Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 31 tháng 07 năm 2024,
Tìm kiếm nguồn nhân lực chăm sóc sức khỏe chất lượng cao
D.Ngân - 31/07/2024 16:25
 
Nguồn nhân lực chăm sóc sức khỏe chất lượng cao đang là mục tiêu mà các cơ quan hướng tới trong bối cảnh dân số Việt Nam đang già hóa.

Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trong khu vực và trên thế giới.

Đến năm 2036, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già, quá trình quá độ già hóa dân số đến dân số già của Việt Nam ngắn hơn nhiều so với các quốc gia khác.

Hợp tác giáo dục là trụ cột quan trọng trong quan hệ song phương giữa Việt Nam và Australia trong hơn 50 năm qua.

Theo báo cáo Nghiên cứu thị trường các sản phẩm, dịch vụ chăm sóc người cao tuổi ở Việt Nam của VCCI, nhu cầu của thị trường dịch vụ cho người cao tuổi rất triển vọng với 20 triệu “khách hàng tiềm năng” vào năm 2035. Thực tế cũng cho thấy có khoảng 80% người cao tuổi Việt Nam cần hỗ trợ trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.

Báo cáo cũng cho biết, 36% người cao tuổi và gia đình sẵn sàng chi trả cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Hiện nay, phần lớn việc chăm sóc người cao tuổi đều do các thành viên trong gia đình đảm đương. Tuy nhiên, việc chăm sóc ngày càng khó khăn hơn trong bối cảnh thay đổi quy mô các hộ gia đình, tỷ lệ sinh thấp, lịch trình công việc và học tập của các thành viên trong gia đình dày đặc hơn, đặc biệt là sự thiếu khuyết về chuyên môn chăm sóc, các kiến thức y khoa cơ bản.

Theo Tổng cục Thống kê, gia đình có từ 5 người trở lên giảm còn 24.3%, trong khi tỷ lệ các hộ gia đình độc thân tăng lên 10.4% trong những năm qua. Sự chuyển đổi về nhân khẩu học và kinh tế xã hội đang thúc đẩy mạnh mẽ hơn nhu cầu về các dịch vụ xã hội và chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam.

Trên thực tế, mạng lưới y tế và các chương trình đào tạo chính quy trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, trong khi thị trường điều dưỡng tư nhân vẫn đang ở giai đoạn đầu phát triển.

Để đạt được mục tiêu của Chính phủ đề ra, tầm nhìn đến năm 2050 đạt 35 bác sỹ, 4,5 dược sĩ và 90 điều dưỡng trên 10.000 dân, Việt Nam sẽ cần 20.000 sinh viên mới tốt nghiệp mỗi năm.

Theo Bộ Y tế, quy mô đào tạo khối ngành sức khỏe trên cả nước hiện nay là 13.000 sinh viên mỗi năm, đặt ra thách thức cho Việt Nam về việc cải thiện sự thiếu hụt nguồn nhân lực, đồng thời đảm bảo chất lượng đồng đều đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao trong thời kỳ mới.

Nhằm tìm kiếm nguồn nhân lực chăm sóc sức khỏe chất lượng cao, Tọa đàm chuyên đề “Đào tạo nguồn nhân lực chăm sóc sức khỏe chất lượng cao” tại Hà Nội và TP.HCM đã diễn ra và thành công kết nối 8 cơ sở đào tạo của Australia với hơn 140 đại diện từ các hiệp hội, trường đại học, bệnh viện, trung tâm y tế và viện dưỡng lão tại Việt Nam, qua đó thúc đẩy cơ hội hợp tác giữa 2 nước trong lĩnh vực y tế.

Hợp tác giáo dục là trụ cột quan trọng trong quan hệ song phương giữa Việt Nam và Australia trong hơn 50 năm qua. Tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Anthony Albanese thống nhất nâng cấp quan hệ Việt Nam - Australia lên Đối tác Chiến lược Toàn diện thể hiện cam kết hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam thông qua thúc đẩy hợp tác giáo dục nghề. 

Ngài Andrew Goledzinowski, Đại sứ Australia tại Việt Nam chia sẻ tại Tọa đàm, Chính phủ Australia hiểu tầm quan trọng của nền giáo dục đối với việc hỗ trợ các mục tiêu phát triển kinh tế của Việt Nam.

Đại sứ Australia tin rằng các cơ sở đào tạo của Australia sẽ góp thêm động lực giúp Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.  

Chuyến thăm của phái đoàn Giáo dục Australia từ ngày 22-25/7, gồm đại diện từ 8 cơ sở đào tạo nghề hàng đầu của Australia, nhằm tìm hiểu các cơ hội tiềm năng của thị trường chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đang bùng nổ tại Việt Nam, cũng như chia sẻ với đối tác Việt Nam về năng lực đào tạo của Australia đáp ứng các nhu cầu thị trường hiện tại.

Các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục và y tế của hai nước đã chia sẻ các thông tin giá trị về bối cảnh thực tại, cơ hội cũng như các thách thức tại thị trường Việt Nam. Phái đoàn cũng tìm hiểu về mô hình bệnh viện, trung tâm y tế, điều dưỡng tại Việt Nam thông qua các chuyến thăm trực tiếp đến cơ sở.

Bà Rebecca Ball, Tham tán Thương mại và Đầu tư Cấp cao Chính phủ Australia nhấn mạnh, ngành chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam đang mở ra hàng loạt các cơ hội với các dự án đầu tư tư nhân lớn.

Các cơ sở y tế, chăm sóc sức khỏe theo tiêu chuẩn quốc tế được thành lập dẫn tới nhu cầu ngày càng tăng về nhân sự chất lượng cao, đồng thời yêu cầu các ngành nghề mới trong lĩnh vực này.

Australia, với kinh nghiệm và năng lực đào tạo được công nhận trên toàn thế giới, có thể giúp cải thiện, phát triển các kỹ năng thiết yếu cho lực lượng nhân sự tại Việt Nam.

Do vậy, để giải quyết các thách thức trong ngành cần có phương pháp tiếp cận đa chiều và hợp tác sâu rộng hơn giữa các bệnh viện và các tổ chức đào tạo trong và ngoài nước.

Ngoài ra, chương trình tọa đàm do Austrade tổ chức cũng đề cập đến mô hình “Tăng cường năng lực doanh nghiệp” này thông qua hợp tác ba bên, giữa tổ chức đào tạo của Australia, đối tác ngành và tổ chức đào tạo địa phương, giúp xây dựng và cải thiện năng lực của lực lượng lao động hiện hữu.

Mô hình này đã chứng minh hiệu quả vượt trội so với các dịch vụ đào tạo truyền thống khi các phương pháp đào tạo được tùy chỉnh phù hợp với chiến lược phát triển của từng tổ chức, nâng cao năng lực một cách bền vững và “mở đường” cho các sáng kiến đổi mới trong tương lai.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư