Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 25/7: Tăng cường năng lực ứng phó với dịch đậu mùa khỉ
D.Ngân - 25/07/2022 08:34
 
Bộ Y tế đề nghị tập trung năng lực tăng cường giám sát và phát hiện bệnh đậu mùa khỉ tại tất cả cửa khẩu.

Tăng cường năng lực giám sát

Theo Bộ Y tế, hiện Việt Nam chưa ghi nhận nhưng nguy cơ lây qua cửa khẩu, khách nhập cảnh lớn vì thế chúng ta cần tăng cường giám sát tại cửa khẩu, đặc biệt là khách đến từ các quốc gia đang có dịch, cần có tuyên truyền, có pano, thông tin, tờ rơi…

Bộ Y tế đề nghị tập trung năng lực tăng cường giám sát và phát hiện bệnh đậu mùa khỉ tại tất cả cửa khẩu.

Đồng thời, cần giám sát trong cộng đồng những trường hợp phát ban, nốt phỏng. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cơ bản các ca mắc là nam giới chiếm 98%, trong đối đối tượng nam quan hệ tình dục đồng giới tương đối cao. 

Về chẩn đoán, do Việt Nam chưa có bộ kít xét nghiệm đậu mùa khỉ, trước mắt chúng ta dựa vào triệu chứng lâm sàng để sàng lọc. Sau này có các chẩn đoán cận lâm sàng đặc hiệu sẽ áp dụng.

Về vắc-xin, theo thông tin CDC Hoa Kỳ có 2 loại vắc-xin được FDA cấp phép sử dụng. Đây đều là vắc-xin có thành phần virus sống, sử dụng hai liều, mỗi liều cách nhau 4 tuần, cho những người trên 18 tuổi, tuy nhiên vẫn đang thảo luận về cách sử dụng- sử dụng vắc-xin trước hay sau khi phơi nhiễm. 

Trong khuyến cáo thì sử dụng cho nhóm nguy cơ rất cao, người phơi nhiễm, không sử dụng đại trà. 

Đối với công tác điều trị, TS. Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế thông tin, ngay sau khi nhận thông tin bùng phát đậu mùa khỉ trên thế giới, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã soạn thảo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị. 

"Tuần tới, chúng tôi sẽ tiến hành tập huấn cho các cơ sở y tế. Đa số ca bệnh đều là những trường hợp nhẹ, một số trường hợp có biến chứng như nhiễm khuẩn huyết, biến chứng phổi, não. Chúng tôi phân ra tuyến xã, huyện điều trị ca nhẹ, tuyến tỉnh và tuyến cuối điều trị ca biến chứng", TS. Khoa thông tin.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị tập trung năng lực tăng cường giám sát và phát hiện bệnh tại tất cả cửa khẩu và các tỉnh, thành thông qua giám sát bệnh truyền nhiễm, cơ sở y tế. 

Đồng thời, cần xây dựng các kịch bản đối phó. Hiện Việt Nam đang ở nhóm 1 chưa có ca bệnh, vậy ứng phó khi vào nhóm 2,3,4 thì như thế nào.

"Việt Nam chưa có ca bệnh song phải xây dựng kịch bản phản ứng với dịch cho các tình huống có ca bệnh, ca nhập cảnh, ca bệnh trong cộng đồng… khi có kịch bản, xử lý nhanh và sẵn sàng ứng phó", Thứ trưởng Bộ Y tế nói.

Khuyến cáo 6 biện pháp phòng chống đậu mùa khỉ

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phát đi tuyên bố sự lây lan của bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu, đây là mức báo động cao nhất của tổ chức này. Đến nay, có hơn 16.000 nghìn ca nhiễm đậu mùa khỉ được ghi nhận ở hơn 75 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 5 ca tử vong.

Tại nước ta hiện chưa ghi nhận bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ. Nhưng trước tình trạng khẩn cấp này, chiều nay (24/7) Bộ Y tế đã tổ chức họp bàn phương án ứng phó dịch cùng WHO tại Việt Nam, US CDC tại Việt Nam và các cơ quan liên quan.

Đợt bùng phát bệnh đậu mùa ở khỉ hiện nay là rất bất thường vì nó đang lây lan rộng ở Bắc Mỹ và Châu Âu, nơi thường không tìm thấy loại virus này. Châu Âu hiện là trung tâm đợt bùng phát, chiếm hơn 80% trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận. Hiện nay, một số nước Châu Á cũng đã ghi nhận những ca bệnh đầu tiên, trong đó có những nước láng giềng của nước ta như Thái Lan hay Singapore.

Theo tài liệu về bệnh đậu mùa khỉ của WHO, bệnh đậu mùa khỉ là một bệnh lây truyền hiếm gặp từ động vật sang người. Bệnh có thể lây lan khi tiếp xúc với người, linh trưởng, động vật gặm nhấm... nhiễm virus, qua đường hô hấp, mắt, mũi, miệng và có thời gian ủ bệnh từ 6-13 ngày.

Khi nhiễm bệnh đậu mùa khỉ, thường bắt đầu với các triệu chứng tương tự như bệnh cúm, bao gồm sốt, nhức đầu, đau cơ, ớn lạnh, kiệt sức và sưng hạch bạch huyết. Sau đó, bệnh tiến triển thành phát ban có thể lan rộng khắp cơ thể. Bệnh nhân được coi là dễ lây nhiễm nhất khi có các nốt phát ban trông giống như mụn nhọt hoặc mụn nước, có thể rất đau, lan rộng khắp cơ thể.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ ở nước ta, Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

1. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.

3. Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.

4. Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Trong trường hợp nơi ở/nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị.

5. Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (khu vực Trung và Tây Phi), cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (chết hoặc sống) như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa vi rút đậu mùa khỉ. Khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.

6. Đảm bảo an toàn thực phẩm, thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

Rà soát lượng trẻ em chưa tiêm vắc-xin

Bộ Y tế đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm, chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với ngành Y tế trên địa bàn rà soát, lập danh sách trẻ em mầm non và học sinh thuộc độ tuổi tiêm vắc-xin Covid-19 từ 5 - dưới 18 tuổi chưa tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ

Theo Bộ Y tế, đến nay Việt Nam đã triển khai tiêm chủng được hơn 240 triệu liều vắc-xin COVID-19 với tỷ lệ bao phủ đủ liều cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên cao và đang tập trung triển khai tiêm mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên, tiêm mũi 4 cho nhóm đối tượng nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế, tiêm liều cơ bản cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi. 

Thực tế đã cho thấy tiêm vắc-xin vẫn luôn là biện pháp hiệu quả và có ý nghĩa chiến lược trong phòng, chống dịch bệnh. 

Để tăng cường hơn nữa việc triển khai tiêm vắc-xin cho trẻ từ 5 đến dưới 18 tuổi, Bộ Y tế đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm, chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với ngành Y tế trên địa bàn rà soát, lập danh sách trẻ em mầm non và học sinh thuộc độ tuổi tiêm chủng từ 5 - dưới 18 tuổi chưa tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ; 

Chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực và tổ chức các điểm tiêm chủng tại trường học hoặc các địa điểm phù hợp khác, đảm bảo tiêm chủng an toàn, khoa học và hoàn thành tiêm 2 liều trong tháng 8/2022 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi đủ điều kiện tiêm chúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tăng nhanh độ bao phủ mũi 3 cho trẻ từ 12 - dưới 18 tuổi. 

Đặc biệt quan tâm đến trẻ mắc bệnh nền, trẻ béo phì để phối hợp với ngành Y tế thực hiện phương án tiêm chủng bảo đảm an toàn cho trẻ em, học sinh.

Tin mới về y tế ngày 13/6: Đậu mùa khỉ khó bùng phát thành dịch
Theo một số chuyên gia y tế dù dịch này đang tăng nhanh số ca mắc nhưng sẽ khó có nguy cơ bùng phát thành dịch.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư