Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 12 tháng 01 năm 2025,
Tin mới về y tế ngày 29/1: Yêu cầu làm rõ vụ cháu bé 3 tuổi tử vong nghi hóc hạt bí; Nguy cơ nhiễm nấm mốc từ các thực phẩm dịp Tết
D.Ngân - 29/01/2023 10:14
 
Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế Quảng Ngãi làm rõ vụ cháu bé 3 tuổi tử vong nghi hóc hạt bí, người nhà tố bệnh viện tắc trách.

Ngày 27/1, một số phương tiện thông tin đại chúng có đăng tải bài viết phản ánh bé T.Đ.L, 3 tuổi, được người nhà đưa đến Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ngãi cấp cứu ngày 26/1 trong tình trạng ho, khó thở (nghi mắc hạt bí) và tử vong ngày 27/1 (mùng 6 Tết), nghi do tắc trách và sai sót chuyên môn của ca trực đêm.

Sau khi nghiên cứu, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ngãi tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan để xác minh, làm rõ nội dụng phản ánh trên. Khẩn trương chỉ đạo thực hiện kiểm thảo tử vong, xác minh nguyên nhân tử vong của cháu T.Đ.L. Xử lý nghiêm đối với các cá nhân, tập thể có vi phạm (nếu có).

Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Quảng Ngãi.

Cục cũng yêu cầu công khai kết quả xác minh và nguyên nhân tử vong của cháu T.Đ.L trên phương tiện thông tin đại chúng, có văn bản trả lời trực tiếp người nhà người bệnh và báo cáo kết quả về cơ quan này trước ngày 31/1.

Theo các phương tiện truyền thông thông tin, ngày 27/1, tại Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ngãi, anh Trần Văn Chi (trú TP. Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) bức xúc "tố" bệnh viện này tắc trách khiến cháu T.Đ.L., 3 tuổi, con trai anh thiệt mạng.

Theo anh Chi, khoảng 20 giờ ngày 26/1, cháu L. có biểu hiện khó thở, nôn ọe. Vợ chồng anh cho rằng cháu bị hóc hạt bí nên chở đến Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ngãi.

Khi đưa cháu L. vào viện cấp cứu, gia đình đã chủ động nói với y - bác sĩ có mặt tại bệnh viện là cháu bị hóc hạt bí nhưng phía bệnh viện bảo “không sao”, cho thở khí dung và đưa lên khoa điều trị ở tầng 5. Sau đó anh đưa con trai về nhà rồi trở lại bệnh viện cấp cứu khoảng 3 giờ sáng ngày 27/1 nhưng cháu bé không qua khỏi. Anh Chi cho rằng, chính cách làm việc tắc trách của bệnh viện đã làm con anh tử vong.

Trong khi đó, về phía Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ngãi cho rằng, các nhân viên y tế của tua trực phối hợp xử trí, hồi sức tích cực cho trẻ nhưng đáng tiếc bệnh nhi bỏ về, không ở bệnh viện nên không theo dõi, can thiệp, cấp cứu kịp thời. Bệnh nhân tử vong ngoại viện. 

Đề phòng các loại thực phẩm có nguy cơ nhiễm nấm mốc trong dịp Tết

Tết là dịp nhu cầu ăn uống cũng như việc tích trữ thực phẩm tăng cao. Sau Tết, nhiều loại thực phẩm như: Bánh chưng, mứt, bánh kẹo, các loại hạt rất có nguy cơ bị hỏng, nấm mốc, nếu không được bảo quản tốt.

Ths.BS Nguyễn Văn Tiến, Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, khuyến cáo nếu để lâu, bảo quản kém, các sản phẩm trên dễ bị hỏng do vi sinh vật và nấm mốc, nhất là loại bánh kem và các loại mứt. 

Với những loại ít độc hoặc một liều lượng nhỏ độc tố nấm chỉ gây ngộ độc nhẹ, người bệnh bị nôn mửa, tiêu chảy, choáng váng… những độc tố vi nấm tích lũy dần trong cơ thể lâu dần dẫn đến bệnh nguy hiểm như: Ung thư gan do aflatoxin, suy thận do ochratoxin, ung thư buồng trứng do fumonisins….

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, bánh chưng ngon và bổ dưỡng, nhưng nếu đã bị chua, mốc meo, ăn vào sẽ nguy hiểm. Do độ ẩm cao và giàu chất dinh dưỡng nên bánh chưng là môi trường thích hợp cho nấm mốc phát triển, vì vậy bánh chưng để lâu dễ bị mốc. Từ lớp lá ở ngoài, nấm mốc phát triển vào bên trong, lan rộng ra và làm hỏng bánh. Đặc biệt, một số loại nấm mốc tiết ra độc tố cho người ăn, trong đó phải kể đến những nấm mốc thuộc họ Aspergllus và họ Penicillium. Vì vậy, chúng ta cảnh giác với bánh chưng mốc và phải kiên quyết bỏ khi bánh có hiện tượng mốc, bị chua, vữa, đắng...

“Các loại bánh ngọt, mứt để lâu, bảo quản kém, sẽ dễ bị hỏng do vi sinh vật và nấm mốc, nhất là loại bánh kem và các loại mứt. Khi mứt hút ẩm chảy nước là sắp hỏng. Đấy là yếu tố thuận lợi cho vi sinh vật và nấm mốc phát triển làm hỏng mứt và bánh ngọt. Thường thấy nhất là nấm men ưa đường gây nứt nẻ và làm bánh mất mùi vị, màu sắc đặc trưng. Trên bề mặt bánh ngọt để lâu xuất hiện những loại nấm mốc khác nhau… cần bỏ đi không nên tiếc rẻ”, bác sĩ Nguyễn Văn Tiến khuyến cáo.

Chuyên gia cũng lưu ý, nấm mốc từ các loại hạt có dầu như lạc, đậu nành, hạt điều, hạt hướng dương…thậm chí, nó có ở các loại lượng thực như gạo, ngô, sắn…và ở các loại thức ăn gia súc.

Trong các loại lương thực, thực phẩm bị nhiễm nấm mốc, thì các loại hạt bị mốc được quan tâm nhiều nhất, đặc biệt là lạc. Thủ phạm làm các loại hạt bị mốc là một loài nấm mốc nguy hiểm có tên là Aspergillus flavus. Nấm này tiết ra độc tố Alfatoxin cực kỳ nguy hiểm. Ngoài tác hại gây độc cấp tính, nó còn tích lũy dần dần trong cơ thể và là nguyên nhân gây bệnh ung thư.

“Báo động đỏ” tình trạng ngộ độc thực phẩm dịp cuối năm
Dịp cuối năm, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng cao. Đây là thời điểm các loại thực phẩm bẩn, kém chất lượng… được đưa ra ngoài thị...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư