máy bay mất tích - ảnh 3

Cả hai trực thăng 02 và 04 tìm kiếm hơn một tiếng trên vùng biển nghi vấn nhưng chưa phát hiện được gì. Ảnh: Duy Khang

Theo thượng tá Tuấn, ông đã dày dạn kinh nghiệm cứu hộ bằng trực thăng với 30 năm theo ngành. “Ấn tượng nhất là mùa lũ năm 2009 ở Phú Yên, tôi đã cùng trợ lý dù cứu sống 4 người bị nước lũ cô lập giữa suối suốt 3 ngày liền”, thượng tá cơ giới trên không chia sẻ.

14h, Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cho biết, tính đến 10h ngày 9/3, phương tiện tham gia tìm kiếm máy bay MAS 370 bị mất liên lạc là 17 máy bay và 35 tàu. Trong số đó, Việt Nam điều 5 máy bay gồm 3 chiếc AN 26, 1 máy bay tuần thám biển CASA 212 do Quân chủng Hải quân sử dụng được điều về từ Gia Lâm (Hà Nội) và một máy bay thủy phi cơ DHC6 cơ động từ Cam Ranh về Tân Sơn Nhất tham gia tìm kiếm. CASA-212 là máy bay vận tải quân sự đa nhiệm thế hệ thứ 4, được thiết kế chuyên biệt cho nhiệm vụ tuần thám hải quân, với nhiều trang bị kỹ thuật hiện đại theo tiêu chuẩn châu Âu. Ngoài ra còn có 7 tàu và nhiều trực thăng có mặt, vùng tìm kiếm cứu nạn trên không là 12.600 hải lý vuông.

Phía Malaysia đã sử dụng 6 máy bay và 6 tàu tham gia tìm kiếm trong đó có 1 máy bay tầm thấp, 5 máy bay trực thăng, 4 tàu quân sự và 2 tàu cảnh sát biển.

Mỹ đã huy động 1 máy bay P3 và 2 tàu tìm kiếm cứu nạn (trên 1 tàu có 2 trực thăng) trong đó 1 máy bay P3 sẽ đến trưa 9/3. 2 tàu tìm kiếm cứu nạn thì 1 tàu đến từ Nhật Bản, có thiết bị tìm hộp đen trên máy bay và 2 máy bay trực thăng ở trên, 1 tàu đến từ Singapore làm công tác hậu cần, dự kiến chiều 9/3 đến hiện trường.

Phía Trung Quốc đã sử dụng 2 máy bay, 14 tàu tham gia tìm kiếm gồm 10 tàu Hải tuần, 3 tàu Nam Hải Cứu 101, 115, 198, 1 tàu Cảnh sát biển 3411 và 2 máy bay cứu hộ. Sáng ngày 9/3, 2 tàu Nam Hải Cứu và 01 tàu Cảnh sát biển đến hiện trường

Philippin huy động 1 máy bay trinh sát, 3 tàu tuần tra và Singapore huy động 2 máy bay C130, 3 tàu (2 tàu cứu nạn, 1 tàu hỗ trợ) tham gia tìm kiếm.

Ban chỉ huy đang xác định vị trí vật nghi vấn trên bản đồ

Ban chỉ huy đang xác định vị trí vật khả nghi trên bản đồ. Ảnh: Đoàn Loan.

Kế hoạch bay từ sân bay Cà Mau ra biển vào trưa ngày 9/3 của 2 trực thăng Mi 171 ký hiệu 02 và 04 của Trung đoàn 917 thuộc Sư đoàn 370 của Phòng không Không quân Việt Nam là đến vùng biển nghi vấn máy bau Malaysia gặp nạn để tìm kiếm, cứu vớt người bị nạn ngoài biển khi phát hiện có máy bay rơi.

Theo thượng tá cơ giới trên không Phạm Văn Tuấn, cơ trưởng của trực thăng ký hiệu 02 là thượng tá Ngô Vy Sơn cùng lái phụ Nguyễn Đức Tải. Ngồi trong khoang lái còn có thượng tá Nguyễn Văn Đại là chủ nhiệm dù.

Nếu phát hiện người bị nạn, ông Tuấn sẽ kết hợp với trợ lý dù Lê Ngọc Thành nhảy xuống biển đưa nạn nhân lên trực thăng để bác sĩ Đỗ Bá Tuấn cấp cứu.

Sau 1 giờ 30 phút bay từ TP Cà Mau, phóng viên VnExpress trên trực thăng 04 đã có mặt tại vùng biển nghi vấn máy bay Malaysia gặp nạn. Các tàu Hải quân cũng đang có mặt tại vùng biển này để phối hợp cứu nạn cùng với lực lượng tìm kiếm cứu nạn của các nước lân cận.

13h31, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không cho biết chiều tối 8/3, khi Việt Nam thông báo về vệt như là dầu loang, máy bay của Singapore đã bay đến khu vực có tọa độ đó để tìm hiểu thông tin. Tuy nhiên, sau khi xem xét, máy bay của Singapore đã quay về và cho rằng vết như là dầu loang đó không có gì đặc biệt.

"Khu vực nói trên có nhiều tàu cá hoạt động liên tục. Khả năng đây là dầu của tàu cá cũng không thể loại trừ", ông Lại Xuân Thanh nói.

13h, 2 trực thăng Mi 171 của Trung đoàn Không quân 719 (thuộc Sư đoàn Không quân 370) cất cánh cách nhau 5 phút từ sân bay Cà Mau ra khu vực tìm kiếm.

Trong khi đó, tàu cứu hộ chuyên dụng CSB 9003 và tàu CSB 2002 với đầy đủ trang thiết bị hiện đại, cơ số thuốc của Cảnh sát biển Vùng 4 vẫn đang chờ lệnh để bổ sung lực lượng tham gia.

Đại tá Doãn Bảo Quyết, Chính ủy Cảnh sát biển Vùng 4 cho biết, hiện tại hai tàu CSB 2001 và CSB 2003 của đơn vị vẫn đang tiếp tục mở rộng khu vực tuần tra. Hai tàu này có khả năng tham gia tìm kiếm, cứu nạn suốt 1 tháng trên biển.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư