Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 27/9: Ngành Y tế chủ động ứng phó dịch bệnh, thiên tai cuối năm 2022
D.Ngân - 27/09/2022 09:30
 
Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các đơn vị liên quan chủ động ứng phó với thiên tai những tháng cuối năm 2022.

Những tháng cuối năm, thiên tai, bão lũ còn diễn biến phức tạp, khó lường, trong đó có 3-5 cơn bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta trong tháng 10 và 11/ 2022. Bộ Y tế yêu cầu cung ứng đủ thuốc chữa bệnh thiết yếu, duy trì phòng chống dịch Covid-19, sốt xuất huyết...

Trước mắt, tập trung vào diễn biến của siêu bão Noru (Bão số 4) đang chuẩn bị đổ vào nước ta, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị y tế từ Quảng Ninh đến Bình Thuận trực chuyên môn, trực cấp cứu 24/24h;

Yêu cầu các đơn vị tại các địa bàn không bị ảnh hưởng của bão lũ, đặc biệt là bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế trên địa bản Hà Nội, TP. HCM (Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM...) chuẩn bị phương án tham gia hỗ trợ. Cụ thể:

Nhân lực: Cử 20-30 người, thành phần gồm các bác sĩ, điều dưỡng/kỹ thuật viên chuyên ngành cấp cứu, hồi sức tích cực, ngoại, chấn thương, kiểm soát nhiễm khuẩn...;

Chuẩn bị cơ số thuốc, trang thiết bị, phương tiện phục vụ cấp cứu, hồi sức tích cực, ngoại chấn thương và nhu cầu khám chữa bệnh của người dân sau bão lũ;

Ảnh minh hoạ

Sẵn sàng đến hỗ trợ cho các đơn vị tại miền Trung khôi phục hoạt động khám chữa bệnh khi được lệnh điều động từ Ban Chỉ huy Bộ Y tế.

Duy trì các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch sốt xuất huyết, dịch Covid-19 trong quá trình tổ chức phòng chống lụt bão.

Trong những ngày qua tại khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc và Trung Bộ đã xảy ra mưa lớn kéo dài, nhiều nơi xảy ra ngập lụt sâu, gây chia cắt giao thông, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, đặc biệt là các tỉnh Hà Giang, Nghệ An đã xảy ra ngập lụt sâu trên diện rộng.

Theo Trung tâm Dự báo khi tượng thủy văn Quốc gia, từ ngày 27- 29/9 tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên có mưa to, có nơi mưa rất to, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tinh miền núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp là rất cao.

Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại của thiên tai những tháng cuối năm 2022, Bộ Y tế (Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn) đề nghị Sở Y tế các tỉnh thành phố, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 09/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Rà soát, bổ sung các kế hoạch, phương án phòng, chống bão lũ của địa phương, đơn vị, đặc biệt lưu ý lũ quét, ngập lụt tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ; 

Duy trì các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch sốt xuất huyết, dịch Covid-19 trong quá trình tổ chức phòng chống lụt, bão.

Rà soát, điều chỉnh, bổ sung dự trữ thuốc, hóa chất, vật tư y tế phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn những tháng cuối năm 2022; đảm bảo cung ứng đủ thuốc chữa bệnh thiết yếu cho nhân dân, kịp thời bổ sung lượng dự trữ thuốc, hóa chất, vật tư dự trữ trong thiên tai, không để bị động, bất ngờ.

Chủ động triển khai kịp thời, hiệu quả công tác khắc phục hậu quả thiên tai và cứu hộ cứu nạn khi có tình huống;

Đề nghị Sở Y tế các địa phương căn cứ nhu cầu thực tế đề xuất với UBND tỉnh, thành có văn bản đề nghị gửi Bộ Y tế, Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ xuất cấp hóa chất khử khuẩn (Chloramin B, Aquatabs) từ nguồn dự trữ quốc gia theo quy định.

Đồng thời tổng hợp báo cáo tình hình thiệt hại, đề xuất nhu cầu với Bộ Y tế nhu cầu bảo đảm y tế của địa phương qua Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế.

USAID hỗ trợ trang bị hệ thống oxy y tế tại 6 tỉnh khó khăn

Chiều 26/9, tại Hà Nội, phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), công bố sẽ tài trợ hệ thống oxy y tế lỏng cho thêm 10 bệnh viện tại Việt Nam.

Trong năm tới, USAID sẽ lắp đặt các hệ thống ô xy lỏng mới tại 10 bệnh viện ở một số địa phương khó khăn nhất ở vùng sâu vùng xa thuộc 6 tỉnh.

Đến nay USAID cung cấp hệ thống oxy lỏng cho tổng số 23 bệnh viện tại Việt Nam.

Các hệ thống oxy lỏng đã được hoàn thành tại các bệnh viện giúp cải thiện việc chăm sóc các bệnh nhân Covid-19 nặng cũng như các bệnh nhân mắc các bệnh hô hấp khác hạn như viêm phổi và lao.

Hệ thống oxy lỏng do USAID cung cấp bao gồm một bể chứa tại chỗ cùng giàn hóa hơi để chuyển oxy lỏng trong bể chứa thành khí oxy và một van điều áp được kết nối với hệ thống đường ống của bệnh viện để đưa oxy tới giường bệnh.

USAID cũng đang tiến hành đào tạo và cung cấp các trang thiết bị quản lý oxy cho các nhân viên bệnh viện liên quan, chẳng hạn như thiết bị thở ôxy lưu lượng cao và máy theo dõi bệnh nhân, để họ có thể theo dõi một cách hiệu quả các dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân và nhanh chóng ứng phó với những thay đổi về tình trạng của bệnh nhân.

Với tài trợ của USAID, bao gồm 23 hệ thống oxy lỏng và các hỗ trợ liên quan, sẽ có thêm hàng nghìn bệnh nhân được hưởng lợi từ nguồn cung cấp oxy y tế tại các bệnh viện được lắp đặt hệ thống ôxy lỏng.

Hà Nội: Yêu cầu bố trí đủ giường bệnh, nhân lực điều trị Adenovirus

Do số lượng ca mắc virus Adeno phải nhập viện tăng cao, Sở Y tế Hà Nội đã có công văn yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh bố trí đủ giường bệnh, nhân lực, phương tiện, trang thiết bị, vật tư để chẩn đoán và điều trị người bệnh nhiễm Adenovirus.

Thực hiện tốt công tác phân luồng, kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm trong các cơ sở khám chữa bệnh. Trong trường hợp phát sinh lây nhiễm trong cơ sở khám chữa bệnh phải tiến hành xử lý quyết liệt.

Tăng cường hội chẩn, chỉ đạo tuyến giữa các bệnh viện trong ngành y tế Hà Nội trong công tác điều trị người bệnh nhiễm Adenovirus.

Các trường hợp diễn biến nặng có suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng… cần được hội chẩn tích cực, chuyển viện, chuyển tuyến lên tuyến thành phố hoặc tuyến Trung ương đảm bảo an toàn người bệnh.

Các đơn vị tăng cường truyền thông, phổ biến kiến thức cho người bệnh, gia đình người bệnh về các khuyến cáo phòng, chống lây nhiễm bệnh do virus Adeno để chủ động thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm.

Sở Y tế giao các đơn vị: Bệnh viện Đa khoa Đống Đa (chuyên khoa đầu ngành Truyền nhiễm), Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (chuyên khoa đầu ngành Nhi khoa) tiếp tục cập nhật kiến thức chẩn đoán, phòng, điều trị bệnh nhân nhiễm Adenovirus cho các đơn vị trong ngành.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội phối hợp với các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn, Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã tăng cường giám sát tình hình bệnh do virus Adeno, đánh giá tình hình, nguy cơ tiến triển thành dịch, tham mưu cho Sở Y tế.

Ngăn chặn nguy cơ bùng dịch của Adenovirus
Thời điểm giao mùa Thu-Đông như hiện nay là điều kiện lý tưởng để các bệnh truyền nhiễm như Adenovirus, sốt xuất huyết, cúm, hô hấp… gia...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư