Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 12 tháng 01 năm 2025,
Tin mới về y tế ngày 10/3: Nâng cao nhận thức về sức khoẻ thận cho mọi người; Hướng dẫn cách sơ cứu để cứu mạng trẻ bị ngạt sữa
D.Ngân - 10/03/2023 09:14
 
Bệnh viện Việt Đức vừa tổ chức hội nghị hưởng ứng ngày thế giới phòng chống bệnh Thận với chủ đề "Sức khỏe thận cho mọi người - Chuẩn bị cho điều bất ngờ, hỗ trợ đối tượng dễ tổn thương!".

Nâng cao nhận thức về sức khoẻ thận cho mọi người

 

Nhiều chủ đề đã được các chuyên gia chia sẻ tại hội nghị hưởng ứng ngày toàn thế giới phòng chống bệnh Thận như: "Tác động tâm lý và xã hội của bệnh thận mạn tính"; "Bệnh thận đái tháo đường"; "Ghép thận và lọc máu: góc nhìn từ thực tế lâm sàng và kinh tế y tế"; "Chiến lược phát hiện và quản lý sớm bệnh thận mạn tính phòng ngừa tiến triển đến giai đoạn cuối"…

Từ năm 2005, tổ chức Y tế Thế giới đã chọn ngày thứ 5 tuần thứ hai của tháng 3 hàng năm là ngày Thận Thế giới (World Kidney Day).

Theo số liệu thống kê của Hội thận học Thế giới ước tính, có khoảng 3 triệu người bệnh đang phải duy trì sự sống nhờ phương pháp lọc máu (bao gồm chạy thận nhân tạo hoặc lọc màng bụng) và ghép thận.

Ảnh minh hoạ

Theo báo cáo tại Việt Nam, số người suy thận giai đoạn cuối cần phải chạy thận nhân tạo là khoảng 800.000 người. Hiện chi phí điều trị cho các bệnh nhân thận mạn có thể lên tới 14 triệu đồng/ tháng, chưa kể các khoản bệnh nhân tự chi trả. Người mắc bệnh thận cũng chịu những tổn thương tinh thần to lớn trong học tập, việc làm và gia đình. Do đó, khi phát hiện bệnh cần điều trị bảo tồn đúng cách, đúng chuyên khoa và áp dụng phương pháp phù hợp.

TS Nguyễn Thế Cường - Trưởng Khoa Thận lọc máu, Bệnh viện Việt Đức, nhu cầu người bệnh suy thận cần điều trị thay thế thận ngày càng lớn. Lọc máu và ghép thận là các biện pháp điều trị bệnh thận giai đoạn cuối. Mặc dù còn nhiều hạn chế về hiệu quả điều trị, lọc máu vẫn là biện pháp điều trị thay thế thận cho người bệnh thận mạn tính giai đoạn cuối phổ biến. Do đó, các cơ sở lọc máu cần tiến hành áp dụng nhiều biện pháp nhằm cải thiện chất lượng điều trị cho người bệnh lọc máu.

Các chuyên gia khuyến cáo: Khi thận còn khỏe hãy giữ gìn cho thận luôn khỏe. Khi thận suy điều trị bảo tồn đúng cách. Khi suy giai đoạn cuối chọn phương pháp phù hợp và tuân thủ các chỉ định.

Những người có nguy cơ bị tổn thương thận gồm: Người lớn tuổi; người có bệnh mãn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, suy tim hoặc béo phì…; người bị bệnh nặng phải nhập viện, đặc biệt là trong phòng chăm sóc đặc biệt (ICU). 

Các triệu chứng của tổn thương thận có thể bao gồm: Lượng nước tiểu giảm, phù chân, chán ăn, buồn nôn, mệt mỏi. Một số người bệnh có thể không có bất kỳ triệu chứng nào hoặc đối với những người có các bệnh lý nặng khác đi kèm, có thể gây ra các triệu chứng khác.

Nhiều trường hợp tổn thương thận cấp có thể phòng ngừa được một cách đơn giản bằng việc nhận biết sớm các triệu chứng nhằm can thiệp kịp thời. Việc khám sức khỏe định kỳ là một trong những biện pháp để sớm phát hiện dấu hiệu bệnh tật, từ đó có phương án điều trị sớm, mang lại hiệu quả lớn hơn, nhanh hơn.

Bác sĩ hướng dẫn cách sơ cứu để cứu mạng trẻ bị ngạt sữa

Khoa Cấp cứu và chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương vừa tiếp nhận một bé gái 2 tháng tuổi, nhập viện trong tình trạng tím tái, ngừng thở, ngừng tim trước khi đến Bệnh viện. Mặc dù đã được các bác sĩ nỗ lực cấp cứu, nhưng cháu bé đã không qua khỏi.

Theo lời kể của gia đình, trẻ là con lần 3, đẻ non 32 tuần, cân nặng lúc sinh 1.1kg, sau sinh đã được tầm soát sức khoẻ tại bệnh viện và không phát hiện dấu hiệu bất thường, tăng cân phù hợp với lứa tuổi.

Trước ngày nhập viện trẻ không có dấu hiệu bất thường. Sáng ngày 21/2 trẻ được mẹ cho bú sữa bình 2 lần vào thời điểm 5h và 6h sáng, nhưng bú ít, trớ sữa, quấy khóc, bụng chướng. Khoảng 9h trẻ được phát hiện tím tái, kích thích không có phản xạ, được gia đình đưa vào khoa Cấp cứu và chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương.

BSCK2 Phạm Thị Thanh Tâm - Phó trưởng Khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trẻ nhập viện trong tình trạng ngừng thở, ngừng tim, được cấp cứu ngừng tuần hoàn ngay.

Đặt nội khí quản thấy đọng ít sữa trong khoang miệng, nhưng không thấy sữa trong đường thở, Xquang phổi cho thấy tổn thương nhu mô phổi bên phải lan toả. Dịch dạ dày có nhiều sữa chưa được tiêu hoá (dù sau ăn 4 tiếng).

Kết quả chụp Xquang bụng chướng hơi, các quai ruột chứa dịch, đây cũng có thể là kết quả sau ngừng tim, nhưng cũng có thể là một tình trạng viêm ruột tnừ trước đó làm cho em bé dễ bị sặc, dễ trớ hơn trẻ khoẻ mạnh bình thường.

Theo BSCK2 Phạm Thị Thanh Tâm, sặc sữa là một trong những tai nạn thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt với trẻ dưới 2 tuổi. Đây là hiện tượng sữa trào vào đường thở khiến trẻ khó thở, tím tái có thể gây ngừng thở. Nếu không sơ cứu kịp thời có thể gây ảnh hưởng tính mạng cho trẻ.

Nguyên nhân sặc sữa ở trẻ thường là: Trẻ bú, ăn không đúng tư thế; cho bú quá no; Cho trẻ bú khi đang khóc, đang ho; Sữa mẹ nhiều khiến trẻ nuốt không kịp; Núm vú cao su có lỗ thông quá rộng khiến sữa chảy nhiều; Trẻ sinh non tháng nên phản xạ bú – nuốt kém; Trẻ bị dị tật bẩm sinh vùng hầu họng như sứt môi, hở hàm ếch…

Dấu hiệu nhận biết trẻ sặc sữa bao gồm: Khi trẻ đang bú (hoặc sau bú) đột ngột ho sặc sụa, tím tái và lịm đi. Có thể thấy sữa trào qua mũi, miệng

Đối với những trẻ đẻ non, đặc biệt là trẻ suy dinh dưỡng, trẻ có dị tật vùng hàm mặt, trẻ có tình trạng giảm cơ lực (nhược cơ) thì phản xạ ho kém hơn. Dấu hiệu sặc sữa ở những trẻ này diễn ra khá là yên tĩnh, chủ yếu là biểu hiện bằng triệu chứng tím. Giai đoạn đầu sẽ là tím ở quanh môi, quanh góc mũi, có thể thở nhanh, hoặc thở chậm, ngừng thở.

Cấp cứu trẻ sặc sữa: Xử lý đúng cách trong những phút đầu tiên ngay sau khi bé bị sặc là điều vô cùng quan trọng, giúp trẻ nhanh chóng thoát khỏi tình trạng nguy hiểm. Khi trẻ bị sặc sữa, các bà mẹ cần hết sức bình tĩnh và sơ cứu trẻ theo các bước sau:

Nếu trẻ còn ho được: Nghiêng đầu trẻ sang một bên, lau sạch sữa ở mũi, miệng trẻ. Khuyến khích để trẻ ho. Tuyệt đối không dùng tay móc họng trẻ.

Nếu trẻ không ho được, nhưng còn tỉnh: Cho trẻ nằm sấp để đầu thấp hơn ngực trên mặt trong cẳng tay tựa vào đùi. Giữ vùng đầu và cằm trẻ ở tư thế thẳng. Sử dụng gót bàn tay vỗ lưng 5 lần giữa 2 vai của trẻ theo hướng từ trên xuống dưới ra trước.

Sau khi vỗ lưng, dùng cẳng tay còn lại đặt lên lưng trẻ, bàn tay giữ chặt đầu và cổ. Lật ngửa trẻ một cách cẩn thận (giữ chặt đầu và cổ), giữ trẻ nằm ngửa trên mặt trong cẳng tay tựa vào đùi. Giữ đầu thấp hơn cơ thể.

Ấn ngực 5 lần ở vị trí 1⁄2 dưới xương ức, ngay dưới đường liên vú. Mỗi lần đẩy ngực khoảng 1s, cố gắng tạo áp lực đủ để sữa ra ngoài. Lặp lại chu kì 5 lần vỗ lưng và 5 lần ấn ngực cho đến trẻ thở lại hoặc khi trẻ không đáp ứng.

Nếu trẻ bất tỉnh: Lập tức gọi hỗ trợ từ người thân, cấp cứu y tế ( gọi điện thoại, bật chế độ loa ngoài và làm theo dướng dẫn). Người cấp cứu có thể ngồi hoặc quì tùy theo điều kiện.

Ngay lập tức Ép tim – thổi ngạt cho trẻ :

Ép tim: vị trí ½ dưới xương ức, chiều sâu 1/3 đường kính trước sau của lồng ngực

30 lần ép tim - 2 lần thổi ngạt (Nếu chỉ có 1 mình)

15 lần ép tim - 2 lần thổi ngạt (Nếu có ≥ 2 người cấp cứu)

Thổi ngạt miệng - miệng hoặc thổi ngạt miệng - mũi

Hà Nội: Triển khai công tác phòng chống bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe người lao động năm 2023

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 401/KH-KSBT về triển khai công tác phòng chống bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe người lao động thành phố Hà Nội năm 2023.

Theo đó, CDC Hà Nội sẽ tổ chức tập huấn cho cán bộ chuyên trách y tế lao động tuyến quận, huyện về giám sát môi trường lao động, quản lý bệnh nghề nghiệp; vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh; lập hồ sơ quản lý môi trường lao động; thống kê, báo cáo, thu thập thông tin cơ sở lao động, làng nghề.

Tiếp tục cập nhật danh sách và phân loại các cơ sở lao động, làng nghề có nguy cơ tại nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; đưa vào danh sách quản lý và tổ chức giám sát việc thực hiện vệ sinh lao động, chăm sóc sức khoẻ người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp của các cơ sở lao động theo phân cấp trên địa bàn thành phố.

Truyền thông, hướng dẫn cho các cơ sở lao động có nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp về quản lý vệ sinh lao động, chăm sóc sức khoẻ người lao động. phòng chống bệnh nghề nghiệp.

Hỗ trợ đào tạo, tập huấn cho lực lượng sơ cứu, cấp cứu ban đầu tại cơ sở lao động có nhiều nguy cơ về tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Hỗ trợ tập huấn về quản lý vệ sinh lao động, bệnh nghề nghiệp và an toàn phòng chống dịch bệnh cho cán bộ an toàn, nhân sự, y tế của cơ sở lao động.

Về công tác kiểm tra, giám sát, tổ chức giám sát việc thực hiện quản lý vệ sinh lao động, sức khỏe người lao động tại các cơ sở lao động theo phân cấp trên địa bàn thành phố. Tham gia cùng đoàn kiểm tra liên ngành thành phố Hà Nội về việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác quản lý vệ sinh lao động, sức khoẻ người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp tại các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn.

CDC Hà Nội là đơn vị thường trực về chuyên môn trong công tác y tế lao động trên địa bàn thành phố; xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động chuyên môn về công tác quản lý vệ sinh lao động, sức khỏe người lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp.

Thực hiện công tác chỉ đạo tuyến, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện kế hoạch tại các đơn vị y tế và các cơ sở sử dụng lao động trên địa bàn thành phố.

Các Trung tâm y tế quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí thực hiện quản lý vệ sinh lao động, sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp tại các cơ sở sản xuất kinh doanh đóng trên địa bàn.

Chủ trì và phối hợp với các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp, tổ chức liên quan triển khai thực hiện kế hoạch trên địa bàn quản lý…

Trạm y tế xã, phường, thị trấn tổ chức thông tin tuyên truyền, giáo dục sức khỏe về vệ sinh phòng chống dịch, phòng chống bệnh nghề nghiệp; thống kê các cơ sở lao động và các yếu tố có hại trong môi trường lao đông để có biện pháp hướng dẫn chăm sóc sức khỏe cho người lao động…

Tổn thương não, suy tim, suy gan, suy thận vì hút thuốc lá điện tử
Một nữ bệnh nhân ở Hà Nội đang trong tình trạng nguy kịch do hút thuốc lá điện tử.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư