Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 4/11: Tập huấn phòng, chống bệnh tan máu bẩm sinh; Giám sát, kiểm soát kịp thời bệnh đậu mùa khỉ
D.Ngân - 04/11/2022 09:32
 
Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương phối hợp với Sở Y tế tỉnh Bắc Giang tổ chức vừa phối hợp tổ chức Hội nghị triển khai và tập huấn hoạt động phòng, chống bệnh thalassemia năm 2022.

Phòng, chống bệnh tan máu bẩm sinh (thalassemia)

Việt Nam có tới 13,8% dân số mang gen bệnh thalassemia. Mỗi năm, cần trên 2.000 tỷ đồng để tất cả bệnh nhân được điều trị ở mức tối thiểu và cần khoảng 500.000 đơn vị máu an toàn.

Năm 2022, lần đầu tiên, hoạt động phòng bệnh thalassemia được đưa vào Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đây là một bước tiến hết sức quan trọng trên chặng đường đẩy lùi bệnh thalassemia.

Theo một nghiên cứu mà Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã thực hiện từ năm 2017 thì có những dân tộc tỷ lệ người mang gen lên tới gần 40%. Đối với dân tộc Kinh, tỷ lệ người mang gen cũng xấp xỉ 10%.

Ảnh minh hoạ.

Xuất phát từ thực tế trên, Viện Huyết học - Tryền máu Trung ương đã phối hợp với Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình đề xuất với Bộ Y tế trình Thủ tướng Chính phủ và được phê duyệt tham gia Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025.

Việc hoạt động phòng bệnh thalassemia được đưa vào Chương trình mục tiêu quốc gia có ý nghĩa rất quan trọng, giúp triển khai đồng bộ các chương trình truyền thông, tư vấn, tầm soát gen bệnh và nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị bệnh tại các địa phương; Đồng thời là tiền đề để đẩy mạnh các hoạt động đẩy lùi căn bệnh này trên cả nước.

Trong giai đoạn I của chương trình (từ năm 2021 - 2025), hoạt động phòng bệnh thalassemia được thực hiện tại 5 tỉnh: Hà Giang, Yên Bái, Bắc Giang, Thanh Hóa và Nghệ An hướng tới mục tiêu: Giảm số ca phù thai do bệnh thalassemia, giảm số trẻ sinh ra bị bệnh, từng bước nâng cao chất lượng điều trị tại các cơ sở y tế cho bệnh nhân người dân tộc thiểu số, từng bước kéo dài tuổi thọ cho những bệnh nhân hiện tại.

Trong giai đoạn này, chương trình sẽ tập trung vào các hoạt động: Tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân về bệnh thalassemia; Tập huấn, nâng cao kiến thức về bệnh cho cán bộ y tế tuyến tỉnh, huyện; Tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề và tiến tới xây dựng mô hình tầm soát bệnh thalassema tại địa phương.

Đắk Lắk: Tăng cường giám sát, kiểm soát kịp thời bệnh đậu mùa khỉ

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế vừa có Công văn số 1223/DP-DT đề nghị Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn tỉnh.

Cục Y tế dự phòng cho biết theo thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, ngày 2/11/2022 tại tỉnh Đắk Lắk ghi nhận 1 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ trú tại huyện Cư M'gar có tiền sử đi du lịch từ nước ngoài về.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới, tại Việt Nam cũng đã ghi nhận một số trường hợp mắc bệnh về từ nước ngoài; để chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bệnh, kiểm soát dịch kịp thời không để bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ, hạn chế tối đa số mắc và tử vong, Cục Y tế dự phòng đề nghị Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo triển khai ngay một số hoạt động, cụ thể:

Thứ nhất, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ gửi các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur để xét nghiệm chẩn đoán; cách ly, điều trị trường hợp nghi ngờ, lưu ý không để xảy ra lây nhiễm chéo, lây nhiễm đối với nhân viên y tế trong quá trình chăm sóc, điều trị.

Thứ hai, khẩn trương thực hiện điều tra các trường hợp tiếp xúc gần với trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ trong quá trình đi du lịch ở nước ngoài và tại Việt Nam, tổ chức quản lý, theo dõi sức khỏe và xử lý kịp thời ổ dịch (nếu có) không để dịch lây lan rộng ra cộng đồng.

Thứ ba, đẩy mạnh việc thực hiện nghiêm giám sát dịch bệnh tại cửa khẩu, giám sát tại các cơ sở khám chữa bệnh và giám sát dựa vào sự kiện tại cộng đồng để phát hiện sớm, ngăn chặn dịch bệnh kịp thời.

Thứ tư, tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến; sẵn sàng thu dung, phân luồng, điều trị người bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh và phòng chống lây nhiễm tại các cơ sở xét nghiệm, y tế.

Thứ năm, rà soát cập nhật kế hoạch, kịch bản đáp ứng, diễn tập theo các tình huống để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp dịch bệnh xảy; sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí.

Thứ sáu, đẩy mạnh truyền thông minh bạch, bằng nhiều hình thức cho người dân về các biện pháp dự phòng dịch bệnh tại các cửa khẩu, cộng đồng về dịch bệnh Đậu mùa khỉ theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Thứ bảy, thực hiện công tác thông tin, báo cáo theo quy định.

TP.HCM: Tỷ lệ tiêm vắc-xin tiêm chủng mở rộng mới đạt 76%

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, tỷ lệ tiêm vắc-xin cho trẻ em dưới 1 tuổi trong Chương trình tiêm chủng mở rộng của TP.HCM mới đạt 76,6%, còn thiếu 18,3% mới đạt chỉ tiêu 95% theo kế hoạch.

Toàn thành phố có 86.557 trẻ sinh năm 2021 cần được tiêm chủng các loại vắc-xin phòng bệnh. Tuy nhiên, số trẻ được tiêm đầy đủ 8 loại vắc-xin cơ bản chỉ 66.418 trẻ, đạt 76,6%.

Tương tự, mũi tiêm nhắc cho trẻ 18 tháng tuổi cũng chưa đạt mục tiêu đề ra. Cụ thể, trong số 97.052 trẻ sinh năm 2020 thì chỉ có 77.407 trẻ được tiêm mũi sởi 2 (đạt 79,4%) và 75.497 trẻ được tiêm vắc-xin bạch hầu-ho gà-uốn ván (DPT) mũi 4 (đạt 77,4%).

Nguyên nhân khiến TP.HCM chưa đạt chỉ tiêu tiêm chủng cho trẻ em được cho rằng do đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng lớn đến công tác tiêm chủng trẻ em của thành phố.

Một điều đáng lo ngại là nếu tình trạng gián đoạn cung ứng vắc-xin vẫn tiếp diễn như hiện nay, nguy cơ xảy ra một số dịch bệnh nguy hiểm trên trẻ em như sởi, bạch hầu, ho gà. Đặc biệt, nguy hiểm nhất là bệnh sởi, bởi theo chu kỳ dịch sởi thường 4 năm bùng phát một lần.

Lần cuối cùng xảy ra dịch sởi ở nước ta là cuối năm 2018 đầu năm 2019. Do đó, với việc thiếu vắc-xin sởi trong 5 tháng qua có thể sẽ dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch sởi vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2023.

Tin mới về y tế ngày 3/11: Phát hiện một trường hợp nghi mắc đậu mùa khỉ tại Đắk Lắk; TP.HCM phát sinh thêm nhiều ổ dịch sốt xuất huyết mới
Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam vừa phối hợp với Trường Đại học Y Hà Nội và một số đơn vị đã tổ chức Hội nghị Khoa học và Công nghệ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư