Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tìm cơ hội thời TPP
Nhã Nam - 14/05/2016 10:09
 
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được cho là sẽ mang lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may, da giày. Nhưng đi liền cơ hội là thách thức, liệu các doanh nghiệp Việt Nam có nắm bắt được cơ hội này hay không?

Công ty Xuất khẩu giày Liên Phát (Bình Dương) mới đây đã thực hiện những lô hàng đầu tiên trong đơn hàng xuất khẩu đi Mỹ. Lãnh đạo công ty này cho biết, để tận dụng lợi thế từ TPP, nhiều khách hàng Mỹ đã đến Việt Nam đặt vấn đề gia công với doanh nghiệp.

Liên Phát không phải là doanh nghiệp duy nhất nhận được các đơn đặt hàng từ khách hàng Mỹ. Thậm chí, một làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong đó bao gồm một số nhà đầu tư trong ngành dệt nhuộm, may mặc, giày dép có nhà máy ở Trung Quốc, cũng như các tên tuổi lớn như Adidas, Nike cũng đang lên kế hoạch dịch chuyển sản xuất về Việt Nam để đón đầu cơ hội do TPP mang lại.

Ông Nguyễn Hoàng Nam, Giám đốc Sàn giao dịch bất động sản INFO - Ocean Group là người chơi ngồi ở vị trí CEO trong Chương trình
Ông Nguyễn Hoàng Nam, Giám đốc Sàn giao dịch bất động sản INFO - Ocean Group là người chơi ngồi ở vị trí CEO trong Chương trình

Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam là một trong những thành viên được hưởng lợi nhiều nhất từ TPP, nhất là trong thúc đẩy xuất khẩu, mở rộng thị trường sang các quốc gia thành viên, đặc biệt là Mỹ.

Chẳng hạn, với mặt hàng da giày, khi TPP có hiệu lực, thuế xuất khẩu giày dép của Việt Nam vào thị trường TPP sẽ từ mức cao nhất 57,4% giảm dần về 0%. Chưa từng có cơ hội nào lớn hơn thế để các doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu. Với TPP, thị phần xuất khẩu giày dép của Việt Nam tại Mỹ được dự báo sẽ tăng từ 12% năm ngoái lên mức 22% năm 2019.

“Ngay sau khi kết thúc đàm phán TPP, chúng tôi đã tiếp hơn 20 đoàn doanh nghiệp nước ngoài trong ngành giày dép, họ đi theo dòng chảy của các thương hiệu quốc tế vào Việt Nam. Việt Nam sẽ là công xưởng giày dép của thế giới, nhất là với thị trường Mỹ”, ông Đỗ Long, Tổng giám đốc Công ty Giày dép Bita’s, chia sẻ.

Cơ hội là rất lớn, nhưng câu hỏi đặt ra là các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng được không, hay lại dành cơ hội đó cho các doanh nghiệp nước ngoài? Và liệu có nhất thiết phải “theo TPP” không, hay chỉ cần vững chân ở thị trường nội địa?

Thực ra, xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là xuất khẩu sang thị trường Mỹ, là kế hoạch mà rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam tính đến. Trường hợp của một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất giày dép với thị trường trong nước là chính. Hiện doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn do thị trường trong nước bão hòa, đối thủ nhiều, cạnh tranh lớn, nguy cơ thất bại cận kề. Trước tình hình này, nhận thấy khi TPP có hiệu lực, doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội để vươn ra các thị trường khác trong nội khối, nhất là Mỹ, Hội đồng Quản trị công ty đã thông qua kế hoạch mở rộng thị trường ra nước ngoài. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu và xây dựng phương án triển khai chi tiết, các cổ đông chùn bước và muốn suy nghĩ lại về kế hoạch, vì chi phí đầu tư quá lớn.

Hai bên không thống nhất được quan điểm. Trong khi CEO cho rằng, đây là cơ hội duy nhất để doanh nghiệp sống sót, do vậy, cần đầu tư mở rộng thị trường, phát triển kinh doanh, nâng cấp công nghệ, tập trung vào khâu thiết kế mẫu mã mới để có thể tiến vào các thị trường trong khối TPP, đặc biệt là Mỹ, thì các cổ đông kiên quyết phản bác.

Theo các cổ đông, để thâm nhập thị trường TPP, doanh nghiệp sẽ phải bỏ ra một khoản rất lớn đầu tư tìm nguồn nguyên liệu phù hợp, phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, thậm chí mở rộng sang cả lĩnh vực thiết kế thời trang. Điều này quá sức với doanh nghiệp. Chưa kể, doanh nghiệp sẽ gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt của các đối thủ đã đi trước. Do đó, cách tốt nhất là không kinh doanh ở thị trường TPP, mà nên tìm cho mình một hướng đi khác hoặc tìm thị trường ngách để tồn tại, chờ đợi cơ hội và vươn lên bứt phá sau.

Mỗi bên đều có lý của mình. Không sẵn sàng chấp nhận thách thức để tham gia TPP thì doanh nghiệp không lớn được. Nhưng nếu vội nhảy vào sân chơi mà chưa kịp chuẩn bị, có thể là “lợi bất cập hại”.

Chọn hướng đi nào là cả một vấn đề, bởi nó sẽ quyết định vận mệnh trong tương lai của doanh nghiệp. Đây cũng là bài toán mà nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đang gặp phải.

Chương trình CEO - Chìa khóa thành công kỳ này, với chủ đề “Hội nhập TPP - Lựa chọn thị trường” đã lấy ví dụ của doanh nghiệp da giày nói trên làm tình huống để giải quyết, nhằm góp phần giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tìm được lời giải cho bài toán của mình.

Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của Chương trình CEO - Chìa khóa thành công, do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp Truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất với sự đồng hành của nhãn hàng OTIV.

Đã có Cẩm nang hướng dẫn doanh nghiệp Việt về TPP
Ngày 14/4, tại hội thảo "Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), những điều doanh nghiệp cần biết," Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư