Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Tin mới về Covid-19 ngày 25/2: Hơn 81% ý kiến được hỏi đồng ý tiêm vắc-xin cho trẻ
D.Ngân - 25/02/2022 10:32
 
81% ý kiến được hỏi cho rằng họ "Sẵn sàng đưa trẻ em đi tiêm vắc-xin phòng Covid-19" nếu ngành Y tế tổ chức chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em.

Thêm 78.774 ca Covid-19 mới ghi nhận tại 63 tỉnh, thành

Tính từ 16h ngày 24/2 đến 16h ngày 25/2, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 78.795 ca nhiễm mới, trong đó 21 ca nhập cảnh và 78.774 ca ghi nhận trong nước (tăng 9.655 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 54.345 ca trong cộng đồng).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Tuyên Quang (+1.679), Hà Nội (+972), Nghệ An (+795). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bắc Giang (-608), Hải Dương (-507), TP Hồ Chí Minh (-260).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 57.160 ca/ngày.

Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 205 ca mắc Covid-19 do biến thể Omicron.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 3.120.301 ca nhiễm, đứng thứ 30/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 142/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 31.588 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 3.112.985 ca, trong đó có 2.352.802 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP Hồ Chí Minh (528.265), Bình Dương (295.560), Hà Nội (236.800), Đồng Nai (100.923), Tây Ninh (89.723).

15.835 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày

Tổng số ca được điều trị khỏi là 2.355.619 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.235 ca, trong đó, thở ô xy qua mặt nạ là 2.550 ca; thở ô xy dòng cao HFNC là 279 ca; thở máy không xâm lấn là 104 ca; thở máy xâm lấn là 289 ca; ECMO là 13 ca.

Từ 17h30 ngày 24/2 đến 17h30 ngày 25/2 ghi nhận 78 ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 86 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 39.962 ca, chiếm tỷ lệ 1,3% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 23/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 33.384.331 mẫu tương đương 78.848.051 lượt người, tăng 65.466 mẫu so với ngày trước đó. Trong ngày 24/02 có 187.683 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm.

Tổng số liều vaccine đã được tiêm là 192.865.977 liều. Trong đó, số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 176.110.836 liều: Mũi 1 là 70.849.206 liều; Mũi 2 là 67.187.585 liều; Mũi 3 là 1.441.597 liều; Mũi bổ sung là 13.628.967 liều; Mũi nhắc lại là 23.003.481 liều. Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 16.755.141 liều: Mũi 1 là 8.620.184 liều; Mũi 2 là 8.134.957 liều.

Hà Nội số mắc Covid-19 mới tăng gần 10.000 ca

Theo Sở Y tế Hà Nội trong 24 giờ qua ghi nhận 9.836 ca, trong đó có 3.404 ca cộng đồng. Bệnh nhân phân bố tại 542 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã.

Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Đông Anh (904), Sóc Sơn (781), Hoài Đức (611); Nam Từ Liêm (542); Hoàng Mai (521); Bắc Từ Liêm (467).

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021) là 239.974 ca.

Tới hết ngày 24/2, hiện có 370.186 F0 ở Hà Nội đang điều trị, theo dõi. Trong đó có 363.195 F0 điều trị tại nhà (chiếm 98,1% tổng ca đang điều trị); có 1.350 F0 điều trị tại các cơ sở thu dung của Thành phố và quận/huyện (chiếm 0,36%). 

Có 5.641 ca diễn biến cấp độ trung bình, nặng, nguy kịch phải nhập viện điều trị, tương đương hơn 1,5% tổng số ca đang điều trị ở Thủ đô. Trong đó có 357 ca đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, 5.284 người điều trị tại các bệnh viện tầng 2 và 3 của Hà Nội. 

Tổng số người tử vong do Covid-19 tại Hà Nội từ 27/4/2021 đến nay lên 1.002 người. 

Theo Sở Y tế, Hà Nội hiện đã tiêm cho 99,6% người cần tiêm mũi bổ sung. Với mũi nhắc lại, Hà Nội có hơn 4,7 triệu người từ 18 tuổi cần tiêm, trong đó đã tiêm cho hơn 3,37 triệu người – tương đương tỷ lệ 71,7%. Ngoài ra, các bệnh viện Trung ương đã tiêm mũi nhắc lại cho gần 70.000 người.

Tỷ lệ đồng thuận cao

Thông tin từ Vụ Báo chí- xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, từ ngày 11/2/2022 đến ngày 15/02/2022, Viện Dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương đã triển khai cuộc thăm dò dư luận tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, thu thập những thông tin khách quan về ý kiến của các tầng lớp nhân dân chung quanh việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi và công tác phòng, chống dịch Covid-19. 

81% ý kiến được hỏi cho rằng họ "Sẵn sàng đưa trẻ em đi tiêm vắc-xin phòng Covid-19" .

Số lượt người tham gia trả lời là 387.037. Viện Dư luận xã hội đã tiến hành chọn mẫu theo phương pháp ngẫu nhiên phân tầng, chọn 18.743 mẫu, đại diện cho các giai tầng và 6 khu vực kinh tế - xã hội của cả nước. 

Kết quả cụ thể như sau: Về mức độ quan tâm việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi có 78% số người được hỏi cho biết họ "rất quan tâm". Tỷ lệ "khá quan tâm" là 19%. Chỉ 1% số người được hỏi bày tỏ thái độ ít hoặc không quan tâm đến vấn đề này. 

Kết qủa thăm dò về mức độ sẵn sàng đưa trẻ em từ 5-11 tuổi đi tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho thấy đại đa số ý kiến, 81% cho rằng họ "Sẵn sàng đưa trẻ em đi tiêm vắc-xin phòng Covid-19" nếu ngành Y tế tổ chức chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi trong thời gian tới. Tỷ lệ này trong nhóm những người có con trong độ tuổi từ 5-11 tuổi là 80%.

Tỷ lệ "Do dự hoặc chưa muốn đưa trẻ em đi tiêm vắc-xin phòng Covid-19" là 12%. Chỉ có 3% cho rằng họ "Không sẵn sàng đưa trẻ em đi tiêm vắc-xin phòng Covid-19".

Thông tin từ thăm dò này cũng cho thấy trong số những người sẵn sàng đưa trẻ đi tiêm vắc-xin phòng Covid-19, đa số ý kiến (70%) cho biết họ sẵn sàng cho con, cháu đi tiêm vì: "Mong muốn con, cháu mình được an toàn trước dịch bệnh, nếu có nhiễm bệnh cũng nhanh khỏi, không bị nặng".

Điều kiện để được mua thuốc Molnupiravir

Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết các sản phẩm thuốc Molnupiravir do Việt Nam sản xuất đã được Bộ Y tế chính thức công bố giá bán lẻ. Các doanh nghiệp đã cung ứng thuốc cho các đơn vị phân phối dược phẩm. Đến ngày 24/2, thuốc Molnupiravir đã có tại các cửa hàng thuốc tây trên địa bàn Thành phố.

Tuy nhiên, người bệnh bắt buộc phải có đơn thuốc do bác sỹ trực tiếp chịu trách nhiệm theo dõi Covid-19 kê mới được mua. Bác sỹ kê đơn có thể là bác sỹ của Trạm Y tế, Trạm Y tế lưu động, bệnh viện hoặc bệnh viện tư nhân. 

Bác sỹ phải khẳng định bệnh nhân mắc Covid-19 và đủ điều kiện dùng thuốc Molnupiravir, để phòng ngừa tất cả các biến chứng, tai biến có thể xảy ra.

Lãnh đạo TP.HCM khuyến cáo việc mua hộ thuốc Molnupiravir gửi cho người thân ở các tỉnh, thành phố khác là việc rất nguy hiểm. Bởi điều kiện bán thuốc kháng virus cho người dân rất chặt chẽ, nhằm bảo vệ người uống, bảo vệ cộng đồng. Việc sử dụng bừa bãi thuốc kháng sinh hay kháng virus sẽ dẫn đến nguy cơ kháng thuốc, đe dọa đến cộng đồng.

Được biết, hiện số trẻ em nhiễm Covid-19 trên địa bàn TP đang tăng cao. Cụ thể, số trẻ nhiễm từ ngày 14/2 đến 21/2 gấp 3 lần so với tuần trước (từ 7/2 đến ngày 13/2).

Trước tình hình này, TP.HCM đã có kế hoạch chăm sóc trẻ em bị nhiễm, đó là thực hiện chiến dịch bảo vệ trẻ em, trong đó ưu tiên bảo vệ trẻ có nguy cơ như béo phì.

Chiến dịch này gồm 7 nội dung: Cung cấp số điện thoại để tư vấn từ xa, giải đáp thắc mắc cho phụ huynh, thân nhân, người chăm sóc bệnh nhi; tập huấn giáo viên nhận biết các dấu hiệu trẻ nhiễm Covid-19 để xử lý; 

Tập huấn hệ thống y tế từ trung tâm y tế, trạm y tế, trung tâm y tế lưu động, các bệnh viện nhi trên địa bàn TP;

Phân tầng điều trị và hướng dẫn chăm sóc trẻ tại nhà, trường học; xây dựng kịch bản khi số trẻ mắc gia tăng; tăng cường truyền thông về nguyên nhân, mức độ và các giải pháp, sẵn sàng kế hoạch triển khai tiêm vắc xin cho trẻ dưới 12 tuổi.

Yên Bái số ca mắc tăng cao kỷ lục

 Theo báo cáo của Sở Y tế - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Yên Bái, trong ngày 24/2, trên địa bàn ghi nhận 1.666 trường hợp dương tính với Sars-Cov-2, trong đó có 231 ca cộng đồng, 1.334 F1 được cách ly từ trước đó và 101 trường hợp đi từ tỉnh có dịch về đã được cách ly theo quy định.

Chỉ trong 5 ngày, tỉnh Yên Bái phát hiện hơn 7.000 ca mắc Covid-19 mới, chủ yếu là các bệnh nhân F0 có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng.

Số ca mắc Covid-19 trên địa bàn tỉnh Yên Bái tăng mạnh trong 5 ngày qua (ngày 20/2: 1.275 F0; ngày 21/2: 1.280 F0; ngày 22/2: 1.290 F0; ngày 23/2: 1.556 F0)… chủ yếu là các bệnh nhân F0 có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng được điều trị tại nhà. Lũy kế từ khi có dịch đến tối 24/2, địa phương này ghi nhận 13.997 ca mắc Covid-19.

Theo chia sẻ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Yên Bái, đã hơn 1 năm trôi qua kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện trên địa bàn tỉnh Yên Bái, các thành viên trong Đội Lấy mẫu xét nghiệm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh luôn ở trong tâm thế sẵn sàng nhận nhiệm vụ lấy mẫu, bất kể ngày hay đêm với mục tiêu cao nhất là phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời nhằm không để dịch bệnh bùng phát, lây nhiễm ra cộng đồng.

Tiêm vắc-xin Pfizer cho trẻ từ 5-12 tuổi trong quý I, II
Trẻ từ 5 đến 12 tuổi sẽ được triển khai tiêm vắc-xin trong quý I và quý II. Vắc-xin dùng để tiêm cho trẻ là Pfizer, sẽ tiêm ngay khi được nhập...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư