Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 10/2: Người cao tuổi nhập viện sau Tết tăng; Xử lý nghiêm cơ sở y, dược tư nhân hoạt động "chui"
D.Ngân - 10/02/2023 09:59
 
Theo thống kê của Bệnh viện Lão khoa Trung ương, so với thời điểm trước Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, số lượng người cao tuổi đến khám và điều trị sau Tết tăng khoảng 30%.

Hiện Bệnh viện Lão khoa Trung ương có khoảng 250 bệnh nhân điều trị nội trú tại bệnh viện, phần lớn là bệnh nhân mắc các bệnh lý về hô hấp, viêm phổi, đột quỵ...

Theo Ths.Ds Phan Việt Sinh, Phó giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương trong dịp nghỉ Tết, từ phía bản thân người bệnh và người thân người bệnh cũng lơ là không thể theo dõi chăm sóc sức khỏe người bệnh thường xuyên kỹ càng như ngày thường.

Ảnh minh hoạ.

Đặc biệt, ngay sau Tết có đợt rét đậm làm người có bệnh nền mãn tính như tim mạch, xương khớp, hô hấp... trở nên nặng đột ngột dẫn tới tỷ lệ người cao tuổi phải nhập viện cao hơn.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, ghi nhận những ngày đầu sau Tết Nguyên đán, số bệnh nhân nhập viện tăng gấp 2 lần so với Tết các năm trước, trong đó có nhiều trường hợp đột quỵ. Theo các bác sĩ, nguyên nhân do thời tiết lạnh, thay đổi thói quen sinh hoạt ngày Tết, lạm dụng rượu, bia.

Trung bình mỗi ngày, Trung tâm Cấp cứu A9 tiếp nhận 250 bệnh nhân, có ngày cao điểm lên tới 280 - 300 bệnh nhân. Trong đó, tỷ lệ nặng chiếm tới 40%.

PGS. TS Phan Thu Phương, Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thời điểm giao mùa đông-xuân, thời tiết nồm ẩm sẽ ảnh hưởng tới hệ hô hấp của mọi người, đặc biệt là ở người già, có bệnh lý nền. Vì vậy, theo chuyên gia này, mọi người cần tiêm các loại vắc-xin Covid-19, vắc-xin phòng bệnh hô hấp như cúm hàng năm, vắc-xin phế cầu mỗi 5 năm một lần.

Nguy cơ nhiễm khuẩn hô hấp cao hơn trong những không gian đông đúc và không đủ thông gió. Do đó, để làm cho môi trường của bạn an toàn nhất có thể: Cần tránh không gian kín, đông đúc và tiếp xúc gần. Khi gặp gỡ mọi người bên ngoài như tụ họp ngoài trời an toàn hơn so với trong nhà, nhất là khi không gian trong nhà nhỏ và không có lưu thông với không khí bên ngoài.

Mọi người nên đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Thường xuyên rửa tay sạch bằng dung dịch sát khuẩn có cồn hoặc bằng xà phòng và nước.

Tuân thủ vệ sinh đường hô hấp cũng như các quy định kiểm soát nhiễm khuẩn, bạn sẽ bảo vệ những người chung quanh khỏi virus gây bệnh hô hấp như cúm và Covid-19.

Cần ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Uống nước ấm, tránh ăn uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh. Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, không ăn tiết canh, không sử dụng gia cầm, động vật ốm chết và không rõ nguồn gốc để chế biến thực phẩm.

Chia sẻ kinh nghiệm ứng phó khẩn cấp về y tế công cộng tại các tỉnh biên giới

Bộ Y tế phối hợp cùng Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) và các đơn vị liên quan vừa tổ chức Hội thảo “Chia sẻ phương pháp và bài học kinh nghiệm trong công tác chuẩn bị và ứng phó với các tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng tại các tỉnh biên giới Việt Nam”.

Hoạt động nâng cao năng lực y tế được triển khai 6 tỉnh biên giới (Hà Giang, Quảng Bình, Quảng Trị, Đắk Lắk, Bình Phước, Tây Ninh) và 5 sân bay quốc tế: Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất, Phú Quốc.

Hoạt động đã phần nào trang bị các kiến thức cập nhật về biện pháp phòng, chống dịch và mô hình ứng phó trong tình trạng y tế khẩn cấp tới cán bộ tuyến đầu làm việc tại cửa khẩu, cán bộ y tế các cấp; nâng cao nhận thức của hơn 20.000 người di cư và cư dân sinh sống tại biên giới bao gồm cả nhóm dân tộc thiểu số về tác hại của bệnh truyền nhiễm…

Theo Tổ chức Di cư quốc tế có hơn 1 tỷ người đang di cư trên toàn thế giới và con số này ngày càng tăng. Việc di cư không gây ra bệnh tật, nhưng dân di cư biến động dễ gặp rủi ro hơn do hoàn cảnh di cư, sinh sống và làm việc. Di biến động dân số tác động đến y tế công cộng khi dân di cư tương tác với cộng đồng mà họ đến trong phạm vi và qua đường biên giới ở quy mô lớn hơn.

Đặc biệt, khối lượng, tốc độ và sự dễ dàng đi lại có thể đặt ra thách thức lớn đối với việc kiểm soát bệnh truyền nhiễm. Điều này sẽ càng trở nên trầm trọng nếu hệ thống quản lý biên giới và y tế cộng đồng không được chuẩn bị sẵn sàng. Cần phối hợp hành động chặt chẽ trên toàn hệ thống, đa ngành để ứng phó với các mối đe dọa y tế cộng đồng.

Với nhiệm vụ cốt lõi là di biến động dân số và di cư, IOM tiếp cận việc phòng ngừa, phát hiện và ứng phó với mối đe dọa sức khỏe từ góc độ di cư con người. Để quản lý các vấn đề sức khỏe người di cư, tại Việt Nam đã thành lập Nhóm Kỹ thuật sức khỏe người di cư (NHWG) vào tháng 5/2021.

Nhóm này đóng vai trò là cơ chế điều phối quốc gia cho phép các vụ thuộc nhiều bộ khác nhau quản lý các vấn đề sức khỏe người di cư và phối hợp với các bên liên quan để thúc đẩy xây dựng triển khai các can thiệp, chính sách y tế thân thiện với người di cư.

Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tăng cường củng cố năng lực xét nghiệm chẩn đoán, xác định bệnh tại các Viện Vệ sinh dịch tễ; giám sát chặt dịch bệnh tại các cửa khẩu, cơ sở khám chữa bệnh để phát hiện sớm, ngăn chặn dịch bệnh kịp thời; tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến về các biện pháp phòng, chống, chăm sóc, điều trị bệnh nhân; đẩy mạnh truyền thông; đề nghị WHO, CDC Hoa Kỳ và các tổ chức quốc tế hỗ trợ sinh phẩm chẩn đoán, thuốc kháng virus, vắc-xin phòng bệnh đậu mùa khỉ…

Theo WHO, hiện Covid-19 vẫn là mối đe dọa về y tế cộng đồng; giai đoạn khẩn cấp của đại dịch hiện vẫn chưa kết thúc. Đặc biệt, các biến thể mới làm dịch phức tạp và tăng trở lại. Vắc-xin vẫn là biện pháp quan trọng, khuyến khích các quốc gia chuyển tiếp từ đáp ứng với đại dịch sang quản lý bền vững.

Hà Nội xử lý nghiêm cơ sở y, dược tư nhân hoạt động "chui"

UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 8/2/2023 về việc tăng cường quản lý hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập, thay thế cho Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 2/5/2013.

UBND TP. Hà Nội yêu cầu Sở Y tế chịu trách nhiệm rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục cấp phép, bảo đảm tính chặt chẽ, chính xác, công khai, minh bạch trong hoạt động cấp phép cho các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập.

Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sau cấp phép để kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những tồn tại. Trong đó, tập trung kiểm tra các cơ sở có hình thức kinh doanh tiềm ẩn các yếu tố nguy cơ, rủi ro như: Phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, phòng khám răng hàm mặt, phòng xét nghiệm..., các cơ sở hành nghề có yếu tố nước ngoài.

Yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác quản lý nhà nước và chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND thành phố về hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn.

Kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm đối với các cơ sở dịch vụ y, dược ngoài công lập hoạt động không phép, sai phép, tuyệt đối không để tình trạng cơ sở hành nghề y, dược không phép hoạt động. Tiến hành thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh ngành nghề y, dược có sai phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Đề nghị Công an TP. Hà Nội phối hợp với Sở Y tế, các sở, ngành liên quan và UBND quận, huyện, thị xã trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động các cơ sở y, dược ngoài công lập, đặc biệt là các cơ sở có yếu tố nước ngoài.

Cụ thể, kiểm tra, giám sát hoạt động nhập cảnh, xuất cảnh đối với người lao động nước ngoài hành nghề trong lĩnh vực y tế. Kịp thời điều tra, xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong lĩnh vực hành nghề y, dược ngoài công lập.

Việt Nam thiếu hụt không gian để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi
Dự báo đến năm 2030, người cao tuổi ở nước ta khoảng 18 triệu người, chiếm 17,5% dân số. Việc già hóa dân số nhanh chóng tất yếu kéo theo...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư