Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 07 tháng 10 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 8/9: Đáng lo với liên cầu khuẩn
D.Ngân - 08/09/2023 10:40
 
Thành phố Hà Nội vừa ghi nhận thêm 1 bệnh nhân tử vong do nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn.

Báo động ca bệnh tăng nhanh

Ca bệnh này một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về căn bệnh nguy hiểm đang có xu hướng gia tăng mà nguyên nhân liên quan đến giết mổ, ăn tiết canh hoặc các món ăn từ thịt lợn chưa nấu chín.

Ảnh minh hoạ.

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội), trên địa bàn Thành phố vừa ghi nhận một nam bệnh nhân (50 tuổi, ở quận Thanh Xuân) bị sốt 40 độ C, mệt mỏi, đau nhức cả hai khớp chân. Bệnh nhân tự uống thuốc hạ sốt tại nhà nhưng tình trạng bệnh nặng lên.

Sau đó, bệnh nhân được gia đình đưa đến Bệnh viện Đại học Y Hà Nội điều trị. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán, viêm phổi biến chứng sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, toan chuyển hóa nặng.

Trong quá trình điều trị, bệnh nhân diễn biến nặng và tử vong. Kết quả xét nghiệm cấy máu của bệnh nhân dương tính với vi khuẩn liên cầu lợn (Streptococcus suis).

Trước đó, nam bệnh nhân (48 tuổi, ở huyện Ba Vì) cũng tử vong với chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn do liên cầu lợn. Trước khi nhiễm bệnh, trong quá trình giết mổ, bệnh nhân không sử dụng biện pháp bảo hộ. Hai ngày sau khi giết mổ lợn, bệnh nhân sốt cao, rét run, mệt mỏi, đau cơ, đau mỏi người, nôn.

Sau đó một ngày, bệnh nhân xuất hiện ban xuất huyết vùng đầu và trên cơ thể nên được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi nhiễm khuẩn huyết do liên cầu lợn và được chuyển đến Bệnh viện Quân y 105 để điều trị. Sau đó, tình trạng bệnh nặng lên và bệnh nhân đã tử vong.

Dù đã được cảnh báo rất nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nhưng người dân còn chủ quan với bệnh liên cầu lợn. Trước đây, rất ít người mắc bệnh này, thì nay số bệnh nhân có xu hướng gia tăng.

Theo CDC Hà Nội, từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 15 ca mắc liên cầu lợn, trong đó có 2 ca tử vong. Trong khi cùng kỳ năm 2022, thành phố chỉ ghi nhận 1 ca bệnh. Hầu hết các ca bệnh đều có liên quan đến giết mổ, ăn tiết canh hoặc các đồ ăn từ thịt lợn chưa nấu chín.

Bên cạnh đó, cũng có một số trường hợp do tiếp xúc với lợn nhiễm bệnh thông qua các tổn thương, trầy xước trên da khi giết mổ, chế biến thực phẩm.

Kiểm tra công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết

Trước diễn biến khó lường của dịch sốt xuất huyết, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Vũ Thu Hà vừa đi kiểm tra đột xuất công tác phòng, chống dịch tại địa bàn trọng điểm phường Định Công, quận Hoàng Mai.

Báo cáo của CDC Hà Nội cho thấy, số mắc sốt xuất huyết tại quận Hoàng Mai đứng thứ hai Thành phố.

Bệnh nhân đầu tiên ghi nhận vào ngày 19/5. Số mắc bắt đầu tăng từ tuần 26 trở lại đây (trung bình 22 ca/tuần; tuần thứ 35 ghi nhận ca mắc cao nhất là 37 ca).

Trong đó, tình hình sốt xuất huyết tại phường Định Công diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng nhanh trong các tuần gần đây.

Đến nay, đã có 38/42 tổ dân phố ghi nhận ca bệnh sốt xuất huyết; 16/42 tổ dân phố xuất hiện ổ dịch. Tính từ đầu năm đến hết ngày 6/9, toàn phường ghi nhận 270 ca mắc, trong đó có 22 ổ dịch, hiện còn 2 ổ dịch đang hoạt động là tổ 14 và 19.

Thời gian qua, UBND phường Định Công đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể chính trị xã hội thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn.

Trong đó, địa phương tổ chức phun hóa chất tại các hộ gia đình, các ổ dịch và khu vực có nguy cơ cao; tổ chức nhiều đợt ra quân, tổng vệ sinh môi trường.

Ngoài ra, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân; tăng cường thời lượng phát thanh tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, trên các nhóm zalo của chi bộ, tổ dân phố; phát tờ rơi, áp phích, băng rôn…

Đại diện phường Định Công cho biết, các tổ xung kích thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt tại các địa bàn có ổ dịch.

Mỗi tổ dân phố có 2-3 tổ xung kích, đội giám sát nhưng do dân cư đông, đa dạng về thành phần nên công tác phòng, chống dịch còn gặp khó khăn.

Trước diễn biến dịch sốt xuất huyết vẫn tiếp tục gia tăng, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội đề nghị công tác kiểm tra, phụ trách địa bàn tại quận Hoàng Mai phải được tổ chức thường xuyên hơn.

Ngoài việc ban hành các văn bản, quận cần tăng cường kiểm tra, phân công phụ trách địa bàn một cách cụ thể.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc, trong đó, tập trung vào những địa bàn trọng điểm, có ổ dịch phức tạp hay nguy cơ cao; phân loại đối tượng dân cư để tuyên truyền một cách phù hợp.

Liên quan đến xử lý ổ dịch, quận Hoàng Mai cần triển khai các giải pháp đồng bộ, bài bản, đồng thời, hỗ trợ những địa bàn trọng điểm.

Đánh giá cao việc triển khai chiến dịch phòng, chống dịch, tuy nhiên, lãnh đạo TP lưu ý, quận Hoàng Mai phải có giải pháp duy trì lâu dài để phát huy hiệu quả công tác phòng, chống dịch sau mỗi chiến dịch.

Ngoài ra, về kiến nghị chế độ cho các đối tượng tham gia tổ xung kích, tổ giám sát phòng, chống dịch, lãnh đạo TP đề nghị Sở Y tế rà soát nội dung này và báo cáo TP…

Tin mới về y tế ngày 17/7: Hà Nội nhiều trường hợp mắc liên cầu khuẩn
Ngày 16/7, theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, thành phố vừa ghi nhận thêm trường hợp thứ 12 bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn trong năm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư