Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 20/12: Thành lập Chương trình bệnh phổi kẽ; Hà Nội thời tiết lạnh, nhưng vẫn hơn 1.100 ca sốt xuất huyết mắc mới
D.Ngân - 20/12/2022 09:30
 
Bệnh viện Phổi Trung ương vừa công bố thành lập Chương trình bệnh phổi kẽ với mục tiêu xây dựng một trung tâm chuyên sâu chẩn đoán và điều trị bệnh phổi kẽ tiêu chuẩn, tiên tiến.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Bệnh phổi kẽ cho biết: "Sự ra đời của Chương trình bệnh phổi kẽ với mong muốn huy động được sự tham gia của đông đảo các chuyên gia trong nước và quốc tế cũng như huy động nguồn lực và cơ chế hợp tác phát triển kỹ thuật hiện đại, xây dựng mạng lưới để người dân tiếp cận được thuận lợi và hiệu quả với chuẩn kỹ thuật quốc tế".

Chương trình Bệnh phổi kẽ là một cơ chế điều phối mang tính chuyên môn, có chức năng xây dựng quy trình chuyên môn và quản lý bệnh phổi kẽ các tuyến dựa trên mạng lưới chống lao và bệnh phổi; xây dựng hướng dẫn đào tạo, chuyển giao công nghệ có mạng lưới bệnh phổi kẽ trên phạm vi toàn quốc; thúc đẩy hợp tác trong nước và quốc tế trong nghiên cứu, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chẩn đoán, điều trị bệnh phổi kẽ tại Việt Nam, đồng thời ghi nhận bệnh phổi kẽ để đánh giá gánh nặng bệnh phổi kẽ tại Việt Nam…

Ảnh minh hoạ

Tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh phổi mô kẽ chiếm khoảng 6-7% tổng số bệnh nhân trong Khoa Hô hấp, Bệnh viện Phổi Trung ương. Tuy nhiên, các trường hợp này hầu hết đều nặng, có những trường hợp tử vong vì chủ quan bỏ điều trị, đến viện muộn. Vì vậy, cần có một chiến lược quản lý bệnh phổi kẽ trên toàn quốc.

Bệnh phổi kẽ là nhóm bệnh lý khá đa dạng, mặc dù không phải nhóm bệnh mới xuất hiện nhưng thực tế chưa được quan tâm và hiểu biết một cách cặn kẽ ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.

Khoa Hô hấp, Bệnh viện Phổi Trung ương hàng ngày điều trị cho từ 70-100 bệnh nhân. Tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh phổi mô kẽ khoảng 6-7% tổng số bệnh nhân trong khoa.

Từ năm 2020, bệnh viện đã thành lập Hội đồng đa chuyên khoa cho bệnh phổi Kẽ. Tại khoa Hô hấp, mỗi bệnh nhân sẽ được làm 1 bệnh án đưa ra hội đồng đa chuyên khoa gồm nhiều bệnh viện: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện 103, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện đa khoa Thái Nguyên, Bệnh viện Tâm Anh... để đưa ra chẩn đoán và phác đồ điều trị cho bệnh nhân, sau đó mỗi bệnh án đều được đưa vào hệ thống lưu trữ thông tin để theo dõi.

Đến nay, Hội đồng đã hỗ trợ chẩn đoán và điều trị cho một số lượng lớn các bệnh nhân từ nhiều cơ sở y tế thông qua cơ chế phối hợp hiệu quả.

Mặc dù hiện nay tỷ lệ phát hiện bệnh nhân viêm phổi kẽ tăng lên đáng kể nhưng do các biểu hiện của bệnh phổi kẽ trên lâm sàng là không đặc hiệu, việc chẩn đoán căn nguyên và phân loại bệnh phổi kẽ còn là thách thức lớn với các bác sĩ trên lâm sàng.

Việt Nam hiện chưa có nhiều hội đồng đa chuyên khoa trong chẩn đoán điều trị bệnh phổi mô kẽ. Các kỹ thuật chẩn đoán bệnh phổi kẽ như chẩn đoán hình ảnh, nội soi,... chưa được thực hiện thường quy trong mạng lưới chuyên khoa lao và bệnh phổi.

Theo PGS, TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, người bệnh phổi kẽ tại Việt Nam thường được phát hiện muộn khi đã có biến chứng của bệnh như suy hô hấp, tâm phế mạn với các biểu hiện xơ hóa nhu mô phổi không hồi phục trên phim chụp HRCT.

Bên cạnh những bệnh phổi kẽ thường gặp như IPF, CTD-ILD, sarcoidosis, căn nguyên về nhiễm trùng và nghề nghiệp cũng là nhóm gây bệnh phổi kẽ tại Việt Nam.

Điều trị bệnh phổi kẽ đối với người bệnh phổi kẽ giai đoạn cuối ở Việt Nam hiện nay chủ yếu dựa trên các phương pháp chăm sóc giảm nhẹ, như thở oxy dài hạn tại nhà, phục hồi chức năng hô hấp, dự phòng nhiễm khuẩn.

Để giải quyết tốt nhất với bệnh phổi kẽ, PGS, TS Nguyễn Viết Nhung nhấn mạnh, chúng ta cần có định hướng chiến lược: Áp dụng tối ưu các tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại, hội đồng đa chuyên khoa cho chẩn đoán và điều trị bằng một mạng lưới chuyên khoa từ Trung ương đến tuyến cơ sở để phát hiện sớm và chăm sóc hiệu quả lâu dài, bền vững.

Với chiến lược này người bệnh vừa có thể được chẩn đoán và điều trị đúng mà không làm quá tải ở tuyến Trung ương. Khi chương trình được thành lập và đi vào hoạt động chắc chắn sẽ mang lại ý nghĩa kinh tế xã hội to lớn với nhiều lợi ích cho người bệnh, người nhà người bệnh, cộng đồng, nhân viên y tế của bệnh viện và mạng lưới các bệnh viện.

Hà Nội: Hơn 1.100 ca mắc mới, 2 ca tử vong do sốt xuất huyết

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, trong tuần 50, trên địa bàn thành phố ghi nhận 1.165 ca mắc sốt xuất huyết, 2 ca tử vong tại Đan Phượng, Thường Tín.

Số ca mắc sốt xuất huyết giảm 11% so với tuần trước (1.309/2). Bệnh nhân ghi nhận tại 30 quận, huyện, thị xã, một số đơn vị có số mắc cao như: Hà Đông (176), Đống Đa (77), Phú Xuyên (67), Chương Mỹ (66), Hoàng Mai (66), Thạch Thất (64).

Cộng dồn từ đầu năm đến nay, toàn thành phố ghi nhận 18.788 mắc, 25 tử vong; số mắc tăng gấp 5,6 lần so với số mắc cùng kỳ năm 2021 (3.352 mắc, 0 tử vong). Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 566/579 xã, phường, thị trấn. Type virus Dengue lưu hành đã xác định được là: DENV1 DENV2, DENV4.

Trong tuần ghi nhận thêm 22 ổ dịch mới tại: Đống Đa (7), Hà Đông (5), Bắc Từ Liêm (3), Hai Bà Trưng (2), Hoài Đức (2), Đan Phượng (1), Thanh Trì (1), Phúc Thọ (1).

Hiện tại còn 82 ổ dịch đang hoạt động, tại 18 quận, huyện, trong đó một số ổ dịch đang hoạt động có nhiều bệnh nhân: thôn Bùng - Phùng Xá - Thạch Thất (324), thôn Vĩnh Lộc 1 - Phùng Xá - Thạch Thất (79), Thao Nội - Sơn Hà - Phú Xuyên (43), Thanh Thần - Thanh Cao - Thanh Oai.

Trong tuần số ca mắc sốt xuất huyết ghi nhận tiếp tục giảm so với tuần trước tuy nhiên vẫn ở mức cao. Hiện nay, thời tiết Hà Nội đã chuyển sang mùa lạnh với mức nhiệt độ không thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển, dự báo số mắc sốt xuất huyết sẽ giảm dần trong thời gian tới.

Trong tuần tới, ngành Y tế tiếp tục tăng cường giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, các khu vực nguy cơ cao, từ đó triển khai các hoạt động đáp ứng phù hợp và kịp thời.

Tại các địa phương, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các Sở, ban, ngành, chính quyền các cấp trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết Dengue. Cần huy động các ban ngành đoàn thể và các lực lượng khác tham gia hỗ trợ vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy.

Tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy phòng chống sốt xuất huyết một cách triệt để, đảm bảo các chỉ số côn trùng dưới ngưỡng (BI<20) mới được coi là đạt và được phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành.

Lâm Đồng: Bảo đảm y tế trong quá trình Festival hoa Đà Lạt 2022

Theo Sở Y tế Lâm Đồng, các bệnh viện tuyến tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện và thành phố ở Lâm Đồng tổ chức thường trực cấp cứu 24/24. Đảm bảo đầy đủ về nhân lực, trang thiết bị, thuốc tại phòng cấp cứu, tại các khoa điều trị, đặc biệt tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nằm dọc trên quốc lộ. 

Thành lập, củng cố, các Tổ cấp cứu lưu động, ngoại viện để phục vụ y tế theo sự phân công của Sở Y tế. Tổ cấp cứu ngoại viện sẵn sàng đáp ứng kịp thời khi có tình huống cấp cứu tai nạn, thương tích xảy ra trên địa bàn quản lý…

Trong thời gian tổ chức lễ hội Festival Hoa Đà Lạt, các đơn vị không giải quyết việc nghỉ phép cho cán bộ y tế trong ngành để trực chiến cho việc phục vụ y tế tại Festival Hoa Đà Lạt (trừ trường hợp đăc biệt do Thủ trưởng đơn vị giải quyết).

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lâm Đồng cũng được chỉ đạo làm đầu mối, chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong suốt quá trình diễn ra Festival Hoa Đà Lạt. Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm cũng được siết chặt trong suốt quá trình diễn ra lễ hội để đảm bảo sức khỏe cho người dân lẫn du khách.

Festival hoa Đà Lạt 2022 với chủ đề "Đà Lạt - Thành phố bốn mùa hoa" đã khai mạc đêm 18/12 và kéo dài đến 31/12. Đây là dịp để tôn vinh người trồng hoa, giá trị của các loài hoa và quảng bá các mặt hàng nông sản nổi tiếng ở Đà Lạt.

Trong suốt nhiều năm qua, Đà Lạt đã nổi tiếng với tên gọi "thành phố ngàn hoa". Nhiều loài hoa đã trở thành biểu tượng đẹp, gây ấn tượng sâu sắc cho người dân khi đến Đà Lạt. Bên cạnh đó, hàng vạn người dân, nghệ nhân trồng hoa đã tạo dựng được đời sống ấm no, giàu đẹp cũng chính từ trồng hoa.

Trong khuôn khổ Festival hoa Đà Lạt 2022 có nhiều chương trình đặc sắc như: Không gian hoa; Chương trình nghệ thuật "Bảo Lộc - Hương trà, sắc tơ"; Trình diễn thời trang "Tơ lụa - Con đường di sản"; Triển lãm hoa và cây có hoa quốc tế; Chương trình "Khát vọng Đà Lạt…".

Cảnh báo biến chứng xuất huyết não do sốt xuất huyết gây ra
Các chuyên gia của Bệnh viện Trung ương quân đội 108 cảnh báo biến chứng xuất huyết não do sốt xuất huyết gây ra.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư