Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 07 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 28/7: Kết hợp Đông-Tây y trong điều trị đái tháo đường
D.Ngân - 28/07/2023 09:47
 
Đái tháo đường là căn bệnh không lây nhiễm phổ biến ở xã hội hiện đại với việc gia tăng số người mắc, trẻ hóa đối tượng mắc ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ và chi phí cho điều trị.

5 triệu người Việt mắc đái tháo đường

Theo Liên đoàn đái tháo đường Thế giới (IDF) công bố năm 2021, thế giới có tới 537 triệu người mắc đái tháo đường, tương ứng với tỷ lệ cứ 10 người lớn độ tuổi 20 - 79 tuổi có 1 người mắc đái tháo đường; cứ 6 trẻ sinh ra có 1 trẻ bị ảnh hưởng bởi đái tháo đường trong giai đoạn phát triển thai nhi. 

Đặc biệt, có tới 50% số người trưởng thành mắc đái tháo đường mà không được chẩn đoán kịp thời.

Phó giám đốc Bệnh viện Nội tiết trung ương phát biểu về điều trị bệnh đái tháo đường tại Hội nghị.

Theo kết quả điều tra của Bộ Y tế năm 2021, tỷ lệ mắc đái tháo đường ở người trưởng thành ước tính là 7,1%, tương đương với khoảng gần 5 triệu người đang mắc bệnh đái tháo đường.

Đái tháo đường giờ đây không chỉ là căn bệnh của người giàu, của đô thị mà đang lan rộng ra khắp các vùng miền với nhiều nhóm đối tượng không phân biệt giàu nghèo, già trẻ.

Trước thực tế đáng lo ngại nêu trên, ngày 28/7 Hội Đông y Việt Nam tổ chức Hội nghị khoa học toàn quốc kết hợp Đông - Tây y trong chẩn đoán và điều trị đái tháo đường cho các cán bộ, hội viên của Hội Đông y Việt Nam qua 2 hình thức là trực tiếp và trực tuyến.

Trong khuôn khổ Hội nghị đã có những bài báo cáo của các nhà khoa học đầu ngành thuộc chuyên ngành y học hiện đại về đái tháo đường cập nhật kiến thức y khoa mới nhất trong sinh lý bệnh cũng như chẩn đoán và điều trị đái tháo đường.

Ông Phan Hướng Dương, Phó giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho hay, người bệnh đái tháo đường ngoài dùng thuốc theo đúng chỉ định và tái khám định kỳ để được điều chỉnh liều lượng nếu cần thì người bệnh cần kiểm soát chế độ ăn.

Người bệnh ăn gì, uống gì cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới nồng độ đường máu. Do đó, chế độ ăn nên hạn chế thực phẩm nhiều đường, tinh bột, bánh kẹo ngọt, nước uống có gas… nên ăn nhiều rau xanh, các loại quả hạch, ngũ cốc nguyên hạt…

Người bệnh nên tập thể dục thường xuyên bởi nếu ngồi nhiều, ít vận động làm tăng kháng insulin, khiến đường máu sẽ khó ổn định.

Người dân, người bệnh nên cố gắng luyện tập hàng ngày như đi bộ, chạy bộ, đạp xe, chơi cầu lông, bơi lội… để làm giảm đường huyết.

Về phần đông y, có các báo cáo kinh nghiệm trong chẩn đoán, điều trị, chăm sóc bệnh nhân đái tháo đường, đặc biệt là đối tượng bệnh nhân lớn tuổi và báo cáo về nghiên cứu điều trị và dự phòng biến chứng đái tháo đường trên sản phẩm thảo dược của các công ty dược có tác dụng điều trị đái tháo đường.

Từ đó, giúp hệ thống lại kiến thức, kinh nghiệm cho các cán bộ, hội viên, nhằm nâng cao năng lực tiếp cận chăm sóc tốt hơn cho bệnh nhân Đái tháo đường.

Tài trợ hơn 258.000 vắc-xin 5 trong 1 để tiêm chủng mở rộng

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã dự và chứng kiến lễ tiếp nhận 72.300 vắc-xin DPT-VGB-Hib (vắc-xin 5 trong 1) ủng hộ chương trình tiêm chủng mở rộng miễn phí cho trẻ em nghèo miền núi phía Bắc.

185.700 liều vắc-xin 5 trong 1 do WHO và UNICEF tặng Việt Nam đã về đến Hà Nội hôm nay. Số vắc-xin này sẽ được kiểm định sau đó phân bổ cho các địa phương để phục vụ công tác tiêm chủng mở rộng cho trẻ em.

Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế gửi lời trân trọng cảm ơn doanh nghiệp luôn đồng hành cùng Bộ Y tế để chung tay chăm lo công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân nói chung, bà mẹ và trẻ em nói riêng.

Bà Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, vắc-xin 5 trong 1 do doanh nghiệp tài trợ là vắc-xin SII - đã được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng nhiều năm qua.

Ngày 28/7, xe chuyên dụng sẽ vận chuyển vắc-xin đến những tỉnh, thành khó khăn, miền núi thuộc khu vực miền Bắc, là các địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với tiêm chủng dịch vụ để tiến hành tiêm cho trẻ từ đầu tháng 8/2023.

Về triển khai tiêm chủng, các địa phương đã chủ động rà soát đối tượng trẻ ≥ 2 tháng tuổi chưa được tiêm hoặc chưa tiêm đủ mũi vắc-xin có thành phần bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, Hib, tổ chức tiêm bù vắc-xin cho trẻ trong tiêm chủng thường xuyên tại các trạm y tế xã/phường, ưu tiên vắc-xin tiêm chủng trẻ chưa được tiêm mũi 1 vắc-xin DPT-VGB-Hib và trẻ càng nhỏ càng cần được ưu tiên tiêm chủng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư